Ngày 24/5, bác sĩ Nguyễn Đức Phúc, Khoa Ung bướu Phụ khoa, Bệnh viện Phụ sản Hà Nội, cho biết kết quả siêu âm ghi nhận nhiều bất thường ở tử cung bệnh nhân, một phần của khối chửa trứng nằm ở vị trí sẹo mổ cũ. Bác sĩ chỉ định phẫu thuật cắt tử cung, bảo tồn hai buồng trứng.
Bác sĩ đánh giá khối chửa trứng "khổng lồ" rất hiếm gặp, xâm lấn các cơ quan xung quanh. Sau khi loại bỏ khối chửa thành công, bệnh nhân tiếp tục theo dõi đề phòng biến chứng.

Khối chửa trứng được bác sĩ mổ lấy ra thành công. Ảnh: Bệnh viện cung cấp
Chửa trứng là tình trạng thai nghén bất thường, trong đó một phần hay toàn bộ gai nhau bị thoái hóa thành các túi chứa dịch to, nhỏ, dính vào nhau thành từng chùm. Đa số trường hợp không có bào thai (thai trứng hoàn toàn), một số trường hợp có bào thai (thai trứng bán phần).
Khoảng 80% trường hợp thai trứng là lành tính, tuy nhiên quá trình tiến triển dễ xuất hiện các biến chứng rất nguy hiểm như băng huyết, thủng tử cung do trứng ăn sâu vào cơ tử cung, chảy máu ổ bụng thậm chí ung thư.
Hiện chưa xác định chính xác nguyên nhân gây ra hiện tượng này. Các yếu tố nguy cơ gây thai trứng như độ tuổi (thai phụ trên 40 tuổi thì nguy cơ chửa trứng tăng 5,2 lần so với thai phụ 21-35 tuổi); thiếu dinh dưỡng (đạm, vitamin A); miễn dịch cơ thể, khuyết tật về nhiễm sắc thể của trứng; bất thường ở tử cung. Thoạt đầu thai trứng khá giống một thai kỳ bình thường dẫn đến nhiều người chủ quan.
Chửa trứng được chẩn đoán xác định chủ yếu dựa vào siêu âm và xét nghiệm nồng độ Beta-hCG. Siêu âm có thể phát hiện sớm và dễ dàng tình trạng này, thường ở thai dưới 9 tuần.
Bệnh nhân chửa trứng, sau khi điều trị ổn định phải theo dõi sức khỏe trong hai năm. Trong thời gian này, cần có các biện pháp ngừa thai phù hợp, sẵn sàng cho lần mang thai sau.
Minh An