Ý nghĩ "phải rời bỏ quê hương" của nhà sử học Brian Sandberg xuất hiện từ tháng 3 sau một loạt thay đổi chính sách như cắt giảm ngân sách, nhắm vào sinh viên quốc tế và cấm một số lĩnh vực nghiên cứu.
"Toàn bộ hệ thống nghiên cứu và giáo dục đại học ở Mỹ đang lung lay", Sandberg nói.
Ông nộp đơn vào chương trình "tị nạn khoa học" của Đại học Aix-Marseille (Pháp) cùng gần 300 nhà nghiên cứu khác. Chương trình tài trợ trong ba năm cho các nhà khoa học.
Tuần trước, Sandberg vào danh sách 39 ứng viên cuối cùng. "Hệ thống giáo dục và nghiên cứu khoa học của Mỹ đang xuống cấp", ông nói.
Thực trạng này được phản ánh trong khảo sát của tạp chí Nature tháng 3/2025, hơn 75% trong số 1.600 nhà khoa học Mỹ cân nhắc rời đất nước vì các chính sách mới.
Làn sóng bất an dâng cao sau khi Bộ Y tế và Dịch vụ Nhân sinh (HHS) sa thải 10.000 nhân viên, gồm các nhà khoa học từ Cục Quản lý Thực phẩm và Dược phẩm (FDA) và Viện Ung thư Quốc gia, cùng với việc cắt giảm ngân sách nghiên cứu.
Bà Anjee Davis, Giám đốc điều hành nhóm vận động Fight Colorectal Cancer, nói: "Những quyết định này có thể xóa sổ hàng thập kỷ tiến bộ trong cuộc chiến chống ung thư".

Brian Sandberg là một trong 39 nhà nghiên cứu người Mỹ lọt vào danh sách rút gọn cho chương trình học thuật tại Đại học Aix-Marseille, Pháp. Ảnh: Giacometti/The Guardian
Hàng trăm hồ sơ gửi đến Đại học Aix-Marseille (Pháp) đến từ các viện nghiên cứu danh tiếng như Johns Hopkins, NASA, các đại học lớn như Columbia, Yale và Stanford. Ông Éric Berton, chủ tịch trường, gọi đây là khoảnh khắc lịch sử.
"Hơn 80 năm trước, Mỹ đã chào đón các nhà nghiên cứu Pháp lưu vong. Giờ đây, trong một sự đảo ngược đáng buồn, các nhà khoa học Mỹ lại tìm đến Pháp để có không gian tự do nghiên cứu", ông nói.
Nhiều ứng viên Mỹ yêu cầu giấu tên vì lo ngại bị trả đũa. "Chính quyền nói rằng nếu bạn lên tiếng chống lại họ, họ sẽ trục xuất bạn", một nhà nhân chủng học sinh học tên Lisa, nói. Bà không muốn gặp rắc rối trước khi cùng gia đình chuyển đi.
Các nhà khoa học mô tả một môi trường làm việc đầy bất ổn, khi chính phủ cắt tài trợ và kiểm duyệt nội dung. "Có rất nhiều từ chúng tôi không được phép dùng trong đơn xin tài trợ, như 'đa dạng', 'phụ nữ', 'LGBTQ'", Carol Lee, một nhà sinh vật học tiến hóa, cho biết.
Đối với Lisa, đưa chồng (một giáo viên) và hai con vượt Đại Tây Dương là quyết định khó khăn. Cô chấp nhận giảm lương đáng kể và lo lắng chồng khó tìm việc. "Tôi không nghĩ mình có thể nuôi cả bốn người bằng lương của mình", cô nói.
Nhưng cô giống nhiều người khác, họ không còn lựa chọn.
James, một nhà nghiên cứu khí hậu, cùng vợ đều có tên trong danh sách rút gọn. Ông đối mặt với nguy cơ phải từ bỏ sự nghiệp hàng chục năm ở Mỹ.
"Tôi biết ơn vì có cơ hội này, nhưng cũng rất buồn vì tôi lại cần đến nó", ông chia sẻ.
Minh Phương (Theo Guardian, Yahoo)