Người đàn ông 67 tuổi, vốn là chỗ bạn bè lâu năm với cha mẹ tôi, đang "khóc ròng" vì không thể bán được căn nhà ông mua tháng 12/2023, với giá 4,5 tỷ đồng, tại một khu dân cư ven thành phố. Lúc ông mua căn nhà, giá thời điểm đó tuy không còn "sốt" như hồi đầu năm 2017-2018 nhưng mặt bằng chung vẫn còn khá cao.
Ông dự tính bỏ tiền ra mua, rồi canh được giá bán lại kiếm lời. Nào ngờ gặp ngay thời điểm cơn "sốt" nhà đất hạ nhiệt, lại ảnh hưởng bởi đại dịch Covid-19, nên ông không thể bán nổi. Người ta tới coi nhà đều trả rẻ, cao nhất cũng chỉ được 4,2 tỷ, tức ông lỗ 300 triệu đồng.
Nếu là tiền của mình thì còn đỡ lo, đằng này một nửa trong số đó là tiền ông phải đi vay ngân hàng. Nghĩa là mỗi tháng qua đi, ông phải trả tiền lãi cho ngân hàng cả vài chục triệu đồng. Tính từ ngày mua nhà, số tiền lãi ông phải trả đã là mấy trăm triệu và chưa có dấu hiệu dừng lại.
Cũng giống như trường hợp của ông, người phụ nữ 56 tuổi ở kế bên gia đình tôi là một ví dụ điển hình trong số những người phải "ngậm quả đắng" vì chạy đua theo trào lưu đầu tư buôn bán nhà đất. Bà có một ít tiền vốn nhàn rỗi, khoảng hai tỷ đồng. Cách đây mấy năm, khi mà cơn "sốt đất" cứ liên tục đẩy giá lên cao, một người cháu của bà khuyên: "Bỏ tiền ra mua mấy chục m 2 gần một dự án quy hoạch đô thị, bán sang tay sau đó mấy tháng cũng lời được vài trăm triệu...". Nhưng rồi bà không nghe.
Đùng một cái, chẳng biết nghe ai xúi, mãi tới cuối năm 2022, khi mà giá nhà đất vẫn trong đà chững lại, không còn "sốt nóng" nữa, bà lại đi vay ngân hàng một tỷ đồng, cộng với số tiền tích góp được của bản thân qua bao năm, để mua một miếng đất rộng 120 m2, có sẵn nhà cấp bốn, giá 3 tỷ đồng, tại một con hẻm nhỏ với dân cư đông đúc.
>> Có 11.000 m2 đất dưỡng già sau 30 năm làm con nợ
Sở dĩ bà liều mình đi vay tiền để đầu tư vào mua đất là vì trước đây bà thấy vài người bạn tham gia mua bán nhà đất vài năm mà kiếm lợi nhuận tiền tỷ ngon lành, nhàn hạ. Họ chỉ mua vài tháng rồi bán lại đã lời cả mấy trăm triệu đồng. Thậm chí, có miếng đất chỉ vừa mua tuần trước, đến tuần sau bán sang tay cho người khác đã "chênh" cả mấy trăm triệu bạc, nhẹ như lông hồng.
Thế rồi, bà lẳng lặng đi làm giấy tờ vay tiền ngân hàng để quyết định đặt cọc mua mảnh đất. Ban đầu, ý định của bà là sẽ bán ngay tức thì nếu có ai đó trả cao hơn khoảng vài trăm triệu đồng so với số vốn ban đầu bỏ ra. Thế nhưng, sự đời đâu có ngon ăn như dự tính của bà. Miếng đất bà mua vào tháng 11/2022 cứ nằm yên đấy cho tới tận bây giờ mà vẫn không thể bán được. Người hỏi, người xem thì có nhiều, nhưng họ toàn trả giá rẻ, thậm chí còn cách số tiền vốn bà bỏ ra mua tới cả vài trăm triệu đồng, nghĩa là chỉ cỡ 2,7 tỷ đồng mà thôi.
Mấy năm trời, đất không bán được, trong khi tiền trả lãi ngân hàng bà vẫn phải "gánh". Đó còn chưa tính tới thiệt hại mỗi tháng cả chục triệu đồng trong số 2 tỷ đồng tiền vốn mà đáng lẽ cứ để ở ngân hàng như trước kia thì bà vẫn được lĩnh tiền lãi đều đặn. Bà buồn bã tâm sự: "Nếu cứ đà giá đất 'đóng băng' như những năm gần đây, thì chắc phải chấp nhận bán tháo miếng đất, kể cả lỗ mấy trăm triệu, để giải quyết món nợ ngân hàng, chứ chẳng biết đợi đến bao giờ?".
Kể cả nếu bà bán được mảnh đất bây giờ hòa vốn 3 tỷ như lúc mua, thì so với giá trị tiền, bà cũng bị lỗ khá nhiều. Bởi thời điểm bà bỏ ra 3 tỷ đồng mua chỗ đấy, giá vàng chỉ là hơn 66 triệu đồng một cây, còn nay đã lên tới cả trăm triệu đồng. Bà tiếc rẻ vì lúc đó không mua vàng thay vì mua đất rồi ôm cục nợ tới giờ.
Những năm gần đây, tại các thành phố lớn ở nước ta, có không ít người ăn nên làm ra nhờ buôn bán bất động sản. Bởi cơn "sốt đất" kéo dài và giá luôn đẩy cao đến đỉnh điểm, cũng là đồng nghĩa với lợi nhuận tăng cao thông qua việc mua đi bán lại.
Thế nhưng, cũng có không ít người lại lâm vào cảnh dở mếu, dở khóc, khi lao vào buôn nhà đất chỉ vì đi sau thời cuộc, ít kinh nghiệm... Khi thời điểm "bong bóng bất động sản" bung vỡ, giá nhà đất chững lại, thậm chí giảm thê thảm, không ít trường hợp chạy theo trào lưu "lướt sóng" bất động sản, đổ vốn vào nhà đất đã phải nhận trái đắng. Có nhiều người thua lỗ trầm trọng, phải bán tháo để cắt lỗ mà cũng không thể được.
Trên thực tế, có rất nhiều người trúng mánh, trở nên giàu có nhờ đầu tư mua bán nhà đất. Thế nhưng, họ chỉ là thiểu số, thành công là nhờ gặp may hoặc chọn đúng thời điểm "sốt đất", chỉ cần sang tay là đã có lãi đậm. Còn với những người như hai ông bà tôi kể trên (phần đông trong xã hội), vì đi sau thời cuộc, tính sai nước cờ, khi mà người khác "ăn no, ăn chán" rồi, họ mới lao vào để rồi nhận trái đắng.
Thương trường như chiến trường, làm ăn buôn bán cũng vậy. Khi có sự tinh tường, am hiểu, kết hợp với sự nhạy bén, có con mắt nhìn xa trông rộng... bạn sẽ ít nhiều tránh được rủi ro. Còn những người chỉ a dua, đầu tư theo trào lưu, thì sẽ khó lòng mà thành công được. Thế mới thấy "lướt sóng" bất động sản cũng đâu có dễ ăn như nhiều người vẫn lầm tưởng!
- 'Chung cư Hà Nội giá 9 tỷ, tôi thà ra vùng ven mua nhà đất, sắm ôtô'
- Tôi bị chê cười vì không vay một tỷ mua nhà Sài Gòn
- Hối hận vì chọn thuê nhà 3,5 triệu một tháng thay vì vay nợ mua nhà
- Mua 3 nhà Sài Gòn nhờ công thức vay ngân hàng 30%
- Vợ chồng tôi cho thuê nhà Hà Nội 400 m2 để về tỉnh sống sướng
- Bi kịch căn nhà dưỡng già đánh đổi cả đời