Số liệu được công bố trong Báo cáo quốc gia đầu tiên về đăng ký và thống kê hộ tịch giai đoạn 2021 – 2024, vào cuối tháng 4. Báo cáo do Cục Thống kê xây dựng trên cơ sở dữ liệu hộ tịch điện tử toàn quốc, với sự hỗ trợ của Quỹ Dân số Liên hợp quốc (UNFPA) và Tổ chức Y tế công cộng (VS).
Theo báo cáo, tuổi trung bình của mẹ khi sinh con là một chỉ tiêu nhân khẩu học quan trọng phản ánh các đặc điểm về mô hình sinh, sức khỏe sinh sản và xu hướng nhân khẩu học của quốc gia. Năm 2021, tuổi trung bình khi sinh con của phụ nữ Việt là 28,4; đến năm 2024 số tuổi là 28,8, tức tăng 0,4 tuổi sau ba năm.
"Đây là một bằng chứng bổ sung, khẳng định phụ nữ Việt Nam ngày càng có xu hướng sinh con muộn hơn", Cục Thống kê ghi nhận.
Báo cáo cũng chỉ ra sự chênh lệch rõ rệt về độ tuổi làm mẹ giữa các nhóm dân tộc. Phụ nữ dân tộc Hoa và Kinh có độ tuổi trung bình khi sinh con cao nhất, lần lượt 29,9 và 29,4, vượt từ 6 đến 7 tuổi so với các cộng đồng La Ha, Cơ Lao, La Hủ, Hrê, Xinh Mun - nơi phụ nữ thường sinh con ở tuổi 23-24.
Sự khác biệt này chủ yếu bắt nguồn từ điều kiện kinh tế, giáo dục, quy mô dân số cũng như trình độ phát triển. Người Hoa và Kinh thường sinh sống ở khu vực đô thị hoặc có điều kiện sống tốt, trình độ học vấn cao, có xu hướng kết hôn và sinh con muộn hơn. Ngược lại, các dân tộc thiểu số như La Ha, Cơ Lao, La Hủ, Hrê, Xinh Mun hay Mông vẫn còn chịu ảnh hưởng của nhiều phong tục tập quán lạc hậu, gặp khó khăn về kinh tế và giáo dục, dẫn đến tỷ lệ tảo hôn cũng như tuổi sinh con trung bình thấp hơn mặt bằng chung cả nước.
Tỷ suất sinh của Việt Nam những năm gần đây dao động quanh mức 1,8-1,86 con/phụ nữ, thấp hơn hẳn mức thay thế 2,1. Nếu không có chính sách khuyến sinh phù hợp, mức sinh thấp này có thể sẽ còn kéo dài. Đây là hệ quả của xu hướng giới trẻ "lười yêu, ngại cưới, sợ sinh con". Thực tế, người Việt Nam kết hôn lần đầu ngày càng muộn hơn ở tuổi 27,3, tăng 2,1 tuổi so với năm 2019.
Bác sĩ Mai Xuân Phương, Phó Vụ trưởng Truyền thông - Giáo dục, Tổng Cục Dân số, nay là Cục Dân số (Bộ Y tế), cho hay sinh con muộn xuất phát từ nhiều nguyên nhân, song chủ yếu là áp lực kinh tế và chi phí nuôi dạy con cái, đặc biệt trong bối cảnh chi phí sinh hoạt tăng cao, thu nhập không ổn định.
"Tốc độ đô thị hóa và phát triển chóng mặt đã tạo áp lực về công việc khiến vợ chồng không có thời gian chăm sóc con cái. Hơn nữa, những lo ngại về chỗ ở và hàng loạt chi phí sinh hoạt như sữa bỉm, giáo dục, y tế... trong bối cảnh trượt giá, khiến nhiều người trì hoãn và từ chối sinh con", bác sĩ nói thêm.
Phụ nữ ngày nay căng thẳng với thiên chức làm vợ làm mẹ. Họ vừa đi làm vừa phải lo toàn việc nhà, gánh nặng đè vai. Họ cũng đối mặt với áp lực tâm lý và sức khỏe sau sinh, nhiều người bị trầm cảm, bệnh tật. Vì vậy, nhiều người chỉ muốn sinh một con, thậm chí lựa chọn không sinh để giảm hàng loạt gánh nặng trên.
Các chyên gia nhìn nhận giảm sinh không chỉ là vấn đề của Việt Nam mà của nhiều nước như Trung Quốc, Hàn Quốc, Nhật Bản... Để tăng mức sinh, giúp dân số phát triển bền vững, hai vấn đề cấp thiết là cần phải có chính sách hỗ trợ thực tế và thay đổi nhận thức xã hội. Nhiều chính sách đang được sửa để khuyến sinh. Mới nhất là Bộ Chính trị yêu cầu không kỷ luật Đảng viên sinh con thứ ba. Bộ Y tế cũng trình Chính phủ Hồ sơ đề nghị xây dựng Luật Dân số và dự thảo Luật Dân số trong đó đề xuất hàng loạt chính sách khuyến sinh.
Lê Nga