Tổng thống Mỹ Donald Trump hôm 7/7 đã ban hành sắc lệnh hành pháp chỉ đạo các cơ quan liên bang tăng thực thi các điều khoản trong "Đạo luật to đẹp" (OBBBA) nhằm bãi bỏ hoặc sửa đổi các khoản ưu đãi thuế với các dự án điện gió và mặt trời.
Trong sắc lệnh, ông đánh giá các nguồn năng lượng tái tạo này không đáng tin cậy, chi phí cao, làm suy yếu các nguồn năng lượng ổn định hơn. Chúng cũng được cho là khiến Mỹ phụ thuộc vào chuỗi cung ứng do nước ngoài kiểm soát, đồng thời gây tác động xấu đến môi trường tự nhiên và lưới điện quốc gia.
Vì vậy, Tổng thống yêu cầu Bộ Tài chính chấm dứt dần các khoản trợ cấp với các dự án năng lượng gió và mặt trời, theo các nội dung đã nêu trong OBBBA. Song song, Bộ Nội vụ nhận nhiệm vụ xem xét và điều chỉnh các chính sách có xu hướng ưu ái năng lượng tái tạo hơn so với các nguồn năng lượng khác.
Cả hai cơ quan này phải nộp báo cáo lên Nhà Trắng trong vòng 45 ngày, nêu rõ các hành động đã thực hiện theo chỉ đạo.

Tổng thống Donald Trump tại Nhà Trắng hôm 27/4. Ảnh: AP
OBBBA quy định chấm dứt các khoản ưu đãi thuế dành cho năng lượng tái tạo sau năm 2026, áp dụng với các dự án chưa khởi công. Các dự án điện gió và mặt trời khởi công sau thời điểm đó phải được đưa vào vận hành trước cuối năm 2027 mới được hưởng ưu đãi. Theo quy định trước đây, các nhà phát triển dự án điện tái tạo có thể được trợ cấp thuế lên đến 30% đến 2032.
Công ty nghiên cứu Energy Innovation dự báo OBBBA sẽ khiến công suất điện của Mỹ giảm 300 GW, đúng vào thời điểm nhu cầu điện lần đầu tăng trở lại sau hai thập niên, do sự phát triển của trung tâm dữ liệu và công nghệ trí tuệ nhân tạo.
Tổ chức American Clean Power (ACP) ước tính nhu cầu điện từ các trung tâm dữ liệu đã vượt ngưỡng 100 GW. "Việc thông qua đạo luật này là một bước ngoặt lớn trong chính sách liên bang, làm gián đoạn những khoản đầu tư thiện chí của các doanh nghiệp Mỹ trong việc cung cấp năng lượng cho nền kinh tế và tạo ra hàng trăm nghìn việc làm", Chủ tịch ACP Jason Grumet nói.
Ngân hàng đầu tư Jefferies dự báo việc chấm dứt dần trợ cấp cho điện gió và mặt trời sẽ dẫn đến "làn sóng tranh thủ trung hạn" để kịp nhận ưu đãi, từ đó đẩy nhanh tiến độ triển khai các dự án trong vài năm tới. Tuy nhiên, sau giai đoạn đó, nhà đầu tư sẽ buộc phải đánh giá lại tính khả thi của các dự án điện tái tạo khi mất ưu đãi.
Phiên An (theo Reuters)