Ở hội thảo về sự phát triển điện ảnh, hoạt động thuộc Liên hoan phim châu Á Đà Nẵng 2025, ông Charles Kim - nhà sản xuất và ủy viên Liên hoan phim Truyền phát Quốc tế Hàn Quốc (KISF) - đánh giá điện ảnh Việt phát triển nhanh ở lượng khán giả đến rạp và trên nền tảng số. Tuy nhiên, ông cho rằng dòng phim thương mại đang chiếm lĩnh với thể loại hài gia đình và kinh dị.
"Những phim này thu hút khán giả nội địa, nhưng khó vượt ra toàn cầu vì thiếu sự đa dạng về cảm xúc - yếu tố giúp điện ảnh chạm đến công chúng", ông nói.

Chuyên gia Charles Kim phát biểu trong hội thảo chiều 1/7. Ảnh: Minh Nguyệt
Những năm 2000, Hàn Quốc từng thành công ở thị trường trong nước nhờ các phim hài nội địa như My Sassy Girl, Shiri. Tuy nhiên, khi đưa ra nước ngoài, các dự án kém thu hút khán giả do nội dung khó tiếp cận.
Không chỉ Hàn Quốc, điện ảnh Hong Kong cũng gặp trường hợp tương tự. Thập niên 1980-1990, Hong Kong nổi lên như trung tâm điện ảnh châu Á với dàn sao hành động đình đám như Thành Long, Lý Liên Kiệt, Châu Nhuận Phát cùng hàng loạt phim võ thuật, hình sự được xuất khẩu rộng rãi. Nhưng vì quá phụ thuộc vào công thức thành công, Hong Kong dần đánh mất tính sáng tạo, không kịp đào tạo lớp kế cận, dẫn tới thoái trào.
Gần 10 năm nay, thị trường phim Việt tăng trưởng mạnh, có nhiều tác phẩm đạt hơn 100 tỷ đồng, nhưng chủ yếu ở các thể loại hợp thị hiếu công chúng. Nửa cuối năm 2024 có sự gia tăng của các bộ phim kinh dị như: Ma Da, Cám, Linh Miêu, Quỷ Cẩu. Từ đầu năm đến nay, thể loại này chiếm khoảng 50% thị phần phim Việt, nhiều tác phẩm đạt hơn 100 tỷ đồng nhưng phần lớn có nội dung chưa đột phá mắc.
"Điện ảnh Việt đứng trước bước ngoặt quan trọng trong tiến trình phát triển: tiếp tục đi theo lối mòn quen thuộc với công thức dễ sinh lời nhưng thiếu sức bền, hay cần tái cấu trúc hệ sinh thái điện ảnh, đầu tư vào đào tạo nhân lực mới, mở rộng thể loại, nội dung có chiều sâu và thúc đẩy hợp tác sản xuất quốc tế", ông Kim nhận định.

Phim "Bộ tứ báo thủ" của Trấn Thành gây sốt nhưng nhận nhiều lời chê về kịch bản, bị nhiều khán giả xem là bước lùi so với "Mai". Ảnh: Đoàn phim cung cấp
Theo ông Nguyễn Hoàng Hải - Giám đốc Nội dung CJ CGV Việt Nam, yếu tố truyền thống khiến nhiều khán giả quan tâm, đó cũng là điểm mạnh của phim Việt so với tác phẩm nước ngoài. Việc các đạo diễn tập trung vào dòng phim này không chỉ xuất phát từ yếu tố thương mại mà còn phản ánh nhu cầu của người xem.
"Tuy vậy, chúng ta cần cân bằng giữa việc đáp ứng thị hiếu nội địa và chiến lược mở rộng thị trường. Nếu được đầu tư bài bản về nội dung và hình thức, việc khai thác đề tài quen thuộc vẫn có thể song hành những dự án có sức sáng tạo", ông nói.
Bên cạnh đó, dòng phim chiến tranh có dấu hiệu trở lại khởi sắc ở rạp Việt. Đạo diễn Đặng Thái Huyền nhận định thể loại này từng bị cho là khó tiếp cận khán giả trẻ nhưng hiện nay lại có sức hút riêng. Đào, phở và piano - tác phẩm về chuyện tình của anh lính tự vệ và tiểu thư - đạt hơn 16 tỷ đồng dù không phát hành rộng rãi. Phim Địa đạo của Bùi Thạc Chuyên - kể số phận những người lính chiến đấu ở Củ Chi - vượt 170 tỷ đồng, nhận nhiều nhận xét tích cực.
Sự quan tâm của giới trẻ dành cho thể loại này phản ánh nhu cầu muốn tiếp cận lịch sử bằng góc nhìn mới. Họ tìm trải nghiệm cảm xúc qua phim ảnh, hình dung bối cảnh, không gian thời chiến thay vì điểm qua các sự kiện hay số liệu.
Teaser "Mưa đỏ" , về cuộc chiến bảo vệ thành cổ Quảng Trị năm 1972, do đạo diễn Đặng Thái Huyền thực hiện. Phim dự kiến công chiếu ngày Quốc khánh 2/9. Video: Đoàn phim cung cấp
Ông Charles Kim cho rằng phim hành động nên được xem là một trong những mũi nhọn phát triển của điện ảnh. Thể loại này có tiềm năng lớn về mặt thị trường và khả năng xuất khẩu nhưng ở Việt Nam thiếu hệ thống sản xuất kỹ thuật lẫn đội ngũ sáng tạo chuyên biệt, như thiết kế hành động, chỉ đạo võ thuật.
"Để làm được điều đó, chúng ta cần nâng cấp toàn diện hệ thống giáo dục điện ảnh. Không chỉ gắn kết các trường đào tạo với mạng lưới sản xuất thực tế, mô hình này còn tạo điều kiện cho sinh viên tham gia các dự án quốc tế, tiếp cận công nghệ mới và xây dựng tư duy làm phim. Việt Nam hoàn toàn có thể làm được điều này nếu quyết liệt từ bây giờ", ông Kim nói.
Liên hoan phim châu Á Đà Nẵng năm nay diễn ra trong bảy ngày, từ 29/6 đến 5/7. Chương trình tranh giải gồm hai hạng mục quan trọng: Phim châu Á và Phim Việt Nam. Trong 12 tác phẩm dự thi của điện ảnh trong nước, có các tác phẩm doanh thu cao như Thám tử Kiên, Nhà gia tiên. Giám khảo gồm một số tên tuổi như nghệ sĩ Minh Châu, đạo diễn Bùi Thạc Chuyên, các chuyên gia, nhà phê bình quốc tế.
Sự kiện còn có nhiều tọa đàm, nổi bật là hội thảo Dấu ấn phim chiến tranh của Việt Nam từ sau ngày đất nước thống nhất, với sự góp mặt của nhiều chuyên gia, nhằm đánh giá vị trí của phim chiến tranh trong sự phát triển của điện ảnh, quảng bá hình ảnh ra thế giới. Ngoài ra, ban tổ chức tôn vinh phim Việt đề tài chiến tranh, chọn chiếu 22 phim sản xuất sau năm 1975, mang hơi thở thời đại, gắn liền sự phát triển của điện ảnh nước nhà.
Quế Chi