Vu Hải Ba, 29 tuổi, quê ở tỉnh Cát Lâm, sinh ra trong một gia đình làm nông. Bỏ học năm 13 tuổi, anh đến thành phố Trường Xuân làm phụ bếp trong một nhà hàng, làm thợ hàn trong xưởng ôtô, kiếm được 3.000-4.000 tệ (450- 600 USD) một tháng.
Vu lấy vợ năm 19 tuổi và năm 2014, họ sinh con trai Vu Giai Dược. Vợ ở nhà chăm con, Vu kiếm tiền nuôi sống gia đình. Thỉnh thoảng, anh tranh thủ thời gian chơi với con và phát hiện sức khỏe con trai không tốt, hay bị ngã và kêu mệt, đòi bố bế.
"Lúc ấy tôi bảo con: 'Con phải tự đi, bố không thể ngày nào cũng bế con được'", Vu kể lại hôm 15/6.

Vu Hải Ba trả lời phỏng vấn hôm 15/6. Ảnh: Jiupai
Họ phát hiện con trai mắc bệnh bạch cầu năm cậu bé ba tuổi, bị ngã cầu thang. Vu đưa con trai vào viện kiểm tra khi thấy vết bầm tím ở chân của Giai Dược mãi không khỏi.
"Tôi sinh ra ở nông thôn, ít học. Tôi luôn tự hỏi tại sao con trai mình lại mắc phải căn bệnh này khi còn nhỏ như thế. Con tôi không có cơ hội trải nghiệm cuộc sống", Vu nói.
Hai vợ chồng đưa con đi Thiên Tân chữa bệnh. Nhiều người nói bệnh của Giai Dược không thể chữa khỏi, nhưng anh vẫn kiên trì. "Tôi không muốn hối tiếc. Tôi quyết tâm chữa khỏi bệnh cho con trai dù có phải tán gia bại sản", Vu bày tỏ.
Họ thuê một căn nhà nhỏ gần bệnh viện giá 1.000 tệ một tháng. Vu xin nghỉ làm 4 tháng để chăm con. Hết thời gian nghỉ phép, anh quay lại Trường Xuân làm việc, để vợ ở lại. Vu làm nhiều công việc, có thời điểm chỉ ngủ 2-3 tiếng mỗi ngày, không thể trò chuyện thường xuyên với con. Anh bán nhà, vay mượn khắp nơi để trang trải chi phí chữa bệnh cho con.
Sau hai năm, tình trạng của Giai Dược khá hơn, cậu bé có thể ăn uống bình thường. Họ quyết định đưa con về Trường Xuân để đỡ tốn kém. Hai vợ chồng ở nhà mẹ vợ. Giai Dược đi học mẫu giáo nhưng hay bị sốt nên nghỉ học sau vài tháng.
Khoảng thời gian ở nhà là thời điểm vui vẻ nhất của cậu bé. Mỗi ngày, bé đều chờ bố đi làm về lúc nửa đêm mới chịu đi ngủ. Giai Dược thích được bố ôm vào lòng, khen bố đẹp trai và mơ ước lớn lên làm cảnh sát để bảo vệ bố.

Vu Hải Ba vào viện thăm con trai hồi tháng 6/2023 khi đang trong thời gian thụ án. Ảnh: CCTV
Tháng 4/2021, bệnh viện ở Thiên Tân giục gia đình đưa Giai Dược đến kiểm tra lại sức khỏe, chi phí hàng chục nghìn nhân dân tệ. Thời điểm này cả nước đang phong tỏa vì Covid-19, các cửa hàng đều đóng cửa. Mất nguồn thu nhập, Vu không biết lấy đâu ra tiền đưa con đi khám. Một người bạn gọi điện, chỉ cho Vu cách kiếm tiền.
"Anh ấy từng làm nghề thu gom phế liệu, mách tôi rằng có thể lấy đồng trong máy biến áp đem bán lấy tiền", Vu nói. "Tôi suy nghĩ mấy ngày. Tôi phải đưa con đến Thiên Tân để kiểm tra vào tháng 7. Tôi không còn lựa chọn nào khác ngoài đồng ý".
Vu cùng bạn xuống khu vực nông thôn, trộm hơn 20 máy biến áp, bán được chưa tới 30.000 nhân dân tệ (4.200 USD). Tới tháng 6, anh bị bắt và bị kết án 4 năm tù vì tội phá hoại. Tháng 1/2023, người nhà đưa bé Giai Dược vào tù thăm Vu. Cậu bé trốn sau lưng bà ngoại nhưng anh vẫn nhìn thấy đầu và mặt mũi con trai sưng to vì ung thư máu tái phát.
Cục quản lý trại giam tỉnh Cát Lâm và cán bộ nhà tù cùng bạn tù quyên góp được 70.000 tệ (9.700 USD) giúp anh nhưng chi phí này như "muối bỏ bể", Vu nói. 5 tháng sau, tình trạng của Giai Dược tệ hơn, vợ của Vu vào tù, xin cho chồng vào viện thăm con.
"Bố ăn sáng chưa? Sáng nay bố ăn gì rồi?", cậu bé nằm trên giường bệnh hỏi bố, gương mặt xanh xao, giọng thều thào.
Một tháng sau, bé Giai Dược qua đời, không ai dám báo tin cho Vu. Khi cha mẹ và em trai tới thăm anh, họ luôn nói cậu bé đang hồi phục tốt. "Tôi cảm nhận được con trai không khỏe, nhưng người nhà giấu vì sợ tôi trầm cảm", anh kể lại.
Tháng 11/2023, anh mới hay tin con trai qua đời khi có phóng viên đến phỏng vấn. Vu gào thét, không tin. Cha anh sau đó vào thăm, cho biết gia đình đã rải tro cốt cậu bé ven đầm Tịnh Nguyệt gần nhà tù của Vu, bởi cậu bé muốn ở gần bố.
"Sau khi bố ra tù, đừng nhớ con. Hãy đến đầm Tịnh Nguyệt, con luôn ở đó", bố anh truyền đạt lời của Giai Dược.

Vu Hải Ba mang bánh ngọt, đồ chơi và hoa tới thăm con trai ở đầm Tịnh Nguyệt hồi tháng 12/2024. Ảnh: Douyin/Vu Hải Ba
Vu được giảm án 7 tháng tù và ra tù tháng 11/2024. Anh quay về Trường Xuân tìm việc làm, cứ nửa tháng lại tới đầm Tịnh Nguyệt thăm con. Vu lập một tài khoản mạng xã hội, chia sẻ cuộc sống và thu hút hàng chục nghìn người theo dõi.
"Tình cha như núi, nhưng cách làm lại sai. Hy vọng kiếp sau họ vẫn là cha con", một người có tên Kỳ Hoàng bình luận.
"Anh ấy không phải là công dân tốt, nhưng là người cha tuyệt vời", một người khác bày tỏ.
Hồng Hạnh (Theo Jnds)