Theo báo cáo mới của Bộ Tư pháp Mỹ, băng đảng Sinaloa, từng do trùm Joaquín "El Chapo" Guzmán cầm đầu, đã thuê tin tặc xâm nhập điện thoại của một trợ lý tùy viên pháp lý của FBI (ALAT) làm việc tại Đại sứ quán Mỹ ở thủ đô Mexico City, từ đó có thể trích xuất một lượng thông tin đáng báo động giúp tội phạm trực tiếp tìm đến những người cung cấp thông tin cho chính phủ.
Theo Reuters, cuộc điều tra gần đây của FBI về cách thức cơ quan này có thể chống lại các mối đe dọa công nghệ mới đã tiết lộ hoạt động tấn công mạng này.
Báo cáo cho biết, tin tặc có thể xâm nhập hồ sơ điện thoại của đặc vụ từ xa và theo dõi các cuộc gọi đến và đi của họ, thậm chí giám sát vị trí địa lý của điện thoại. Sau khi có được dữ liệu đó, tin tặc truy cập vào hệ thống camera giám sát đường phố ở Mexico City để theo dõi xem đặc vụ gặp gỡ người nào.
"Băng đảng này đã sử dụng thông tin đó để đe dọa, và trong một số trường hợp, sát hại các nguồn tin tiềm năng hoặc các nhân chứng hợp tác với chính quyền", báo cáo viết.
Hiện chưa rõ có bao nhiêu người cung cấp thông tin đã bị tổn hại bởi hoạt động tấn công mạng này hay ai là đặc vụ FBI ở trung tâm của vụ việc.

Ông trùm El Chapo vẫn bị giam giữ tại Mỹ sau khi bị bắt và dẫn độ vào năm 2017. Ảnh: AFP
Những phát hiện này phản ánh rõ cách các băng đảng ma túy đang sử dụng công nghệ tiên tiến để đi trước lực lượng thực thi pháp luật. Cuộc điều tra của FBI cảnh báo rằng các công nghệ mới đã giúp tổ chức tội phạm xác định và khai thác các lỗ hổng dễ dàng hơn bao giờ hết.
Cơ sở hạ tầng giám sát công cộng kết hợp với dữ liệu di động khiến việc thực hiện các hoạt động bí mật ở nước ngoài ngày càng khó khăn, đặc biệt là đối với các đặc vụ phụ thuộc vào người cung cấp thông tin để tiếp cận mục tiêu.
FBI cho biết đang soạn thảo một kế hoạch để lấp những lỗ hổng an ninh nghiêm trọng này, bao gồm việc đào tạo thêm cho các đặc vụ.
Sự việc xảy ra trong khi cảnh sát Mexico đang cố hết sức để bắt kịp tội phạm. Cuối tháng 6, tại bang Chiapas, cảnh sát đã đưa vào sử dụng máy bay không người lái có vũ trang để tấn công các băng đảng tranh giành tuyến đường buôn lậu dọc biên giới Guatemala.
Trong khi đó, thế hệ trùm ma túy trẻ tuổi, am hiểu công nghệ đang tăng cường các chiến thuật hiện đại như rửa tiền điện tử và giám sát tiên tiến.
Derek Maltz, cựu giám đốc Lực lượng Chống Ma túy (DEA), cho biết: "Các băng đảng ma túy điều hành một tổ chức toàn cầu trị giá hàng tỷ USD và sử dụng công nghệ tiên tiến để nâng cao hoạt động kinh doanh. Họ sử dụng các kỹ thuật giám sát hiện đại để xác định các hoạt động của lực lượng thực thi pháp luật và phía kẻ thù".
Cuộc chiến chống ma túy kéo dài ở Mexico vẫn chưa thấy hồi kết. Hơn 400.000 người đã thiệt mạng kể từ khi chính phủ lần đầu tuyên chiến với các băng đảng vào năm 2006, và hàng chục nghìn người khác đã biến mất không dấu vết. Bất chấp các vụ bắt giữ thủ lĩnh cấp cao và đàn áp của quân đội, các băng đảng như Sinaloa và Jalisco New Generation vẫn tiếp tục mở rộng phạm vi hoạt động, cả trong nước và xuyên biên giới.
Ở Mỹ, chính quyền nhiều lần buộc tội các băng đảng Mexico gây ra cuộc khủng hoảng fentanyl, làm gia tăng kỷ lục số ca tử vong do dùng thuốc quá liều. Họ dán nhãn các tổ chức này là "tổ chức khủng bố nước ngoài", đồng thời tăng cường nỗ lực làm tê liệt tài chính và chuỗi cung ứng của chúng.
Tuệ Anh (Theo Nypost, Sun)