Tháng 4/2023, sau khi Chelsea sa thải Graham Potter, Enrique là một trong những ứng viên sáng giá thay thế, bên cạnh Julian Nagelsmann và Ruben Amorim. Theo truyền thông Anh lúc đó, HLV người Tây Ban Nha thậm chí đã đến London để đàm phán, và gây ấn tượng mạnh với các ông chủ Mỹ. Nhưng sau cùng, Enrique không được chọn, vì CLB này dùng Frank Lampard làm HLV tạm quyền trước khi bổ nhiệm Mauricio Pochettino.
Khi được hỏi về chuyến đi đến London năm đó, với sự tôn trọng dành cho Chelsea, Enrique bấy giờ trả lời hóm hỉnh tại sân bay Barcelona với các phóng viên Tây Ban Nha: "Nếu các anh nhảy điệu haka nổi tiếng, tôi sẽ trả lời! Tôi vừa từ Formentera về! Chuyến đi thật tuyệt vời, một hòn đảo thiên đường".
Vài tháng sau, Enrique đến dẫn dắt PSG.

Luis Enrique trên sân tập PSG trong những ngày dự FIFA Club World Cup 2025 tại Mỹ. Ảnh: psg.fr
Bóng đá thường có câu "giá như...", để tô hồng những hồi tưởng. Và khi nhìn lại cuộc cách mạng bắt đầu hè 2023 ở PSG, cũng như cách Chelsea đại tu đội hình những năm gần đây, có nhiều điểm tương đồng mà nếu đặt Enrique vào vị trí ghế nóng đội chủ sân Stamford Bridge, cái "giá như" ấy có thể viết bằng nét đậm.
Nhưng trên thực tế, vào hè 2023, hào quang của Enrique phần nào phai nhạt sau khi tuyển Tây Ban Nha dưới trướng ông bị Morocco loại bằng đá luân lưu ở vòng 1/8 World Cup 2022. Trận đấu này về sau thường được mô tả là "cái chết của một ngàn đường chuyền" - vì Tây Ban Nha hôm đó chuyền tới 1019 đường, cầm bóng 77% nhưng bất lực trước hệ thống kỷ luật của đại diện Bắc Phi.
Cộng thêm thất bại theo cùng kịch bản của chính họ ở World Cup 2018 - cũng thua Nga trong loạt luân lưu dù cầm bóng gần 80% và chuyền 1115 đường, có hai câu hỏi được đặt ra. Liệu lối chơi kiểm soát bóng mà Enrique theo đuổi đã lỗi thời? Phải chăng bảng thành tích ấn tượng của ông lúc còn tại vị ở Barca chỉ là nhờ sở hữu dàn đội hình ưu tú với tam tấu Lionel Messi, Luis Suarez, Neymar?
Nhưng dấu ấn của một HLV giỏi nằm ở khả năng thích nghi. Màn tra tấn Inter Milan ở chung kết Champions League, tiếp nối là màn hủy diệt Real Madrid ở bán kết FIFA Club World Cup mới đây thông qua lối chơi mãnh liệt, tốc độ cao, pressing điên cuồng, dựa trên những cầu thủ chạy cánh với khả năng xuyên phá và các pha rê dắt bóng khéo léo, chứng minh rằng vị HLV người Asturias đã thật sự tái định hình bản thân cũng như đội bóng mà ông dẫn dắt. PSG dưới tay Enrique là một đội bóng mãn nhãn, và hiệu quả.

Tiền đạo cánh Desire Doue đi bóng dứt điểm trong trận PSG thắng Bayern 2-0 ở tứ kết FIFA Club World Cup 2025 ngày 6/7. Ảnh: AFP
Thành công lớn nhất của Enrique là xóa bỏ những cái tôi cá nhân ở Paris, biến PSG thành một tập thể gắn kết, một trong những đội pressing tốt nhất châu Âu. Thành quả này đạt được nhờ sự thay đổi triết lý quyết liệt của CLB - điều có lẽ chỉ khả thi nếu được hậu thuẫn bởi nguồn tài chính khổng lồ.
Chỉ trong vòng hai năm, 22 cầu thủ đội một PSG đã rời đi và 20 tân binh được mang về với tổng chi phí vượt 800 triệu USD. Đội bóng Pháp mạnh dạn chia tay các ngôi sao lớn như Neymar, Messi rồi Mbappe. Enrique được trao toàn quyền về chuyên môn - thứ đặc quyền mà không HLV nào trước đây ở Parc des Prinches được nếm trải.
Đồng thời, dưới sự dẫn dắt ở cấp độ quản lý của Luis Campos – một trong những Giám đốc thể thao hay nhất châu Âu, PSG tập trung vào các tài năng trẻ, gồm cả chiêu mộ lẫn đôn lên từ đội trẻ. Chỉ 9 đội bóng tham dự các giải đấu châu Âu mùa trước sử dụng đội hình có độ tuổi trung bình trẻ hơn PSG. Bản sắc Pháp cũng đậm đặc hơn, thay vì mang mác một đội bóng đánh thuê, với những tài năng như Doue, Barcola được chiêu mộ, dung hòa cùng các sản phẩm cây nhà lá vườn là Zaire-Emery, Mbaye hay Mayulu.
Cách làm của Chelsea có nhiều nét chung với PSG. Họ đại tu đội hình kể từ khi được tập đoàn do Clearlake Capital tiếp quản vào năm 2022, với chi phí khổng lồ hơn 1,3 tỷ USD. Nhà ĐKVĐ Conference League bắt đầu bằng việc chiêu mộ những tên tuổi lớn như Raheem Sterling và Kalidou Koulibaly, trước khi chuyển hướng sang các tài năng trẻ và có tiềm năng bán lại cao.

HLV Enrique cùng các học trò Dembele, Vitinha mừng bên chiếc cup vô địch Champions League sau trận chung kết thắng Inter 5-0 ngày 31/5. Ảnh: AFP
Tuy nhiên, khi nhìn kỹ, PSG sở hữu nhiều cầu thủ trụ cột dày dạn kinh nghiệm hơn ở các tuyến. Ousmane Dembele, ứng viên sáng giá cho Quả Bóng Vàng, đã 28 tuổi. Tiền vệ Fabian Ruiz, người từng không lọt vào mắt xanh của chính Enrique ở tuyển Tây Ban Nha nhưng lại là nhân tố quan trọng bậc nhất ở PSG hiện tại, cũng đã 29 tuổi. Đội trưởng Marquinhos đã 31. Trong khi đó, hai cầu thủ lớn tuổi nhất của Chelsea là Tosin Adarabioyo và thủ thành Robert Sanchez, cùng mới 27 tuổi.
Dù cả hai đều chi tiêu mạnh tay, PSG trả lương cao hơn; còn Chelsea ký hợp đồng thông qua thời hạn thường rất dài để tiện khấu hao và chủ trương đặt mức lương cơ bản thấp hơn, nhằm dễ dàng bán cầu thủ nếu chuyên môn không đáp ứng. Chưa hết, PSG bổ nhiệm Campos – một người lão làng và đã có tên tuổi – ở cương vị Giám đốc thể thao, trong khi Chelsea chọn những cái tên giàu tiềm năng như Laurence Stewart và Paul Winstanley, từng làm việc tại Monaco và Brighton, cùng sự hỗ trợ của Joe Shields và Sam Jewell.
Và một điểm khác biệt lớn nữa là Enrique, HLV từng giành cú ăn ba với Barca và sở hữu kinh nghiệm trận mạc phong phú. Chelsea đã có những phép thử sai với Lampard rồi Pochettino, trước khi chọn Enzo Maresca - một HLV chưa có nhiều trải nghiệm đỉnh cao và vừa trải qua mùa giải đầu tiên ở hạng đấu cao nhất của một giải VĐQG châu Âu. Việc bổ nhiệm Maresca được xem là bước khởi động lại, phản ánh một dự án dựa trên sự trẻ trung toàn diện, với tham vọng để đội hình phát triển cùng nhau.
Maresca đã trải qua những thăng trầm trong mùa giải đầu tiên. Nhưng thực tế cho thấy ông đã có một năm thành công, giành danh hiệu đầu tiên dưới thời chủ sở hữu mới - với chiếc cup Conference League, đưa Chelsea trở lại Champions League bằng vị trí thứ tư ở Ngoại hạng Anh, rồi vào chung kết FIFA Club World Cup.

HLV Enzo Maresca (áo đen) chỉ dẫn các cầu thủ Chelsea trong trận thắng Fluminense 2-0 ở bán kết FIFA Club World Cup 2025 trên sân MetLife, New Jersey, Mỹ ngày 8/7. Ảnh: AFP
Chelsea đến nay đã đạt được mục tiêu tài chính tại giải đấu trên đất Mỹ - thu về khoảng hơn 110 triệu USD và có thể lên gần 122 triệu USD nếu vô địch. Ngay cả khi đánh bại PSG, Chelsea cũng chưa chắc được xem là đội bóng hay nhất thế giới hiện tại. Nhưng xét về mặt chuyên môn, hiếm có bài kiểm tra nào giá trị như trận đấu với PSG, dù đây sẽ là trận đấu thứ 64 của họ kể từ đầu mùa.
Chelsea có thể có những điểm tương đồng với PSG, nhưng nếu họ muốn vươn tới đỉnh cao, trận đấu tối nay sẽ cho thấy tiêu chuẩn nào mà họ cần vươn tới.
Hoàng Thông tổng hợp