Sau khi làm thủ tục dự thi, ông đưa con đến Đại nội Huế, định mua vé vào tham quan di tích này. Nhưng tiền vé vào Đại nội lúc đó là 35.000 đồng/người, vượt quá khả năng chi trả của cha con ông, nên ông đưa ra phương án: mua một vé để con vào cho biết vua quan nhà Nguyễn ăn ở, làm việc thế nào. Còn ông đứng ngoài. Cô con gái không chịu, nói với bố rằng không vào dịp này thì còn dịp khác. Cuối cùng hai bố con họ lặng lẽ rời khu di tích. Cung điện cổ kính, thâm nghiêm vẫn là điều bí ẩn với họ.
Câu chuyện này đăng trên báo Tuổi trẻ, với tiêu đề Tần ngần trước cổng di sản. Bài viết kể thêm, khi trò chuyện với tác giả, ông Dũng nói: "Bố con tôi đang ở trên mảnh đất cố đô, trước mặt là di sản văn hóa thế giới. Lỡ đợt thi này con gái tôi không đỗ, rồi về quê lấy chồng, sinh con, thế là có khi cả đời cũng không biết đến di tích cung điện Huế".
Ông Dũng sau đó trở về phòng trọ của hai cha con ở Huế, mang theo nỗi day dứt và sự thương cảm với con gái.
Bài báo trở thành câu chuyện nhớ lâu với tôi, bởi nhiều lẽ, tôi sinh ra ở Huế, cả đời gắn bó với các di sản, và hơn ai hết, tôi cũng nhận thấy, giá vé tham quan các di tích lịch sử - văn hóa, danh lam thắng cảnh ở Việt Nam vẫn quá cao so với thu nhập của đa số người dân.
Campuchia, nước láng giềng, có GDP và thu nhập bình quân đầu người thấp hơn Việt Nam, lại không hề thu phí tham quan ở bất kỳ di tích lịch sử, danh lam thắng cảnh nào đối với người dân nước họ.
Năm 2004, khi tham quan di tích Angkor Wat ở Siam Reap, tôi được yêu cầu trả 20 USD tiền vé cho một ngày, hoặc 45 USD cho ba ngày khám phá di sản văn hóa nổi tiếng thế giới này (do quần thể Angkor Wat - Angkor Thom rất rộng, phải tham quan ba ngày mới hết, nên Ban Quản lý có chính sách giảm giá vé gộp ba ngày). Và tôi đã trả 45 USD để tìm hiểu quần thể Angkor.
Trong khi đó, người dân Campuchia tự do ra vào khu di sản. Khi tôi hỏi nhân viên kiểm soát vé ở lối vào khu đền tháp Angkor: "Người Campuchia không phải mua vé tham quan Angkor Wat à?", anh ấy trả lời: "Vì sao người Campuchia phải trả tiền để vào thăm di sản do tiền nhân của họ tạo dựng? Người Campuchia không phải trả tiền khi thăm viếng bất kỳ di tích lịch sử văn hóa, danh lam thắng cảnh nào ở Campuchia, chứ không phải chỉ riêng khu đền tháp Angkor?".
Tháng 6/2025, tôi sang Hàn Quốc dự hội thảo "Văn hóa và nghệ thuật cung đình ở các nước Đông Á", do Hội Lịch sử Nghệ thuật Quốc gia Hàn Quốc tổ chức. Trong mấy ngày ở Seoul, tôi đi thăm viếng nhiều sử tích, danh thắng, di sản văn hóa ở Seoul và phụ cận.
Điều khiến tôi ngạc nhiên là thu nhập của người dân Hàn Quốc rất cao so với người dân Việt Nam, giá cả tiêu dùng ở Hàn Quốc khá đắt đỏ, nhưng giá vé vào tham quan các di tích, bảo tàng, điểm du lịch ở đây rất thấp.
Giá vé vào thăm các di sản nổi tiếng như Kyongbokgung, Changdoekgung... chỉ 3.000 won (khoảng 57.000 đồng) đối với người lớn (học sinh/sinh viên được giảm 50%; trẻ em và người trên 65 tuổi được miễn phí). Giá vé vào thăm Bảo tàng Cố cung và Bảo tàng Quốc gia Hàn Quốc ở Seoul cũng chỉ 2.000 won (khoảng 38.000 đồng). Nhiều bảo tàng, công viên văn hóa, danh lam thắng cảnh ở Seoul và nhiều nơi khác ở Hàn Quốc mà tôi từng đến thăm trước đây thì mở cửa miễn phí cho du khách trong và ngoài nước tham quan, thưởng ngoạn.
Trong khi đó, giá một lon bia mua ở siêu thị hay ở những máy bán hàng tự động tại Hàn Quốc là 4.500 won (khoảng 85.000 đồng), đắt gấp rưỡi giá vé vào thăm cung điện của vương triều Joseon, di sản thế giới nổi tiếng của Hàn Quốc ở Seoul.
Trở lại Huế ít ngày sau chuyến đi Hàn Quốc, tôi đưa mấy người bạn đến từ Sài Gòn đi thăm Đại nội và một số lăng tẩm ở Huế. Chúng tôi gồm 5 người, mua vé vào thăm Đại nội tốn một triệu đồng (200.000 đồng/người); mua vé vào thăm các lăng vua: Gia Long, Minh Mạng và Khải Định, tốn thêm hai triệu đồng (lăng Minh Mạng và lăng Khải Định giá vé 150.000 đồng/người; lăng Gia Long giá vé 100.000 đồng/người Việt Nam, 150.000 đồng/người nước ngoài). Tổng chi cho tiền vé tham quan bốn di tích ở Huế trong một ngày cho 5 người chúng tôi là ba triệu đồng, bằng một nửa thu nhập trung bình của người Việt Nam trong một tháng.
Trong khi đó, giá một lon bia Huda ở Huế là 12.000 đồng. Vậy nên, khi trả tiền ăn tối trong nhà hàng ở Huế sau một ngày tham quan các di sản văn hóa ở cố đô, bạn tôi nói: "Tiền vé tham quan bốn di tích hôm nay tương đương ba bữa ăn ngon - lành - bổ của 5 người mình tối nay. Nếu nhậu ở vỉa hè, thì tiền vé đó trả đủ cho cả chục bữa nhậu. Thôi, bữa nay tới Huế thì ăn nhậu cho rẻ, thay vì đi tham quan, vì giá vé vô di tích đắt quá".
Tôi nghe mà chạnh lòng.
Giá vé tham quan cao có thể là một trong những nguyên nhân cản trở người dân tiếp cận với di sản văn hóa do tiền nhân để lại, khiến họ có ít cơ hội tìm hiểu lịch sử, hiểu biết các giá trị văn hóa, nghệ thuật, khoa học ẩn tàng trong những di sản này, và làm cho tình yêu di sản văn hóa của công chúng trở nên đắt đỏ một cách không cần thiết.
Trần Đức Anh Sơn