Khi Michael Watson lên chuyến bay Boeing 787 Dreamliner của Air India từ New Delhi đến Dubai vào đầu tháng 6, anh không nghĩ mình sẽ thề không bao giờ đặt chân loại máy bay này nữa. Đến ngày 12/6, một chiếc Dreamliner khác của hãng này đã gặp nạn chỉ 30 giây sau khi cất cánh từ Ahmedabad, khiến 242 người trên máy bay và 19 người dưới mặt đất thiệt mạng.
Watson, giáo viên nghỉ hưu người Anh và là khách hàng thường xuyên của các chuyến bay ở châu Á, cho biết sẽ tránh hoàn toàn Boeing 787 vì "có cảm giác không tốt về chúng" và sẵn sàng trả thêm tiền để bay với các hãng khác.

Mảnh vỡ của chiếc Boeing 787-8 Dreamliner của Air India tại Ahmedabad, Ấn Độ hoom12/6. Ảnh: Reuters
Watson không phải là người duy nhất. Thảm họa ngày 12/6 - vụ tai nạn chết người đầu tiên liên quan đến Boeing 787 - đã làm dấy lên lo ngại ở các hành khách trên khắp châu Á, dẫn đến lượng đặt chỗ giảm đáng kể và tâm lý sợ hãi gia tăng, dù các cơ quan hàng không và chuyên gia khẳng định bay vẫn là một trong những hình thức di chuyển an toàn nhất.
Theo các công ty lữ hành Ấn Độ, Air India ghi nhận lượng đặt chỗ mới giảm 30-35% trong tuần sau vụ tai nạn và hơn 20% số đặt chỗ hiện có bị hủy. Trung tâm sức khỏe Cockpit Vista ở Bengaluru chứng kiến nhu cầu tăng vọt cho khóa trị liệu 500 USD giúp hành khách vượt qua nỗi sợ bay sau vụ tai nạn. Trung tâm cho biết họ nhận được hơn 100 yêu cầu sau thảm họa, so với mức trung bình 10 yêu cầu mỗi tháng trước đó.
Dữ liệu Google Trends cho thấy lượt tìm kiếm cụm từ "sợ bay" ở Ấn Độ đạt đỉnh vào ngày sau vụ tai nạn và vẫn duy trì ở mức cao kể từ đó. Vụ tai nạn này là đỉnh điểm của một loạt sự cố hàng không nổi bật ở châu Á trong năm nay.

Máy bay của Air Busan bốc cháy hôm 29/1. Ảnh: Yonhap
Năm ngoái, máy bay Jeju Air gặp nạn tại sân bay quốc tế Muan, Hàn Quốc, khiến 179 người thiệt mạng vào ngày 29/12. Vài tuần sau, máy bay Air Busan từ Hàn Quốc đi Hong Kong bốc cháy, làm 7 người bị thương. Vào ngày 29/6, một máy bay Batik Air suýt trượt khỏi đường băng khi hạ cánh trong thời tiết bão gần Jakarta.
Ngày hôm sau, một chuyến bay của Japan Airlines từ Thượng Hải đến Tokyo đã giảm độ cao hơn 8.000 m trong 10 phút, trước khi hạ cánh khẩn cấp tại Osaka, với mặt nạ oxy bung ra giữa không trung và hành khách hoảng loạn.
Xa hơn về phía tây, vụ va chạm vào tháng 1 giữa máy bay của American Airlines và trực thăng Black Hawk của quân đội Mỹ trên sông Potomac ở Washington đã khiến 67 người thiệt mạng. Một số vụ việc nhỏ hơn liên quan đến trực thăng và các chuyến bay thuê bao cũng được ghi nhận ở Bắc Mỹ trong những tháng sau đó.
Dù có những sự cố gây chú ý gần đây, các nhà phân tích hàng không nhấn mạnh các chuyến bay thương mại vẫn cực kỳ an toàn, đặc biệt so với các hình thức vận chuyển khác.
"Chúng ta đã chứng kiến một số vụ tai nạn và sự cố kinh hoàng trong nửa đầu năm nay, đặc biệt ở Bắc Mỹ", Alvin Lie, người đứng đầu Hiệp hội Người dùng Dịch vụ Vận tải Hàng không Indonesia, nói, nhấn mạnh số thương vong do máy bay vẫn thấp hơn nhiều các hình thức di chuyển khác, đặc biệt là đường bộ.
Theo dữ liệu từ Tổ chức Lưu trữ Tai nạn Máy bay ở Geneva, 54 vụ tai nạn đã xảy ra trong nửa đầu năm 2025, so với 70 vụ trong cùng kỳ năm ngoái.
Lie cho rằng sự phổ biến của mạng xã hội đã làm gia tăng nhận thức và sự chú ý về an toàn máy bay với các sự cố được ghi lại từ bên ngoài hoặc trong khoang máy bay thường lan truyền nhanh chóng trên các nền tảng.
Ở góc độ tích cực, điều này có thể nâng cao nhận thức và đảm bảo du khách tuân thủ tốt hơn quy định an toàn cũng như sự giám sát chặt chẽ hơn từ các cơ quan quản lý. Thảm họa Air India và các vụ tai nạn khác, dù gây sốc, vẫn là "những trường hợp ngoại lệ thống kê trong một ngành vận hành hơn 100.000 chuyến bay mỗi ngày trên toàn cầu", theo Marco Chan, cựu phi công và giảng viên hàng không tại Đại học Buckinghamshire New, Anh.
Theo Hiệp hội Vận tải Hàng không Quốc tế (IATA), tỷ lệ tai nạn toàn cầu năm 2024 là 1,13 trên một triệu chuyến bay, thấp hơn mức trung bình 5 năm là 1,25, trong khi rủi ro tử vong 0,06 trong năm ngoái cũng thấp hơn mức trung bình 5 năm là 0,1.
"Để dễ hình dung, trung bình một người phải bay mỗi ngày trong hơn 15.000 năm để gặp một vụ tai nạn chết người", Chan nói.
Dù Air India và một số hãng hàng không Bắc Mỹ như Delta Air Lines và American Airlines báo cáo lượng đặt chỗ giảm, bức tranh toàn cầu lại lạc quan hơn. IATA báo cáo vào tháng 5 rằng nhu cầu hành khách toàn cầu tăng 5% so với cùng kỳ năm ngoái.
Theo Robert Bor, một nhà tâm lý học hàng không lâm sàng ở Anh, các vụ tai nạn nổi bật có thể khiến hành khách bất an nhưng hiếm khi dẫn đến thay đổi hành vi lâu dài. Ông nói nỗi sợ bay thường xuất phát từ các yếu tố cá nhân như sợ không gian kín hoặc cảm giác mất kiểm soát.
Irsan Hermawan, doanh nhân ở Medan, Indonesia, thường xuyên bay hai tiếng đến Jakarta để công tác và thăm gia đình. Anh cho biết các vụ tai nạn gần đây không ảnh hưởng đến kế hoạch đi lại của mình.
"Điều đó là bình thường và tôi không sợ bất kỳ hình thức vận chuyển nào", anh nói, nhấn mạnh nếu Chúa đã định bạn an toàn, bạn sẽ an toàn và ngược lại. Do đó, anh luôn giữ tâm lý thoải mái khi bay.
Hoài Anh (Theo SCMP)