Tôi hỏi thăm mấy đứa nhỏ học cấp 2, cấp 3, hỏi các con còn học môn giáo dục công dân không, chúng nói có, vẫn "ra đường gặp người lớn con phải làm gì". Thế là mọi thứ vẫn khá giáo điều, công thức như hàng chục năm về trước. Trong khi đó, công dân hiện nay, đặc biệt các công dân tuổi học sinh, trong thời đại 4.0, AI, tiếp cận công nghệ và phương tiện di chuyển cá nhân hàng ngày, lại có nhiều thứ khác để "giáo dục công dân", hơn là những tiêu chuẩn đạo đức đơn thuần và sách vở.
Luật giao thông hiện nay cũng được các trường đưa vào, trong các chương trình ngoại khóa, trong các tiết học nhỏ nhưng cũng nằm ở mức "cưỡi ngựa xem hoa". Trong khi đó, học sinh đi xe máy điện khá nhiều. Có lần, tôi thấy CSGT ra quân xử lý học sinh đi xe máy điện không đội mũ bảo hiểm ở các cổng trường nơi tôi sống. Quan sát nhanh phải đến hơn 90% các cháu không đội mũ bảo hiểm.
Luật giao thông liên quan trực tiếp tới an toàn, sức khỏe của các cháu. Vậy nên tôi đề xuất rút bớt thời lượng dạy đạo đức một cách sách vở xuống. Thay vào đó là môn An toàn giao thông. Có học, thi đàng hoàng. Bạn nào muốn đi xe gắn máy xăng, điện thì phải đủ 16 tuổi và có chứng chỉ do CSGT phối hợp với trường sát hạch, cấp.
Điều này không chỉ giúp các học sinh tự bảo vệ chính mình bằng cách tuân thủ giao thông đúng luật, đồng thời cùng cha mẹ người lớn tạo nên một môi trường giao thông văn minh an toàn cho tương lai.
Đã nhiều ước mơ của các em học sinh phải dừng lại ngoài đường, không phải vì các em cố tình vi phạm, chỉ là vì các em không biết nên đi thế nào cho đúng, cho an toàn. Tuổi học sinh thường vô tư, không biết sợ, khi được giao vào tay các phương tiện, dù là xe gì các em cũng chỉ biết khiến nó chuyển động nhưng nếu các em biết rõ luật, biết sợ việc đi sai làn đường phần đường, khi nào nên đi tiếp, khi nào nên dừng lại nhường đường, đường nào được đi đường nào bị cấm... sẽ giúp các em chú ý quan sát và tự tin hơn. Đặc biệt, việc biết rõ luật các em còn có thể nhắc nhở một số người lớn những người cố tình vi phạm luật.
Độc giả Vũ Vũ