Khoản 9 Điều 8 Luật Quảng cáo năm 2012 nghiêm cấm hành vi quảng cáo không đúng hoặc gây nhầm lẫn về khả năng kinh doanh, khả năng cung cấp sản phẩm, hàng hóa, dịch vụ của tổ chức, cá nhân kinh doanh sản phẩm, hàng hóa, dịch vụ; về số lượng, chất lượng, giá, công dụng, kiểu dáng, bao bì, nhãn hiệu, xuất xứ, chủng loại, phương thức phục vụ, thời hạn bảo hành của sản phẩm, hàng hoá, dịch vụ đã đăng ký hoặc đã được công bố.
Nếu thông tin không đúng sự thật thì tùy vào mức độ vi phạm mà người quảng cáo có thể bị xử phạt hành chính hoặc bị truy cứu trách nhiệm hình sự.
Trường hợp biết về sản phẩm kém chất lượng
Nếu biết trước là sản phẩm đó kém chất lượng, nội dung quảng cáo là không đúng sự thật mà vẫn thực hiện việc quảng cáo thì có thể bị truy cứu trách nhiệm hình sự về Tội quảng cáo gian dối (theo Điều 197 Bộ luật Hình sự năm 2015).
Theo đó, người nào quảng cáo gian dối về hàng hóa, dịch vụ, đã bị xử phạt vi phạm hành chính về hành vi này hoặc đã bị kết án về tội này, chưa được xóa án tích mà còn vi phạm, thì bị phạt tiền từ 10 triệu đồng đến 100 triệu đồng hoặc phạt cải tạo không giam giữ đến 3 năm.
Ngoài ra, người phạm tội còn có thể bị phạt tiền từ 5 triệu đến 50 triệu đồng, cấm hành nghề hoặc làm công việc nhất định từ 1 năm đến 5 năm.
Trường hợp không biết sản phẩm kém chất lượng
Nếu không biết và không có khả năng biết sản phẩm là kém chất lượng, người quảng cáo có thể không bị truy cứu trách nhiệm hình sự, nhưng vẫn có thể bị xử phạt hành chính vì không kiểm tra, xác minh nội dung quảng cáo (đây là trách nhiệm tối thiểu mà người quảng cáo phải thực hiện). Ngoài ra, còn phải chịu trách nhiệm dân sự nếu có thiệt hại phát sinh cho người tiêu dùng.
Ví dụ: Nếu vi phạm các quy định về quảng cáo thực phẩm, phụ gia thực phẩm mà chưa đến mức bị truy cứu trách nhiệm hình sự sẽ bị xử phạt hành chính theo Điều 52 Nghị định 38/2021/NĐ-CP (đã được sửa đổi, bổ sung bởi Nghị định 129/2021/NĐ-CP), mức phạt tiền lên đến 30 triệu đồng với cá nhân, 60 triệu đồng với tổ chức quảng cáo sai sự thật.
Theo tôi, trước khi tham gia quảng cáo thì người quảng cáo cần lưu ý những thông tin nêu sau để tránh rủi ro pháp lý, không gây ảnh hưởng xấu đến người tiêu dùng:
- Yêu cầu cung cấp hồ sơ pháp lý của sản phẩm, đặc biệt là giấy xác nhận nội dung quảng cáo do cơ quan có thẩm quyền cấp.
- Đọc kỹ nội dung quảng cáo, không thêm bớt, không tự ý thay đổi lời giới thiệu gây hiểu lầm đến sản phẩm.
- Tìm hiểu nguồn gốc sản phẩm, nhà sản xuất, uy tín thương hiệu.
- Từ chối quảng cáo những sản phẩm không rõ ràng hoặc có dấu hiệu vi phạm quy định về an toàn thực phẩm, hàng giả.
- Cần nhớ rõ vai trò của mình là người quảng cáo, do đó không được bảo đảm hay cam kết chất lượng sản phẩm nếu không có cơ sở pháp lý.
Luật sư Phạm Thanh Hữu
Đoàn luật sư TP HCM