"Con chúng ta và tương lai đất nước được quyết định bởi những con người mà chúng ta đang xây dựng luật để bảo vệ - các thầy cô giáo", đại biểu Bế Trung Anh (đoàn Trà Vinh) nói khi phát biểu tại Quốc hội sáng 6/5, thảo luận về dự thảo Luật Nhà giáo.
Theo ông, xã hội nào cũng tồn tại một tầng lớp đại diện cho các giá trị nền tảng. Nếu như thời kỳ vệ quốc, đó là hình tượng Bộ đội Cụ Hồ, thì ngày nay, sứ mệnh cao cả ấy nên trao cho 1,6 triệu giáo viên - những người đang ngày đêm miệt mài trong các ngôi trường, rèn đức luyện tài cho thế hệ tương lai.
Trích dẫn lời Nelson Mandela rằng "muốn quốc gia suy vong, chỉ cần hạ thấp nền giáo dục" và nhận định của Real Roicing "Không một hệ thống giáo dục nào có thể vươn cao hơn chất lượng đội ngũ giáo viên của nó", ông Trung Anh nhấn mạnh: sự hưng vong của quốc gia phụ thuộc vào giáo dục, và chất lượng giáo dục thì phụ thuộc vào giáo viên.
"Nếu đã xác định như vậy thì đừng dành cho nhà giáo khái niệm ưu đãi. Những nhà giáo chân chính không cần đặc quyền, họ cần sự công nhận đúng đắn và đãi ngộ xứng đáng với vị trí đặc biệt của mình", ông nói.

Đại biểu Bế Trung Anh. Ảnh: Hoàng Phong
Đại biểu Bế Trung Anh cho rằng trước đây giáo viên được tôn trọng vì có thể sống thanh sạch và toàn tâm với nghề. Khi ấy, xã hội chưa có sự phân hóa giàu nghèo rõ rệt, các ngành nghề khác chưa vươn lên nhanh chóng. Nhưng ngày nay, "nhiều ngành nghề đã vượt lên, để lại thầy cô ngơ ngác với đồng lương ổn định nhưng không đủ sống".
Để duy trì nghề và giữ lòng tự trọng, nhiều giáo viên buộc phải làm thêm như bán hàng online, chạy xe ôm, làm môi giới bất động sản. "Hình ảnh đó liệu có còn khiến học sinh ngưỡng mộ, kính trọng thầy cô như xưa? Xã hội khó có thể trân quý một người không toàn tâm toàn ý với nghề - đặc biệt là nghề dạy người", ông thẳng thắn.
Nỗi trăn trở "làm sao để kiếm thêm khi lương không đủ sống" đã len lỏi vào tâm trí nhiều giáo viên và dần trở thành vấn đề nhãn tiền với toàn xã hội. Điều này, theo đại biểu Trung Anh, đòi hỏi một lời giải không chỉ từ ngành giáo dục mà từ cả hệ thống chính sách. "Luật Nhà giáo phải có sứ mệnh khôi phục danh xưng và vị trí xứng đáng cho các thầy cô. Nếu giáo viên là người chuẩn bị cho thế hệ sáng tạo, định hình tương lai đất nước thì chính họ cũng phải được bảo vệ, được khuyến khích sáng tạo", ông nói.
Lương khởi điểm giáo viên cần cao hơn công chức hành chính
Đại biểu Nguyễn Tâm Hùng (đoàn Thừa Thiên Huế) cho rằng quy định trong dự luật về việc "lương giáo viên cao nhất trong khối hành chính sự nghiệp" là chưa rõ ràng và có thể gây khó khăn trong việc triển khai. "Nếu không quy định cụ thể mức khởi điểm, khi xếp lương sẽ thiếu cơ sở", ông nói và đề nghị bổ sung nguyên tắc: lương khởi điểm của giáo viên phải tối thiểu cao hơn từ 1 đến 2 bậc so với công chức hành chính có cùng trình độ đào tạo.
Ông Hùng cũng cho rằng các chính sách hỗ trợ nhà giáo tại vùng khó khăn còn chung chung, thiếu tính ràng buộc, giao nhiều cho địa phương nên dễ dẫn đến sự chênh lệch lớn giữa các khu vực. Ông đề xuất cụ thể hóa các chế độ hỗ trợ như phụ cấp vùng, hỗ trợ nhà ở, đi lại, thay vì chỉ nêu ở dạng nguyên tắc.
Đại biểu Lê Thị Thanh Lam (đoàn Hậu Giang) cho biết nhiều chính sách ưu đãi cho giáo viên đã được quy định trong các văn bản dưới luật, như thông tư của Bộ Giáo dục và Đào tạo ban hành năm 2023. Để tránh trùng lặp hoặc chồng chéo, dự thảo Luật Nhà giáo nên bổ sung quy định giao Chính phủ rà soát toàn bộ chính sách ưu đãi hiện hành, đảm bảo tính đồng bộ và hiệu quả trong quá trình triển khai.
"Ngoài ra, cần quan tâm đến đội ngũ nhân viên phục vụ giáo dục như thư viện, thiết bị, văn thư, kế toán - những người tuy không trực tiếp giảng dạy nhưng đóng vai trò thiết yếu trong hoạt động của nhà trường", nữ đại biểu nói.

Đại biểu Nguyễn Hữu Thông. Ảnh: Cổng TTĐT Quốc hội
Đồng quan điểm về ưu tiên lương cho nhà giáo, đại biểu Nguyễn Hữu Thông (đoàn Bình Thuận) cho rằng đây là cách để ghi nhận và khuyến khích đội ngũ giáo viên, nhất là ở vùng sâu, vùng xa và trong các ngành học có tính đặc thù như mầm non, tiểu học. Tuy nhiên, ông cảnh báo nếu quy định cứng nhắc lương giáo viên phải "cao nhất" trong toàn bộ hệ thống hành chính sự nghiệp mà không kèm theo tiêu chí cụ thể, có thể gây phản ứng từ các ngành công lập khác như y tế, văn hóa, khoa học.
"Việc áp dụng đại trà sẽ tạo áp lực lớn cho ngân sách, đồng thời tiềm ẩn sự thiếu công bằng nội bộ nếu không gắn với chất lượng giảng dạy và hiệu quả công việc", ông Thông phân tích.
Vì vậy, ông đề xuất chỉnh sửa quy định theo hướng không áp đặt mức lương cao nhất một cách cứng nhắc, mà nên xây dựng hệ thống bảng lương riêng cho nhà giáo. Hệ thống này cần tính đến đặc thù nghề nghiệp, có hệ số, phụ cấp thâm niên, ưu đãi hợp lý, gắn với chuẩn nghề nghiệp và đánh giá kết quả công tác theo từng vị trí việc làm. Việc nâng lương phải đi đôi với đổi mới phương thức đánh giá, đảm bảo nguyên tắc trả lương theo năng lực và hiệu quả.
Khuyến khích địa phương có thêm chính sách hỗ trợ nhà giáo
Bộ trưởng Bộ Giáo dục và Đào tạo Nguyễn Kim Sơn cho biết một số đại biểu bày tỏ lo ngại việc khuyến khích địa phương ban hành thêm chính sách hỗ trợ giáo viên, vì có thể tạo ra sự chênh lệch, gây khó khăn cho các tỉnh vùng sâu, vùng xa trong việc thu hút nhân lực.

Bộ trưởng Giáo dục và Đào tạo Nguyễn Kim Sơn giải trình ý kiến đại biểu Quốc hội. Ảnh: Hoàng Phong
Tuy nhiên theo Bộ trưởng, những địa phương có điều kiện nên được khuyến khích dành nguồn lực riêng để hỗ trợ đội ngũ nhà giáo. Ông dẫn chứng TP HCM thời gian qua đã chủ động bố trí kinh phí để cải thiện đời sống giáo viên, góp phần giảm tình trạng chuyển việc, nghỉ việc. Đây là mô hình tích cực cần được nhân rộng.
"Chúng ta ủng hộ công bằng nếu đó là sự công bằng mang lại điều kiện tốt hơn cho giáo viên. Còn nếu hiểu công bằng là cùng khổ, cùng khó như nhau thì không nên", ông Sơn nêu quan điểm.
Người đứng đầu ngành Giáo dục cho rằng việc khuyến khích các địa phương phát huy nội lực, chủ động có thêm chính sách hỗ trợ là điều cần thiết để toàn xã hội cùng chung tay chăm lo cho đội ngũ nhà giáo. Hơn nữa, Chính phủ cũng mong muốn cổ vũ tinh thần phối hợp giữa Nhà nước, Trung ương và địa phương trong việc chăm lo cho giáo viên - những người đang trực tiếp gánh vác sứ mệnh giáo dục thế hệ tương lai.
Theo Cục Nhà giáo và Cán bộ quản lý giáo dục, lương khởi điểm của nhà giáo trẻ hiện chỉ ở mức thấp (hệ số 2,34 từ từ 1/7/2024, khoảng 6,8 triệu đồng). Giáo viên mầm non hạng III vẫn là nhóm nhận lương thấp nhất, từ gần 3,8 đến hơn 8,8 triệu đồng một tháng tùy bậc. Giáo viên tiểu học, THCS và THPT hạng I nhận lương cao nhất. Trong đó, người được áp dụng hệ số lương 6,78 sẽ được nhận hơn 12,2 triệu đồng một tháng. Ngoài mức lương, giáo viên còn có thể nhận một số khoản phụ cấp khác như: phụ cấp thâm niên, ưu đãi nghề, phụ cấp chức vụ...
Vũ Tuân