Vừa khóc, cậu bé vừa gặm những ngón tay nhỏ xíu, gầy guộc. 7 tháng tuổi, Mohammed Aliwa nặng chưa đầy 4 kg. Mặt bé hốc hác, cơ thể chỉ còn da bọc xương.
"Nỗi sợ lớn nhất của tôi bây giờ là mất cháu trai vì suy dinh dưỡng. Anh chị em của bé cũng đang vật lộn với cơn đói nghiêm trọng. Có những ngày, chúng phải đi ngủ mà không có gì lót dạ", Faiza Abdul Rahman, bà ngoại Aliwa, nói từ bệnh viện Hồi Từ thiện Những người bạn của Bệnh nhân (PFBS) tại thành phố Gaza City.
Bà Rahman cũng thường xuyên bị thiếu ăn. Ngày trước đó, thứ duy nhất bà ăn là một miếng bánh pita, có giá lên tới 4 USD. Giá bột mì tại dải đất đã tăng 30 lần so với giá thị trường hồi đầu năm.
Bé Aliwa sinh ra khỏe mạnh, nhưng mẹ bé bị suy dinh dưỡng nặng, không có sữa cho con bú. Kể từ khi bé sinh ra, gia đình mới chỉ kiếm được hai hộp sữa công thức.

Bé Mohammed Aliwa tại bệnh viện PFBS ở thành phố Gaza City. Ảnh: Guardian
Trong nhiều tháng, Israel đã hạn chế lượng thực phẩm chuyển đến Gaza. Tổng số thực phẩm được phép chảy vào dải đất thấp hơn nhiều so với nhu cầu của 2,1 triệu dân.
Hậu quả là nạn đói, số ca chết đói đang tăng mạnh. Khu điều trị của bệnh viện PFBS chật kín trẻ em gầy gò, da bọc xương, nằm chen chúc trên 12 giường bệnh.
Thành phố chỉ còn hai nhóm bác sĩ nhi khoa còn hoạt động, song có tới 200 trẻ em đến khám mỗi ngày. Tại PFBS, bác sĩ Musab Farwanna dành cả ngày chăm sóc các bé, sau đó về nhà để chia sẻ những bữa ăn ít ỏi với chính đàn con đang đói của mình.
Cả gia đình sụt cân, vì lương của ông gần như chẳng mua được gì. Ông cũng không dám liều mình tham gia giành giật viện trợ tại các điểm phân phát của Tổ chức Nhân đạo Gaza (GHF) do Israel và Mỹ hậu thuẫn.
Giới quan sát quốc tế chỉ trích mô hình GHF là "quân sự hóa", khi ghi nhận hàng trăm người bị bắn chết trong lúc đợi phân phát viện trợ tại các điểm của tổ chức này. Gần đây, bác sĩ Ramzi Hajaj, đồng nghiệp của bác sĩ Farwanna, đã thiệt mạng khi cố tìm thức ăn tại một điểm phân phát như vậy.
Israel nói rằng có những trường hợp binh sĩ của họ phải nổ súng cảnh cáo do Hamas trà trộn vào đám đông dân thường. IDF trong tháng này đã ban hành chỉ thị mới cho binh sĩ trên thực địa sau khi "rút ra bài học" từ các sự việc người Palestine thiệt mạng khi đi nhận viện trợ.

Hai trẻ em Gaza bán vòng tay, xin ăn gần một nhà thờ đổ nát trong thành phố. Ảnh: Guardian
Chỉ trong ba ngày đầu tuần này, giới chức y tế Dải Gaza đã ghi nhận 43 ca chết đói, so với tổng cộng 68 từ trước đó. Gaza chưa bao giờ "đói" như hiện tại, bất chấp cảnh báo nạn đói liên tục trong suốt gần hai năm chiến sự, Malak A Tantesh, phóng viên Guardian tại Gaza, mô tả.
"Chúng tôi phải chống chịu cơn đói, nhưng chưa bao giờ đến mức thế này. Đây là giai đoạn khó khăn nhất mà chúng tôi đang phải trải qua", bà Rahman nói.
Theo phóng viên Tantesh, ngay cả tiền bạc hay những bên bảo trợ có ảnh hưởng cũng không còn có thể bảo vệ được người Palestine. "Các tổ chức nhân đạo đang chứng kiến chính đồng nghiệp, đối tác của mình tiều tụy dần", hơn 100 nhóm cứu trợ tại dải đất tuần này cảnh báo trong tuyên bố chung.
Ngày 21/7, hãng thông tấn Pháp AFP lần đầu tiên trong lịch sử cho biết họ có nguy cơ mất một nhân sự vì nạn đói.
"Đại đa số dân Gaza đang đói. Tôi không biết gọi tình hình này là gì ngoài nạn đói hàng loạt, và do con người gây ra", lãnh đạo WHO Tedros Adhanom Ghebreyesus nói ngày 23/7.
Trước chiến sự, 5 con lớn từ 7-13 tuổi của Umm Youssef al-Khalidi đều là những học sinh xuất sắc, được cấp học bổng. Hiện tại, các em dành cả ngày ngồi ở lề đường bên nhà thờ Hồi giáo đổ nát trong thành phố, cố bán vòng tay. Thỉnh thoảng có người mua vì động lòng thương nhóm trẻ gầy gò, mặt mũi lấm lem và quần áo rách rưới nhưng số tiền các em kiếm được cũng không đáng kể.
Al-Khalidi còn một con gái nhỏ 2 tuổi. Chồng cô bị liệt, phải ngồi xe lăn. "Chúng tôi phải dùng nước để giải cơn đói. Các con tôi chỉ còn da bọc xương. Những cử động nhẹ nhất cũng khiến chúng chóng mặt. Chúng lại ngồi bệt, xin ăn, mà tôi chẳng có gì để đưa cho các con. Tôi không thể nói dối rằng sẽ mang gì đó về, khi biết chắc mình không làm được".
Đức Trung (Theo Guardian, Reuters)