Trong 6 tháng đầu năm, Việt Nam đón gần 10,7 triệu lượt khách quốc tế và 77,5 triệu lượt khách nội địa, tổng thu du lịch đạt hơn 515.000 tỷ đồng, theo số liệu từ Cục Du lịch Quốc gia công bố hôm 6/7.
Tại châu Âu, lượng khách đến Việt Nam có dấu hiệu phục hồi rõ rệt. Nga là thị trường lớn nhất và có mức tăng trưởng mạnh nhất, với 260.000 lượt khách và tăng gần 140% so với cùng kỳ năm 2024. Các thị trường chính như Anh, Pháp, Đức, Italy, Tây Ban Nha, Đan Mạch, Na Uy, Thụy Điển đều tăng trưởng hai con số, từ 10% đến 24%.
Theo đại diện các công ty lữ hành chuyên đón khách Nga tại Việt Nam, có nhiều lý do giúp Việt Nam hút khách Nga, trong đó khí hậu và biển ấm là điểm hấp dẫn lớn.
Việt Nam có khí hậu nhiệt đới, nắng ấm quanh năm ở các vùng biển như Nha Trang, Mũi Né, Phú Quốc - phù hợp với nhu cầu tránh đông của khách Nga vốn sống ở xứ lạnh. Nhiều nhà hàng, khách sạn tại các điểm du lịch nổi tiếng tại Việt Nam có thực đơn tiếng Nga, nhân viên nói tiếng Nga.
Đường bay thuận tiện, giá tour cạnh tranh cũng là lợi thế. Hãng Azur Air (Nga) bắt đầu các chuyến bay đến Khánh Hòa vào cuối tháng 2 với điểm khởi hành là một số thành phố lớn của Nga như Moskva, Yekaterinburg, Kazan, Novosibirsk, vùng Siberia, Viễn Đông, theo Cục Du lịch.

Du khách Nga đi bộ trên đường phố ở Khánh Hòa. Ảnh: Bùi Toàn
Chi phí du lịch tại Việt Nam nhìn chung rẻ hơn các điểm cạnh tranh trực tiếp trong khu vực như các nước Đông Nam Á, Maldives hay UAE cũng là lý do hút khách tiếp theo. Ngoài ra, chính sách nới lỏng visa của chính phủ nhằm góp phần thu hút khách quốc tế và kích cầu phát triển du lịch. Ngày 7/3, Việt Nam công bố miễn visa thêm ba năm cho công dân 12 nước, trong đó có Nga. Thời gian lưu trú đến 45 ngày, tính từ ngày nhập cảnh. Chính sách này giúp khách dễ dàng quay lại nhiều lần hoặc lưu trú dài ngày.
Trước đại dịch, Nga luôn nằm trong top thị trường gửi khách lớn đến Việt Nam, tạo nền tảng cho các công ty lữ hành Nga - Việt phát triển. Nhiều địa phương, doanh nghiệp du lịch đã xây dựng sản phẩm riêng phục vụ khách Nga từ sớm.
Ngoài khách Nga, thị trường Ba Lan và Thụy Sỹ cũng ghi nhận gia tăng lượng khách, tăng lần lượt 44,3% và 10,2% so với cùng kỳ năm 2024. Đây là hiệu quả đến từ việc Chính phủ đã ban hành nghị quyết về việc miễn visa ngắn hạn cho công dân Ba Lan, Séc và Thụy Sỹ theo chương trình kích cầu phát triển du lịch năm 2025.
Đông Bắc Á là thị trường gửi khách nhiều nhất, chiếm 60% tổng lượng khách quốc tế. Trung Quốc là thị trường gửi khách lớn nhất đến Việt Nam và cũng là quốc gia có động lực tăng trưởng mạnh nhất, với hơn 2,7 triệu lượt khách và mức tăng hơn 44% so với cùng kỳ 2024.
Phương Anh