"Nhiễm khuẩn bệnh viện còn làm tăng việc sử dụng kháng sinh, tăng đề kháng kháng sinh và kéo dài ngày nằm viện từ 9 - 24,3 ngày", TS.BS Đỗ Anh Tú, Phó Giám đốc Bệnh viện K nói tại Lễ Phát động Chiến dịch vệ sinh tay năm 2025 với khẩu hiệu Găng tay không thay vệ sinh tay, nhân ngày Vệ sinh tay thế giới 5/5, nhằm nâng cao nhận thức, tầm quan trọng trong thực hành tuân thủ vệ sinh tay với chăm sóc y tế.
Nhiễm khuẩn trong môi trường bệnh viện làm gia tăng đáng kể chi phí điều trị, với mức tăng trung bình từ 2 đến 32,3 triệu đồng mỗi ca, đồng thời khiến bệnh nhân phải kéo dài thời gian nằm viện từ 9 đến 24,3 ngày và sử dụng kháng sinh nhiều hơn, góp phần thúc đẩy tình trạng kháng kháng sinh. Đây là vấn đề nghiêm trọng mang tính toàn cầu, không chỉ làm tăng tỷ lệ mắc bệnh và tử vong mà còn gây áp lực lên hệ thống y tế.
Theo thống kê tại 55 bệnh viện thuộc 14 quốc gia đại diện cho các khu vực của Tổ chức Y tế Thế giới (WHO), tỷ lệ nhiễm khuẩn liên quan tới chăm sóc y tế trung bình là 8,7%, riêng các khoa có nguy cơ cao như hồi sức tích cực, ngoại khoa, tỷ lệ này lên tới 20-30%. Ước tính ở mọi thời điểm, hơn 1,4 triệu người toàn cầu đang phải đối mặt với tình trạng này. Tại Việt Nam, kết quả điều tra ở 36 bệnh viện phía Bắc ghi nhận tỷ lệ nhiễm khuẩn bệnh viện là 7,9%. WHO dự báo tới năm 2050, mỗi năm có gần 3,5 triệu người trên thế giới tử vong do nhiễm khuẩn y tế, con số này cao gấp 4,4 lần tổng số ca tử vong vì HIV/AIDS và các bệnh lây truyền qua đường tình dục cộng lại.
Trước thực trạng đó, việc kiểm soát nhiễm khuẩn được xem là giải pháp trọng tâm nhằm ngăn ngừa sự lan truyền tác nhân gây bệnh trong quá trình khám chữa, đồng thời nâng cao chất lượng chăm sóc tại các cơ sở y tế. Trong các biện pháp dự phòng, vệ sinh tay là cách đơn giản nhưng mang lại hiệu quả lớn nhất.
Tại Bệnh viện K, bệnh viện chuyên điều trị ung bướu nơi phần lớn bệnh nhân phải trải qua hóa trị, xạ trị hoặc phẫu thuật, công tác phòng ngừa nhiễm khuẩn càng trở nên cấp thiết. Nơi này chủ động trang bị đầy đủ dung dịch sát khuẩn, xà phòng, khăn lau tay tại các vị trí dễ tiếp cận như đầu giường bệnh, cửa phòng khám, phòng mổ, hành lang, thang máy... cùng hướng dẫn thực hành vệ sinh tay cho bệnh nhân, người nhà và đội ngũ cán bộ y tế. Ngoài ra, bệnh viện tăng cường giám sát việc tuân thủ vệ sinh tay, nhờ đó tỷ lệ nhân viên y tế trong bệnh viện chấp hành đã tăng từ 73% năm 2022 lên 79% trong quý I năm 2025.

Y bác sĩ nhảy hưởng ứng ngày Vệ sinh tay thế giới. Ảnh: Mạnh Trần
Thứ trưởng Y tế Trần Văn Thuấn nhận định kiểm soát nhiễm khuẩn là một trong những nền tảng quan trọng bảo đảm an toàn người bệnh, nâng cao chất lượng dịch vụ y tế cũng như tăng cường năng lực ứng phó với các bệnh truyền nhiễm. Đại dịch Covid-19 càng làm nổi bật vai trò không thể thiếu của công tác này đối với bảo vệ đội ngũ y tế và cộng đồng.
Trên cơ sở đó, Bộ Y tế đã xây dựng Kế hoạch hành động quốc gia về kiểm soát nhiễm khuẩn giai đoạn 2025-2030, nhằm đồng bộ hóa hoạt động kiểm soát nhiễm khuẩn trên toàn quốc, phù hợp với chiến lược nâng cao chất lượng y tế và các khuyến nghị của WHO.
Lê Nga