GS Nguyễn Lân Dũng, anh trai của PGS.TS Nguyễn Lân Cường, cho biết gia đình đang chuẩn bị tang lễ.

PGS Nguyễn Lân Cường giới thiệu bộ xương sọ người tiền sử tại sự kiện công bố phát hiện khảo cổ năm 2018. Ảnh: PN
PGS.TS Nguyễn Lân Cường sinh năm 1941 tại Huế, trong gia tộc Nguyễn Lân giàu truyền thống hiếu học. Ông là con thứ tư, với các anh chị em đều là những chuyên gia nổi tiếng như Nguyễn Lân Dũng, Nguyễn Lân Hùng, Nguyễn Lân Tuất.
Ông tốt nghiệp khoa Sinh vật của trường Đại học Tổng hợp Hà Nội (nay là Đại học Khoa học Tự nhiên) và là chuyên gia đầu ngành với hơn 50 năm gắn bó về cổ nhân học. Tên tuổi của ông gắn liền với các công trình lớn như nghiên cứu di chỉ Vườn Chuối (Hà Nội), phục chế, tu bổ tượng nhục thân thiền sư tại chùa Đậu, chùa Tiêu Sơn, chùa Phật Tích...
PGS.TS Nguyễn Lân Cường được Tổ chức Kỷ lục Việt Nam xác lập là người nghiên cứu nhiều nhất các di cốt người cổ tại Việt Nam, lên tới 1.093 cá thể. "Khi nhìn thấy xương người, di vật của người tiền sử, mắt tôi như sáng lên", ông từng nói trong sự kiện công bố kết quả khai quật di chỉ khảo cổ hang động núi lửa ở Krông Nô năm 2018.
Ngoài khảo cổ, ông cũng là nhạc sĩ, làm phó chủ tịch Hội Âm nhạc Hà Nội nhiều năm, từng chỉ huy dàn hợp xướng trong nhiều chương trình nghệ thuật.
PGS.TS Nguyễn Lân Cường để lại nhiều giáo trình, sách, công trình khoa học về khảo cổ và âm nhạc. Ông có hơn 70 tác phẩm âm nhạc, gồm hợp xướng và các ca khúc chủ yếu viết cho thiếu nhi.
Những sáng tác đầu tay gắn với tên tuổi ông như: Ca khúc Tiếng hát bản Mường và hợp xướng "Tiếng ca trên bè gỗ", từng đoạt giải trong các cuộc thi dành cho học sinh - sinh viên của Hà Nội.
Ở đề tài về người lính ông có tác phẩm: Vị tướng của lòng dân, Bài ca về những người lính đảo, Sau lời tuyên thệ, Cảm xúc Hoàng Thành...
Chủ đề cho thiếu nhi ông được nhắc tới với các ca khúc: Con búp bê của em, Đèn đỏ thì dừng đèn xanh mới đi, Con thích làm nghề gì?, Chúng em mừng Điện Biên 60 mùa hoa...
Bảo Chi