"Khi gặp vấn đề, tôi gọi cho Marco. Ông ấy sẽ giải quyết được rắc rối đó", Tổng thống Mỹ Donald Trump tuần trước phát biểu tại Vườn Hồng, Nhà Trắng, đề cập đến Ngoại trưởng Marco Rubio, một trong những trợ thủ thân tín nhất của ông hiện nay.
Trong cuộc phỏng vấn với NBC News phát sóng ngày 4/5, ông Trump cũng lần đầu tiên đề cập đến Rubio như một "ngôi sao" hàng đầu của đảng Cộng hòa có thể kế nhiệm mình dẫn dắt phong trào Làm nước Mỹ vĩ đại trở lại (MAGA).
Một "ngôi sao" khác được ông Trump nhắc đến là Phó tổng thống JD Vance. Tuy nhiên, trong cuộc phỏng vấn hồi tháng 2, Tổng thống Mỹ từng ca ngợi Vance là người "rất có năng lực", nhưng không nhất thiết coi Phó tổng thống là ứng viên kế nhiệm mình.
Giới quan sát cho rằng đây là dấu hiệu cho thấy ông Trump đang ngày càng coi trọng vai trò của Rubio trong chính quyền của mình. Điều này còn được thể hiện ở việc ông Trump gần đây giao cho Ngoại trưởng Rubio kiêm nhiệm nhiều vị trí quan trọng, như quyền lãnh đạo Cơ quan Lưu trữ Quốc gia, quyền lãnh đạo Cơ quan Phát triển Quốc tế Mỹ (USAID).
Điều này khác xa với những gì diễn ra cách đây ba tháng, khi Ngoại trưởng Rubio bị coi là một mắt xích yếu trong nhóm thân cận của Tổng thống Trump và phải đối mặt với nhiều đối thủ "sừng sỏ".
Vị thế của Rubio khi đó cũng không thuận lợi, bởi ông từng là đối thủ với ông Trump khi hai người cạnh tranh vị trí ứng viên tổng thống đảng Cộng hòa trong cuộc bầu cử sơ bộ hồi năm ngoái. Rubio cũng từng có những khác biệt lớn về quan điểm chính sách với chính ông chủ Nhà Trắng và phong trào MAGA ủng hộ Tổng thống.

Ngoại trưởng Mỹ Marco Rubio tại Paris, Pháp, hôm 17/4. Ảnh: Reuters
Nhưng hình ảnh của Rubio đã thay đổi trong mắt Tổng thống Trump khi ông từ bỏ nhiều quan điểm trước đây, lên tiếng bảo vệ một số chính sách cứng rắn nhất mà ông chủ Nhà Trắng theo đuổi, đồng thời duy trì mối quan hệ hợp tác tốt đẹp với những người được Tổng thống tin tưởng.
Sau khi được bổ nhiệm làm Ngoại trưởng, Rubio đã từng bước giành được niềm tin của Tổng thống Trump. Ông Trump dần coi cựu thượng nghị sĩ Florida là người có thể giải quyết những thách thức lớn và không ngừng mở rộng vai trò, ảnh hưởng của Rubio, đặc biệt là trong nỗ lực tinh giản USAID vốn gây nhiều tranh cãi.
Sau khi Rubio đưa ra những phát biểu và động thái quyết liệt trong việc cắt giảm nhân sự, chương trình của USAID và sáp nhập cơ quan này vào Bộ Ngoại giao, niềm tin của ông Trump vào Ngoại trưởng của mình lớn đến mức Rubio gần đây được trao một chức vụ quyền lực khác là Cố vấn An ninh Quốc gia, thay thế Mike Waltz, người được cho là đã khiến ông Trump tức giận vì thể hiện quan điểm thúc đẩy Mỹ tấn công Iran.
"Rubio nhận công việc và biết chính xác mình sẽ làm gì", thượng nghị sĩ Cộng hòa James Risch, chủ tịch Ủy ban Đối ngoại Thượng viện, nhận xét. "Khi bạn nhận công việc như vậy, bạn phải cam kết thực hiện những gì cấp trên muốn và Rubio thực sự có khả năng làm được điều đó".
Theo giới quan sát, đà vươn lên mạnh mẽ của Ngoại trưởng Rubio sẽ là bài học quý giá với những quan chức khác đang nỗ lực khẳng định mình dưới chính quyền Trump, người từng thay đổi nhân sự rất chóng vánh trong nhiệm kỳ đầu tiên. Bài học đó là im lặng khi cần, nhưng phải lên tiếng quyết liệt khi bảo vệ quan điểm của Tổng thống.
Những người chỉ trích cho rằng Ngoại trưởng Rubio đang vươn lên với một cái giá rất đắt khi phải từ bỏ các chính sách mà ông đã ủng hộ từ lâu. Một số người nói ông đã trở thành "cái bóng của Tổng thống Trump" với rất ít thực quyền trong tay.
Nhưng theo những người ủng hộ Ngoại trưởng Mỹ, ông là một chính trị gia khéo léo, linh hoạt, có giác quan chính trị nhạy bén, người đã đạt được nhiều đỉnh cao trong sự nghiệp, trong đó có việc giữ chức chủ tịch Hạ viện bang Florida khi mới 35 tuổi, cũng như đảm nhiệm nhiều vị trí quan trọng trong các ủy ban tình báo và quan hệ đối ngoại Thượng viện Mỹ.
Khi gia nhập chính quyền Trump, Rubio đối mặt với nhiều đối thủ tiềm năng. Nhóm thân cận của Tổng thống Mỹ có nhiều gương mặt quyền lực về chính sách đối ngoại, như đặc phái viên Steve Witkoff, Giám đốc Tình báo Quốc gia Tulsi Gabbard, Phó tổng thống Vance hay Chánh văn phòng Nhà Trắng Susie Wiles.
Theo một cựu quan chức chính quyền, tất cả những người này đều có tầm ảnh hưởng lớn hơn chức danh của họ. Nhưng Rubio đã giành được sự ủng hộ của ông Trump nhờ không quá bảo thủ và có thể làm việc với tất cả những người này, thậm chí có ảnh hưởng mạnh mẽ hơn họ.
Ví dụ, ông vẫn là tiếng nói chính của Mỹ về chính sách với Iran, mặc dù đặc phái viên Witkoff là người phụ trách trong vấn đề này, theo một quan chức Mỹ giấu tên.
Ông thân thiết với bà Wiles, người được mệnh danh là "bà đầm băng giá" đến từ Florida. Theo hai nguồn tin thân cận với Nhà Trắng, hai người vẫn giữ liên lạc chặt chẽ, thường xuyên thảo luận các vấn đề quan trọng.
Nhưng Rubio cũng sẵn sàng thể hiện sức mạnh và quyền lực khi cần. Ngoại trưởng Rubio đã sa thải Pete Marocco, gương mặt được nhóm MAGA yêu thích, người giám sát quá trình giải thể USAID, trong bối cảnh hai người xảy ra một số bất đồng về chính sách và Marocco đối mặt với các khiếu nại về hành động không chuẩn mực tại nơi làm việc.
Rubio cũng đã thành công trong việc phản đối yêu cầu cắt giảm nhanh chóng và triệt để ngân sách Bộ Ngoại giao mà Elon Musk, người phụ trách Ban Hiệu suất Chính phủ (DOGE), đưa ra. Ngoại trưởng Mỹ thậm chí nhận được ủng hộ từ Tổng thống trong vấn đề này, mặc dù ông Trump trước đây thường xuyên đứng về phía Musk.
Theo các nhà quan sát, Rubio từng chứng kiến những hỗn loạn xảy ra với USAID khi nhóm DOGE thực hiện các bước quyết liệt nhằm cắt giảm quy mô cơ quan này. Ngoại trưởng Mỹ quyết định không ngăn chặn hành động của DOGE với USAID, nhưng ông không muốn những hỗn loạn đó xảy ra tại Bộ Ngoại giao, theo một quan chức chính quyền Trump thân cận với Ngoại trưởng.
Vì vậy, dù ông đã công bố các khoản cắt giảm lớn và kế hoạch tái cấu trúc cho Bộ Ngoại giao, các động thái này diễn ra có trật tự và có mục tiêu hơn những gì DOGE làm với USAID.
Ngoại trưởng Rubio cũng chiếm được cảm tình từ Tổng thống Trump khi tích cực áp dụng nhiều chính sách của ông chủ Nhà Trắng, ngay cả khi chúng xung đột với những quan điểm trước đây mà ông bảo vệ.
Cựu thượng nghị sĩ Florida từng thúc đẩy các chương trình nhân quyền và dân chủ ở nước ngoài. Nhưng phong trào MAGA của Tổng thống Trump lại cho rằng những dự án như vậy lãng phí tiền bạc và không mang lại lợi ích cho nước Mỹ. Giờ đây, ông đang loại bỏ nhiều chương trình hướng tới mục tiêu đó.
Ngoại trưởng Rubio từng nhấn mạnh nhu cầu hỗ trợ Ukraine, nhưng kể từ khi nhậm chức Ngoại trưởng, ông đã điều chỉnh lập trường cũ, khi gây sức ép buộc Ukraine phải đạt thỏa thuận hòa bình với Nga.

Ông Rubio (trái) ngồi cạnh Tổng thống Trump trong một cuộc họp nội các ở Nhà Trắng hôm 30/4. Ảnh: AP
Ông cũng cố gắng thu hút ủng hộ từ phong trào MAGA, thường xuyên xuất hiện trong các chương trình trò chuyện do những người có ảnh hưởng được MAGA yêu thích tổ chức.
"Về cơ bản, ông ấy đã thay đổi quan điểm chính sách đối ngoại của mình để phục vụ chính quyền Trump", Aaron David Miller, chuyên gia cấp cao tại Quỹ Carnegie vì Hòa bình Quốc tế, trụ sở tại Washington, đánh giá.
Dù vậy, những người ủng hộ Ngoại trưởng Rubio cho biết quan điểm của ông đã thay đổi từ trước khi ông gia nhập nội các. Rubio cũng từng nêu rõ lập trường rằng ông sẽ thực hiện tầm nhìn mà Tổng thống đưa ra, không phải tầm nhìn của bản thân.
"Trong nền cộng hòa của chúng ta, cử tri quyết định đường lối quốc gia, cả trong và ngoài nước. Cử tri đã bầu ông Trump làm tổng thống, với một nhiệm vụ rất rõ ràng trong chính sách đối ngoại, đó là thúc đẩy lợi ích quốc gia", ông tuyên bố trong phát biểu nhậm chức.
Ngoại trưởng Rubio, người có cha mẹ đều là dân nhập cư gốc Cuba, còn nhiệt tình thực hiện các chính sách chống nhập cư mà Tổng thống Trump ban hành, trong đó có việc ký quyết định thu hồi nhiều thị thực của sinh viên quốc tế và triển khai chiến dịch đưa người nhập cư trái phép tới "siêu nhà tù" ở El Salvador.
Trong cuộc họp nội các hôm 30/4, khi được hỏi liệu ông có yêu cầu El Salvador trao trả người đàn ông mà Bộ Tư pháp Mỹ đã thừa nhận là bị trục xuất nhầm hay không, Ngoại trưởng Rubio cho biết "quyền thực hiện chính sách đối ngoại của chúng ta thuộc về Tổng thống và nhánh hành pháp, chứ không phải thẩm phán".
Bình luận của ông rõ ràng nhằm phản bác lại yêu cầu từ thẩm phán liên bang Paula Xinis về việc yêu cầu chính quyền Trump đưa Kilmar Abrego Garcia, người nhập cư bị trục xuất nhầm hồi tháng ba tới El Salvado, trở về Mỹ.
Với việc ông Rubio được ông Trump giao đảm nhiệm cả vai trò Ngoại trưởng và Cố vấn An ninh Quốc gia trong ít nhất 6 tháng tới có thể là một thách thức lớn. Vai trò Ngoại trưởng đòi hỏi ông thường xuyên phải đi công du nước ngoài, trong khi nhiệm vụ của Cố vấn An ninh Quốc gia là thường xuyên ở bên cạnh Tổng thống và giám sát Hội đồng An ninh Quốc gia.
"Rất khó để làm hai việc đó cùng lúc", một cựu quan chức ngoại giao Mỹ cho hay.
Trước ông Rubio, người duy nhất kiêm nhiệm hai vị trí này là Henry Kissinger. Tuy nhiên, mọi chuyện cũng không thật sự suôn sẻ với Kissinger khi cùng lúc giữ hai chức vụ quan trọng như vậy.
"Những người ở Bộ Quốc phòng và các cơ quan về an ninh quốc gia khác nghĩ rằng thật không công bằng khi mọi thứ đều hướng về Kissinger vì ông ấy giữ hai ghế", John Bolton, cựu cố vấn an ninh quốc gia Mỹ, người từng xảy ra bất hòa với Tổng thống Trump, nói. "Đó là một phần lý do khiến áp lực với tổng thống Gerald Ford ngày càng tăng và cuối cùng dẫn tới quyết định tách hai vai trò ra, đưa trật tự trở lại ban đầu".
Vũ Hoàng (Theo Politico, AFP, Reuters)