Trong ngành ôtô, Tesla tiên phong với Model S trang bị màn hình lớn trên bảng điều khiển. Các hãng xe khác nhanh chóng làm theo, tích hợp màn hình cảm ứng vào mọi loại xe, từ sedan cấp thấp đến bán tải đắt tiền.
Nhu cầu của khách hàng là yếu tố thúc đẩy sự phát triển của màn hình cảm ứng trong xe hơi - mọi người muốn công nghệ giống điện thoại thông minh trong xe của mình. Các giám đốc điều hành ngành ôtô cũng nhìn thấy cơ hội cắt giảm chi phí. Thay vì sản xuất và lắp đặt nhiều nút và núm điều khiển nhỏ trong mỗi xe, chỉ cần một màn hình cảm ứng lớn hoặc một hệ thống điều khiển phản hồi xúc giác có thể quản lý nhiều chức năng tương tự, tiết kiệm hàng triệu USD.
Gần đây, khả năng cập nhật qua mạng (OTA) thay vì thay đổi toàn bộ cấu trúc giúp các nhà sản xuất dễ dàng giới thiệu các tính năng mới mà không cần nhiều công sức.

Tesla Model Y với hệ thống điều khiển hoàn toàn tích hợp trên màn hình cảm ứng. Ảnh: Tesla
Nhưng trong khi màn hình cảm ứng và điều khiển xúc giác ban đầu được yêu thích, thì việc các nhà sản xuất ôtô quá phụ thuộc vào những tính năng đó khiến chúng ngày càng trở nên kém hấp dẫn hơn. Người dùng không thể hạ cửa sổ xuống hoặc chỉnh cài đặt ghế mà không phải loay hoay với quy trình điều khiển có thể phản hồi rất kém. Chẳng mấy chốc, khách hàng và các giám sát an toàn bắt đầu phản ứng lại.
Năm 2017, một nghiên cứu của Hiệp hội Ôtô Mỹ (AAA) cho thấy các tài xế nán lại trung bình 40 giây trên màn hình khi cố gắng thực hiện các chức năng cơ bản như định vị hoặc gửi tin nhắn. Ngay cả khi xe chỉ di chuyển với tốc độ 40 km/h, một chiếc ôtô sẽ đi được gần 5 sân bóng bầu dục (khoảng 525 m) trong 40 giây khi tài xế rời mắt khỏi đường.
Năm 2024, Chương trình đánh giá xe mới của châu Âu (NCAP) cải tiến hệ thống xếp hạng nhằm hạn chế sự mất tập trung của màn hình cảm ứng bằng quy tắc: 5 chức năng chính phải có nút bấm hoặc công tắc vật lý gồm còi, cần gạt nước kính chắn gió, đèn báo rẽ, đèn báo nguy hiểm và tính năng SOS. Các nhà sản xuất ôtô sẽ phải tuân thủ quy định mới trước ngày 1/1/2026 để đạt được xếp hạng an toàn 5 sao tại châu Âu.
"Việc lạm dụng màn hình cảm ứng là vấn đề của toàn ngành, khi hầu hết mọi nhà sản xuất xe đều chuyển các nút điều khiển chính lên màn hình cảm ứng trung tâm, buộc tài xế phải rời mắt khỏi đường và làm tăng nguy cơ va chạm do mất tập trung", Matthew Avery, giám đốc phát triển chiến lược tại Euro NCAP, chia sẻ với tờ Times trong năm 2024.
Nhưng nước Mỹ dường như không quan tâm đến việc xem xét mức độ an toàn của màn hình. Cả Cơ quan an toàn giao thông quốc gia Mỹ (NHTSA) và Viện Bảo hiểm và An toàn đường cao tốc Mỹ (IIHS) đều không có bất kỳ biện pháp nào liên quan đến an toàn của màn hình cảm ứng.
Vào năm 2022, NHTSA đã đề xuất cập nhật chương trình đánh giá xe mới liên quan đến tình trạng mất tập trung trong xe. Nhưng trong ba năm kể từ đó, không có thông tin nào được đưa ra.
Volkswagen nhận phản ứng không hài lòng của khách hàng vào năm 2020: mọi người ghét các nút điều khiển cảm ứng của các mẫu ID.3 và ID.4 ra mắt khi đó. Chỉ vài năm sau, hãng Đức thừa nhận thất bại.
CEO Thomas Schaffer cho biết các nút điều khiển cảm ứng "chắc chắn đã gây ra rất nhiều thiệt hại" và công ty sẽ đưa các nút điều khiển vật lý trở lại cabin của nhiều mẫu xe, như ở Golf và Taos.

Mẫu xe điện Hyundai Ioniq 6 có màn hình cảm ứng, nhưng cũng có các nút điều khiển vật lý. Ảnh: Hyundai
Không chỉ có Volkswagen. Các giám đốc điều hành của Hyundai cũng lên tiếng về việc giữ lại các nút bấm vật lý trên xe của hãng dựa trên phản hồi của khách hàng.
Khi Porsche giới thiệu mẫu Cayenne mới nhất, hãng đặt mục tiêu đưa các núm xoay vật lý vào một số tính năng nhất định, dành riêng cho những khách hàng đã chán các nút điều khiển cảm ứng.
Mercedes - nhà phát minh ra màn hình cỡ lớn Hyperscreen - thậm chí hối tiếc vì quá phụ thuộc vào các nút điều khiển cảm ứng. Trong một cuộc phỏng vấn với ABC News, giám đốc thiết kế Gorden Wagener cho biết màn hình lớn "không phải là sự sang trọng".
Vấn đề này không chỉ ở Mỹ hay châu Âu. Ở Trung Quốc đang chứng kiến sự bùng nổ của công nghệ màn hình cảm ứng trên ôtô. Triển lãm ôtô Thượng Hải có đủ loại xe tập trung vào màn hình, từ mẫu concept của Buick đến xe thể thao Honda có tới 6 màn hình, hay các sản phẩm thuộc BYD và Chery đều đi theo Tesla bằng cách tích hợp hầu hết các chức năng vào màn hình trung tâm.
Nhưng dường như các nhà sản xuất ôtô Trung Quốc không nhận được nhiều phản hồi tiêu cực như ở Mỹ và châu Âu.
Mỹ Anh