Bệnh nhân khởi phát sốt cao, đau đầu và buồn nôn vào ngày 16/7, sau đó được Bệnh viện Đa khoa Hà Đông chẩn đoán dương tính với vi khuẩn Streptococcus suis qua xét nghiệm dịch não tủy. Hiện tại, sức khỏe của người bệnh đã ổn định nhờ được điều trị tích cực.
Theo Trung tâm Kiểm soát Bệnh tật (CDC) Hà Nội, đây là ca bệnh liên cầu lợn thứ 6 được ghi nhận trên địa bàn thủ đô từ đầu năm, bằng cùng kỳ năm ngoái.
Liên cầu khuẩn lợn là bệnh lây truyền từ động vật sang người, chưa có bằng chứng bệnh lây từ người sang người. Hầu hết bệnh nhân đều liên quan đến giết mổ, ăn tiết canh hoặc các món đồ chưa nấu chín. Một số trường hợp không ăn tiết canh, không giết mổ lợn vẫn mắc bệnh. Nguyên nhân là ăn thịt lợn nhiễm bệnh tái sống, hoặc tiếp xúc với lợn bệnh thông qua các tổn thương, trầy xước trên da khi chế biến.
Trường hợp nặng, bệnh có thể tiến triển nhanh chóng thành nhiễm khuẩn huyết sốc nhiễm khuẩn, trụy mạch, tụt huyết áp, rối loạn đông máu nặng, ban xuất huyết hoại tử toàn thân, tắc mạch, suy đa phủ tạng... hôn mê và tử vong. Vào tuần trước, 6 người ở Hưng Yên nhập viện trong tình trạng nguy kịch, hai người sau đó tử vong, do nhiễm liên cầu lợn. Trước đó, họ đã ăn phở lòng, tiết canh ở quán gần nhà.
Hiện chưa có vaccine phòng ngừa liên cầu lợn ở người. Các cơ quan y tế khuyến cáo người dân chỉ ăn thịt lợn đã được nấu chín hoàn toàn, không ăn tiết canh và các món tái sống. Khi chế biến thịt lợn, cần sử dụng găng tay bảo hộ để tránh nguy cơ lây nhiễm, đặc biệt nếu có vết xước trên da. Người dân cần đến ngay cơ sở y tế khi xuất hiện các triệu chứng nghi ngờ như sốt cao, đau đầu, buồn nôn để được chẩn đoán và xử lý kịp thời.
Lê Nga