Tháng 7, cả gia đình 4 người của Đăng Trường (10 tuổi, TP HCM) đều là F0. Ba em trở nặng trước, chuyển đến điều trị tại bệnh viện Chợ Rẫy. Sau gần một tuần phải thở oxy, người mẹ qua đời. "Lúc đấy cháu ngỡ mẹ nằm ngủ", Trường nói.
Khi mẹ mất, Trường cầm điện thoại gọi vào số ba liên hồi, nhưng chỉ nghe tiếng tút tút. Nửa tháng sau, em biết ba mất sau mẹ một ngày. Ngôi nhà trên đường An Dương Vương, phường An Lạc A, quận Bình Tân giờ chỉ còn lại em cùng chị gái 18 tuổi. Trở về từ bệnh viện, hai chị em đóng chặt cửa, ít tiếp xúc với hàng xóm.
Cú sốc quá lớn khiến Trường thường đi ra đi vào trong căn nhà nhỏ, thỉnh thoảng nói những câu không đầu không cuối trước bàn thờ. Nhiều lần, cậu bé lại ngồi ôm balo của mẹ, mân mê áo khoác của ba. Trần Thị Ngọc Tuyền, chị gái Trường, giờ thế vai của cả ba và mẹ để chăm sóc và làm chỗ dựa tinh thần cho cậu em nhỏ. Tuyền không dám khóc vì "nếu em khóc, bé Trường cũng sẽ khóc theo".
Đăng Trường là một trong số 2.091 em nhỏ mất cha mẹ do Covid-19. Với thực trạng nhiều em mồ côi cả chả lẫn mẹ, nhiều em có hoàn cảnh gia đình khó khăn, các địa phương đang vận động các đơn vị, nhà hảo tâm hỗ trợ, chăm sóc và đỡ đầu.
Tại TP HCM, ngoài trợ cấp cho trẻ mồ côi dưới 4 tuổi theo quy định 540.000 đến 900.000 đồng mỗi tháng, các em được cấp thẻ bảo hiểm y tế, miễn giảm học phí đến 16 tuổi. Địa phương cũng vận động các nhà hảo tâm hỗ trợ mỗi em 3 đến 5 triệu đồng một lần.
Mới đây, Trung ương Đoàn khởi động chương trình Nối vòng tay thương để kêu gọi các cá nhân, doanh nghiệp cùng chung tay chăm sóc các em đến năm 18 tuổi.
Đồng hành cùng chương trình này, Tập đoàn FPT công bố sẽ nuôi dưỡng, đào tạo 1.000 em từ 6 - 18 tuổi trên toàn quốc.. Nhà trường không áp dụng yêu cầu về học lực làm cơ sở tiếp nhận, thay vào đó sẽ đón những em có nguyện vọng tham gia chương trình và được sự chấp thuận của người giám hộ hợp pháp. Sau 18 tuổi, các em có nguyện vọng học lên đại học, cao học tại FPT sẽ được hỗ trợ học bổng.
Giới chuyên gia nhận định với việc cùng một giai đoạn có nhiều trẻ rơi vào hoàn cảnh mồ côi, việc chăm sóc các em sẽ trở nên khó khăn hơn với các địa phương, gia đình. Làm thế nào để các em vượt qua ám ảnh dịch bệnh, yên tâm học hành trong môi trường đào tạo tốt và được phát triển đầy đủ, toàn diện và lâu dài là bài toán cần lời giải.
Trên Cổng yêu thương do tập đoàn FPT mở để nhận ý kiến đóng góp ý tưởng cho trường nuôi dạy các em nhỏ mồ côi, trong số hàng trăm ý kiến gửi về, nhiều người nhắc đến việc chăm sóc phần tâm lý và phương án dạy dỗ các em.
"Làm sao để các cháu dù không còn cha, mẹ nhưng các cháu vẫn cảm nhận được tình yêu thương bao la của nhà trường, cộng đồng dành cho các cháu", một độc giả gửi ý kiến. "Các em cần được phát triển toàn diện thành những con người có ích cho xã hội và nhận được sự hỗ trợ, cam kết dài hạn", một độc giả khác chia sẻ.
Chuyên gia tâm lý - Trần Kim Thành cho biết, những đứa trẻ không may mắn mất cha, mẹ vừa phải trải qua cú sốc tinh thần lớn. Lúc này, người nuôi dạy trực tiếp, cần tạo mối quan hệ thân thiết, thường xuyên có buổi trò chuyện riêng, thân tình để hiểu những lỗ hổng tồn tại trong trẻ, giúp "vết thương" được khỏa lấp. Khi người lớn làm điều đó, em nhỏ sẽ tin tưởng, cảm thấy được bù đắp phần thiếu thốn tình cảm sẽ phấn đấu học tốt, trưởng thành.
Thực tế, mỗi bé sẽ gặp ảnh hưởng tâm lý khác nhau. Ví dụ, có bạn đang sôi nổi bỗng trở nên trầm tính. Trước đây, bé tự tin bởi luôn có bố mẹ khích lệ, bây giờ thì tự ti. Đây là những biểu hiện bên ngoài, bên trong có thể tồn tại những vấn đề khác. Lúc này, các em cần có bác sĩ tâm lý đồng hành. Chuyên gia sẽ gặp gỡ từng em, tìm hiểu, trò chuyện, đưa ra cách giải quyết riêng bởi không có mẫu chung.
Nhiều năm làm nghề, bác sĩ Nguyễn Viết Chung, Khoa Sức khỏe Tâm thần - Bệnh viện E nhận thấy các em nhỏ đột mất người thân có thể rơi vào
trạng thái trầm cảm, lo âu, rối loạn giấc ngủ, hay mơ, gặp ác mộng. Lúc này, người nuôi dưỡng cần để ý những dấu hiệu, tìm hiểu lý do, nguyên
nhân..
Các em nhỏ mồ côi vẫn có thể phát triển toàn diện nếu trải nghiệm môi trường giáo dục tốt. Trẻ gặp được những người thầy, cô biết cách rèn luyện, yêu thương. Chị Kim Thành dẫn chứng về họa sĩ nổi tiếng Leonardo de Vinci. Dù có đủ bố mẹ nhưng từ nhỏ cậu bé sống cùng ông bà. Người chú thấy Leonardo de Vinci buồn chán nên tìm cho ông một người thầy dạy vẽ. Thầy dạy ông về năng lực tự học, hỗ trợ tiền đề giúp Leonardo de Vinci học nhiều thứ sau này. "Vai trò người thầy với trẻ vị thành niên rất quan trọng", bà Thành khẳng định.
Trả lời câu hỏi "môi trường giáo dục nào tốt nhất cho sự phát triển của trẻ mồ côi", chuyên gia cho rằng, mô hình gia đình vẫn cần được ưu tiên. Nếu không đáp ứng được điều này, các bé có thể sống trong môi trường mái ấm, trường nội trú.
Trường nội trú thích hợp với các em từ 9 tuổi, học sinh học trong môi trường này có tính tự lập cao. "Tôi có những người bạn học xa nhà từ
nhỏ, ở tại trường, trưởng thành rất tốt. Một người bạn quê ở Bà Rịa Vũng Tàu là tiến sĩ trẻ, theo mô hình học nội trú từ cấp 2", chị Thành thông
tin.
"Các em nhỏ mất cha mẹ do Covid-19 sẽ không cô đơn trên hành trình lớn lên", chị Thành nói thêm. Tuy nhiên, để làm được điều này, người thân, thầy cô cần quan tâm đến đời sống tinh thần của học sinh bên cạnh việc dạy học trên giảng đường. Thầy trò thân thiết, hiểu hoàn cảnh của từng em, thường xuyên có những buổi trò chuyện riêng, thân tình. Lúc đó mối quan hệ sẽ vừa là thầy cô, cha mẹ, động lực để em nhỏ phấn đấu học tốt, trưởng thành.
Đồng quan điểm, chị Lê Tuyết Mai - Phó Giám đốc Quỹ Bảo trợ trẻ em Việt Nam cho rằng môi trường giáo dục quan trọng với trẻ. Học sinh theo học tại trường nội trú sẽ không cảm thấy tự ti vì gắn bó với các bạn cùng hoàn cảnh. Ưu điểm lớn nhất của mô hình là rèn tính tự lập. Các em sẽ trường thành rất nhanh, sống có kỷ luật, phát triển tốt.
Bà Mai cũng cho rằng, trong quá trình học, các em nên trở về thăm gia đình nếu còn có họ hàng, người thân để duy trì mối liên hệ ấy. Tình yêu là sức mạnh để mỗi người vượt qua mọi khó khăn, hướng đến những điều tốt đẹp trong cuộc sống. Đồng quan điểm, bà Trần Thị Thu Hà, Chủ tịch công đoàn FPT, thành viên dự án trường nuôi dạy trẻ mồ côi khẳng định đây là việc nên làm và cho biết, nhà trường đã dự tính đưa các em nhỏ về thăm người thân mỗi dịp lễ tết, hè hay khi có việc cần và đã có đơn vị cam kết đồng hành bảo trợ các chuyến đi cho các con.
Môi trường nội trú tốt cần đảm bảo cơ sở vật chất, đáp ứng dinh dưỡng, có người bảo trợ. Ví dụ , các em có những bảo mẫu với vai trò như người mẹ bảo vệ, chăm sóc bữa ăn, giấc ngủ.
Chia sẻ về vai trò của thầy cô với trẻ, chị Như Trang - Giảng viên Đại học Khoa học Xã hội và Nhân văn cho rằng, người giảng dạy, tiếp xúc
trực tiếp cần tôn trọng cảm xúc của trẻ. Điều đó bao gồm việc các em không muốn chia sẻ với ai. Thầy cô cần khẳng định rằng trẻ không cô đơn, là
một người quan trọng, có nhiều người yêu mến, cần các em trong đời.
Giai đoạn đầu, thầy, cô tôn trọng các thất thường về mặt cảm xúc và hành vi của trẻ, sau đó từ từ giúp các em tham gia các hoạt động thường ngày: học tập, hoạt động của trường học, bạn bè. Trọng tâm của phương pháp là giúp trẻ cảm nhận "cuộc sống vẫn tiếp diễn, em nhỏ còn nhiều mối liên hệ, trách nhiệm".
Với sự chung tay của cả xã hội, các chuyên gia hy vọng Đăng Trường và nhiều em nhỏ mồ côi khác sẽ không bị bỏ lại phía sau. Ngọc Tuyền, chị gái Đăng Trường cho biết hai chị em đang sống dựa vào sự cưu mang của mọi người và 5 triệu đồng mẹ em để lại. Em của Tuyền, Đăng Trường cũng dần lấy lại tinh thần, ước mơ lớn nhất của em là thi vào trường y sau khi tốt nghiệp lớp 12. Cậu bé 10 tuổi muốn trở thành bác sĩ để bố mẹ "ở trên kia" có thể tự hào.
Hoàng Thi
Thiết kế: Tấn Nguyễn