Tỷ lệ sinh giảm là một trong những vấn đề khiến Tổng thống Nga Vladimir Putin trăn trở nhất trong suốt 25 năm cầm quyền. Ông cho rằng dân số Nga thu hẹp là vấn đề sống còn của quốc gia và đã triển khai hàng loạt chính sách, biện pháp tuyên truyền kêu gọi các gia đình sinh nhiều con để đối phó thách thức này.
"Dân số suy giảm dẫn tới quốc gia diệt vong", ông Putin cảnh báo trong một cuộc họp chính phủ hồi tháng 12/2024, kêu gọi người dân Nga thực hiện "nghĩa vụ yêu nước" bằng cách sinh nhiều con hơn.

Ông Putin chụp ảnh selfie cùng các cô dâu trên Quảng trường Đỏ, thành phố Moskva, ngày 10/9/2016. Ảnh: Reuters
Thông điệp này đã chạm đến Alexeyeva, người vừa kết hôn với một cảnh sát.
"Giờ đây, chúng tôi trân trọng đất nước và dân tộc mình hơn, lòng yêu nước cũng lớn hơn trước", người phụ nữ 34 tuổi trả lời phỏng vấn trong bài viết đăng ngày 30/6. "Tôi muốn sinh ít nhất ba con".
Năm 2023, tỷ lệ sinh của Nga chỉ ở mức 1,41 con trên một phụ nữ, thấp hơn nhiều so với ngưỡng 2,1 cần thiết để duy trì dân số ổn định. Một số chuyên gia dự báo tình hình sẽ ngày càng nghiêm trọng.
"Số người Nga trong độ tuổi sinh sản sẽ giảm 40% từ 2010 đến 2030", nhà nhân khẩu học Alexei Raksha cảnh báo, lưu ý số ca sinh năm 2025 có thể xuống mức thấp nhất trong vòng 225 năm.
Cục Thống kê Rosstat cho biết "dân số Nga" hiện là 145,6 triệu, tính cả 2,5 triệu người ở Crimea, bán đảo Nga tuyên bố sáp nhập năm 2014 bất chấp phản đối của Ukraine. Rosstat năm ngoái dự đoán dân số Nga có thể giảm 15 triệu người trong 20 năm tới.
Tỷ lệ sinh giảm là xu hướng chung ở các nước phát triển nhưng tình hình suy giảm dân số tại quốc gia rộng lớn nhất thế giới này đặc biệt nghiêm trọng.
Tuổi thọ trung bình của đàn ông Nga vốn bị ảnh hưởng nặng nề do thói nghiện rượu, là 68,04 theo số liệu năm 2023, ít hơn phụ nữ tới 12 năm. Raksha cho rằng chiến dịch ở Ukraine càng khiến con số này giảm sâu hơn, xuống "chỉ trên 66".
Nga không công bố số lượng binh sĩ thiệt mạng ở Ukraine, nhưng theo ước tính của BBC và Mediazona, ít nhất 111.387 lính Nga tử trận kể từ tháng 2/2022.

Một gia đình băng qua đường trước khu chung cư mới xây ở Moskva ngày 11/6. Ảnh: AFP
Ở hậu phương, nghiện rượu, một trong những nguyên nhân gây tử vong hàng đầu ở đàn ông, đã kéo tụt nhân khẩu học Nga suốt nhiều năm.
Yelena Matveyeva, 58 tuổi, làm nghề lao công, hiểu sâu sắc điều này. 6 tháng trước, chồng bà, ông Yuri, gần 60 tuổi, chết trong xe sau khi uống rượu một mình.
"Giờ tôi mới nhận ra, suốt thời gian chung sống với một người nghiện rượu, tôi chỉ đang sống cuộc đời của người khác", bà nói, gọi nghiện rượu là "lời nguyền lịch sử của nước Nga".
Bà Galina, 66 tuổi, thợ may đã nghỉ hưu, chia sẻ: "Hầu hết bạn bè cùng tuổi tôi đều đã thành góa phụ".

Tổng thống Nga Vladimir Putin trao huân chương vinh danh các cha mẹ đã "giữ gìn nền tảng truyền thống gia đình" bằng cách sinh 7 con trở lên trong buổi lễ tại Điện Kremlin ngày 1/6/2015. Ảnh: AFP
Chính quyền Nga áp dụng nhiều biện pháp khuyến khích người dân sinh con như trợ cấp 1.200 USD cho sinh viên đại học mang thai, siết chặt quy định phá thai. Theo ước tính của Raksha, các khoản trợ cấp thai sản và hỗ trợ nhà ở cho gia đình đông con đã góp phần tạo thêm 2,5 triệu ca sinh từ năm 2007.
Ông Putin luôn đề cao "giá trị gia đình truyền thống" với hình mẫu lý tưởng là gia đình có bố, mẹ và nhiều con. Năm ngoái, ông ký luật cấm "cổ súy lối sống không con cái".
"Chúng ta cần sinh nhiều con hơn để không bị tuyệt chủng. Con gái út của tôi đã sinh tới 7 cháu!", bà Galina nói, ủng hộ lời kêu gọi của ông Putin.
Hồng Hạnh (Theo AFP, TASS)