Nhà thơ, tiểu thuyết gia Mỹ gốc Việt Ocean Vuong trở lại văn đàn với tác phẩm The Emperor of Gladness (Hoàng đế của niềm vui) sau 5 năm ấp ủ. Dịp này, anh có cuộc phỏng vấn với VnExpress về cảm hứng sáng tác và sự ảnh hưởng của văn hóa Việt trong văn chương.
- Anh viết cuốn "The Emperor of Gladness" trong hoàn cảnh nào?
- Tôi đặt bút viết vào tháng 1/2020, sau 49 ngày cúng thất khi mẹ tôi qua đời. Suốt thời gian đó, tôi nghĩ nhiều đến tầng lớp lao động ở Mỹ, những người phải làm việc cật lực để tồn tại. Tôi lớn lên trong cộng đồng người Việt, điều này khác biệt so với thế giới văn chương, nơi những tác giả thường đến từ tầng lớp trung lưu hoặc thượng lưu, có sự hỗ trợ tài chính để sáng tác trong nhiều năm.
Việc viết sách hay trở thành nhà văn đòi hỏi thời gian dài và điều kiện ổn định. Với những người xuất thân từ tầng lớp lao động hay cộng đồng tị nạn thiếu thốn vật chất, khả năng đưa tác phẩm đến tay nhà xuất bản là điều không dễ. Trên thị trường, tôi hiếm khi thấy tác phẩm đến từ những hoàn cảnh như vậy, điều đó thôi thúc tôi góp phần xây dựng dòng văn học phản ánh những tiếng nói bị bỏ quên.
Mục tiêu của tôi không phải trở thành tiếng nói mới trong văn chương, mà để khẳng định: viết là nghề quan trọng, đó cũng là thứ mà tôi đang sống. Tên sách ẩn dụ cho góc khuất của "giấc mơ Mỹ", phản chiếu hình ảnh của nhiều người Việt nhập cư, làm việc trong các tiệm nail, nhà máy.
Ocean Vuong nói về ảnh hưởng của văn hóa Việt trong cuộc sống và sự nghiệp sáng tác, trong cuộc phỏng vấn online với VnExpress.
- So với "On Earth We're Briefly Gorgeous" (tên tiếng Việt là "Một thoáng ta rực rỡ ở nhân gian"), cuốn sách lần này có điểm gì khác biệt?
- Tôi theo đạo Phật, tin vào sự luân hồi. Đối với tôi, The Emperor of Gladness là "kiếp sau" của On Earth We're Briefly Gorgeous. Ở phương Tây, nhiều người cho rằng mỗi tác phẩm nên có nội dung độc lập. Còn việc tiếp tục một ý tưởng cũ có thể bị coi là lười biếng hay cạn kiệt sáng tạo. Nhưng với triết lý phương Đông, nhất là trong văn hóa Việt và đạo Phật, mọi thứ mang tính tiếp nối, tái hiện, chứ không chấm dứt.
Cuốn sách mới là sự tái sinh từ cuốn đầu tiên. Tôi hình dung nếu nhân vật Chó Con trong On Earth We're Briefly Gorgeous viết tiểu thuyết, đây sẽ là tác phẩm của cậu ấy. Không có sự chia cắt giữa các tác phẩm, mà là chuỗi luân hồi: mỗi cuốn sách là một kiếp, kiếp này tiếp nối kiếp trước, rồi mở ra kiếp sau. Tôi muốn đưa góc nhìn đó vào văn chương để chia sẻ với độc giả Mỹ, những người còn xa lạ với khái niệm ấy.
Tôi viết tác phẩm trước như một bức thư, không phải gửi cho người Mỹ, mà là một cuộc trò chuyện riêng tư giữa mẹ và con. Độc giả sẽ có cảm giác như đang "nghe lén" cuộc đối thoại giữa hai người Việt. Nhiều người cho rằng dòng văn học gốc Á chỉ có vài câu chuyện để kể, về tị nạn, nhập cư. Nhưng tôi phản đối cách nhìn ấy vì nguồn cảm hứng đó có thể làm mới mãi. Tôi không phô bày tất cả trong tác phẩm mà cố ý giữ lại phần riêng tư, bởi nhiều tác giả gốc Á thường phải giải thích bản sắc văn hóa cho độc giả khắp thế giới hiểu. Tôi chọn bắt đầu từ sự im lặng ấy, buộc người đọc phải lắng nghe bằng sự tò mò và tôn trọng.
- Anh mong muốn độc giả đón nhận tác phẩm ra sao?
- Tôi không đặt ra thông điệp hay kỳ vọng cụ thể nào cho độc giả. Với tôi, tác giả không đứng ở vị trí cao hơn người đọc để "soi sáng" họ. Trái lại, sự sáng tạo sẽ chết nếu tôi tin mình biết nhiều thứ hơn độc giả. Giọng điệu áp đặt, trịch thượng là thứ tôi luôn tránh khi sáng tác. Một cuốn tiểu thuyết giống như một cánh cửa mở. Tôi mời người đọc bước vào và trải nghiệm theo cách riêng. Dù yêu thích hay phản bác, hiểu giống hay khác tôi, mọi ý kiến đều đáng được tôn trọng. Tôi ví mình như kiến trúc sư, có chủ ý trong thiết kế nhưng không điều khiển cảm xúc của những người ở bên trong. Sự tự do ấy mới tạo nên giá trị thiêng liêng của việc đọc.
- Vậy anh nghĩ sao khi tiểu thuyết trước đó của anh - "Một thoáng ta rực rỡ ở nhân gian" - bị xem là "truyện khiêu dâm" không phù hợp với học đường?
- Tôi có nghe về việc Một thoáng ta rực rỡ ở nhân gian bị chỉ trích là không phù hợp để giảng dạy ở Việt Nam và một số nước. Nhưng thật ra, chuyện này không xa lạ. Ở Mỹ cũng có kiểm duyệt, nhất là với các tác phẩm có yếu tố thân mật giữa những nhân vật thuộc cộng đồng LGBTQ+. Là nhà văn, tôi hiểu mình không thể kiểm soát cách xã hội tiếp nhận tác phẩm. Nếu để những phản ứng đó chi phối, tôi sẽ đánh mất tiếng nói và sự tự do sáng tạo. Nhưng tôi không viết thể loại khiêu dâm để kiếm tiền, mà tôi viết về sự thân mật giữa con người.
Theo tôi, trách nhiệm của tác giả là quan sát con người và những vấn đề xung quanh như bản sắc, chiến tranh, ngôn ngữ, chuyển chúng thành câu chuyện. Tôi viết về sự thân mật giữa các nhân vật LGBTQ+ không phải vì muốn gây "sốc" mà đó là sự thật, có từ trước cả xã hội hiện đại. Nếu không sáng tác, điều đó chẳng khác nào giả vờ như những trải nghiệm ấy chưa từng hiện hữu. Tôi không sống ở Việt Nam và tôi không có quyền can thiệp vào cách độc giả tiếp cận sách vở hay nghệ thuật. Tôi chỉ viết vì tin rằng người trẻ ở đâu cũng cần có cơ hội khám phá bản sắc.

Bìa "The Emperor of Gladness" của Ocean Vuong, sách 416 trang, phát hành tại Mỹ ngày 13/5. Theo đại diện công ty Nhã Nam - đơn vị phát hành, tác phẩm sẽ ra mắt bản tiếng Việt vào tháng 8, do Khánh Nguyên dịch. Ảnh: Penguin Press
- Văn hóa Việt ảnh hưởng thế nào đến phong cách sáng tác của anh?
- Văn hóa Việt lẫn gia đình tôi ảnh hưởng rất nhiều đến quá trình sáng tác, dù không phải lúc nào điều đó cũng hiện rõ trên bề mặt tác phẩm. Có lẽ, tiếng Việt đã thấm vào chữ nghĩa của tôi theo một cách vô thức. Tiếng Việt của tôi không phải là thứ tiếng chuẩn mực, đó là ngôn ngữ bị gãy, đứt đoạn do chiến tranh và di cư. Khi ông bà, cha mẹ tôi đến Mỹ, tiếng Anh họ nói cũng gãy vụn như thế.
Tôi lớn lên giữa hai ngôn ngữ, nhưng chẳng ngôn ngữ nào hoàn chỉnh. Dù vậy, tôi không từ bỏ. Tôi vẫn phải học cách giao tiếp, cố gắng tạo ra ý nghĩa từ những mảnh vỡ đó. Tôi xem viết văn như cách để níu giữ ký ức và chữa lành.
Gia đình tôi không có điều kiện học hành. Khi chiến tranh xảy ra, mọi thứ đều ngưng trệ. Mẹ tôi từng học nội trú với các ma sơ nhưng chỉ đến năm sáu tuổi, rồi không còn biết đọc, biết viết. Khi tôi nói tiếng Việt, mẹ thường nhận xét giọng tôi "hai lúa", rất bình dân. Nhưng chính sự không hoàn hảo đó lại trở thành điểm khởi đầu cho một kiểu sáng tạo, điều tôi gọi là "thế giới thứ ba", không hoàn toàn thuộc về tiếng Việt hay tiếng Anh. Đó là vùng giao thoa, nơi ngôn ngữ sinh ra từ đổ vỡ. Dù phát âm không chuẩn, tôi vẫn phải cất tiếng nói, tìm cách diễn đạt qua hành động, tiếng lóng hay bất cứ hình thức nào. Đó là cách tôi biến mất mát thành sáng tạo, tồn tại giữa những khoảng trống của ngôn ngữ.
- Anh làm gì để giữ sự gắn kết với quê hương?
- Với tôi, việc kết nối với văn hóa Việt không đơn thuần là lựa chọn, mà là sự gắn bó tự nhiên, ăn sâu vào đời sống. Gia đình tôi đều là người Việt, sống rải rác ở Mỹ và Gò Công (*). Khi có dịp, tôi thường đến chùa, không vì ép buộc hay cố gắng duy trì truyền thống. Điều đó đến một cách rất đỗi bình thường, như hơi thở.
Một số nhà văn, nhất là những người xuất thân từ tầng lớp trung lưu hoặc thượng lưu, có thể dễ dàng tách mình ra khỏi gốc gác hay gia đình, bởi họ lớn lên trong điều kiện đủ đầy, độc lập. Nhưng gia đình tôi là những người lao động, làm việc trong nhà máy, tiệm nail, và tôi không thể quay lưng với họ.
Vài năm trước, tôi được mời giảng dạy tại Đại học Stanford ở California (bờ Tây), đó là cơ hội danh giá. Nhưng tôi từ chối vì người thân của tôi sống ở vùng Đông Bắc nước Mỹ, trải dài từ Massachusetts đến Connecticut, New York. Tôi chọn Đại học New York vì đó là nơi xa nhất mà tôi có thể yên tâm rời gia đình. Việc sống gần người thân không hẳn là quyết định mang tính cá nhân, phần lớn xuất phát từ hoàn cảnh sống, nơi gia đình cho tôi sự gắn bó, lòng biết ơn và niềm tự hào.

Chân dung nhà văn Ocean Vuong. Ảnh: John D. and Catherine T. MacArthur Foundation
- Anh có dự định gì trong tương lai?
- Thật ra tôi không có kế hoạch nào. Tôi trút hết nỗi lòng của mình vào sách và cảm thấy trống rỗng sau khi hoàn thành. Tôi không biết liệu mình còn gì để viết. Nếu cả đời tôi chỉ sáng tác bốn cuốn cũng không sao.
Tôi không gắn mình với danh xưng "nhà văn", cũng không nghĩ mình phải liên tục sáng tác. Mỗi tác phẩm giống như một buổi biểu diễn, mình cứ làm hết sức là tốt rồi. Hiện công việc chính của tôi là giảng dạy về văn chương, có thể làm bền vững, lâu dài. Còn về sáng tác, tôi hy vọng mình viết thêm, nhưng nếu không, tôi cũng không tiếc nuối.
Do vốn tiếng Việt hạn chế, có lẽ tôi không đủ khả năng để hoàn thành cuốn sách bằng ngôn ngữ này. Nếu có, tôi chỉ có thể viết ở thể loại dành cho thiếu nhi, nhưng điều đó cũng rất khó vì mỗi lần suy nghĩ hay diễn đạt bằng tiếng mẹ đẻ đều cần nhiều nỗ lực. Dù vậy, tôi không xem đó là mất mát. Đó vẫn là ngôn ngữ tôi dùng để trò chuyện với gia đình mỗi ngày, giữ vị trí đặc biệt trong trái tim tôi.
Chú thích:
* Tiền Giang cũ, nay là Đồng Tháp.
Tác phẩm mới của Ocean - The Emperor of Gladness - là một trong những cuốn sách được mong đợi nhất năm, theo tạp chí Time. Tác phẩm nhận đánh giá tích cực từ giới phê bình, vào danh sách Lựa chọn của Câu lạc bộ sách Oprah, do MC Oprah Winfrey bình chọn, vào danh sách best - seller của New York Times.
The Emperor of Gladness lấy bối cảnh thị trấn công nghiệp cũ East Gladness, Connecticut (Mỹ). Một buổi tối cuối mùa hè, dưới cơn mưa xối xả, chàng trai 19 tuổi tên Hải đứng trên mép cầu, có ý định tự tử. Nhưng trong lúc đó, từ bên kia sông, Grazina, một bà góa già bị chứng mất trí nhớ, thuyết phục cậu dừng lại. Sau khi gặp nhau, Hải trở thành người chăm sóc cho bà. Suốt một năm, hai người trở nên gắn bó, mối quan hệ giúp Hải thay đổi góc nhìn về bản thân, gia đình và cộng đồng.
Anh và nhà xuất bản Penguin cam kết trích 50 cent (hơn 11.000 đồng) từ mỗi đơn đặt trước cuốn The Emperor of Gladness (tối đa 10.000 USD) để quyên góp cho Queer Liberation Library (Thư viện Giải phóng Queer) - tổ chức cung cấp miễn phí các đầu sách với chủ đề LGBTQ+ trên website.
Ocean Vuong, tên tiếng Việt là Vương Quốc Vinh, 36 tuổi, là nhà thơ, tiểu thuyết gia. Anh sinh ra ở TP HCM, lớn lên tại Hartford, Connecticut (Mỹ). Năm 2016, tập thơ đầu tay Night Sky With Exit Wound đoạt giải T.S Eliot, giải thưởng uy tín dành cho những tập thơ hay nhất được xuất bản tại Anh và Ireland hàng năm. Cuốn tiểu thuyết đầu tay của anh, On Earth We're Briefly Gorgeous, xuất bản năm 2019 và sắp được hãng A24 chuyển thể thành phim.
Quế Chi thực hiện