Trước thềm Diễn đàn Hợp tác Kinh tế châu Á - Thái Bình Dương APEC 2027, Phú Quốc ghi nhận làn sóng đầu tư hạ tầng với tổng vốn hàng trăm nghìn tỷ đồng. Các dự án trải dài từ giao thông, cấp nước, xử lý chất thải đến du lịch - nghỉ dưỡng, tài chính, y tế chất lượng cao. Đây là bước chuẩn bị cho APEC đồng thời là nền tảng để Phú Quốc vươn lên thành trung tâm kinh tế biển sáng tạo, đô thị sinh thái đẳng cấp quốc tế trong giai đoạn hậu sự kiện.
Trong đó, công trình trọng điểm là dự án mở rộng Cảng hàng không quốc tế Phú Quốc do Sun Group đầu tư, với vốn gần 22.000 tỷ đồng. Dự án xây dựng hai đường băng, nhà ga lấy cảm hứng từ phượng hoàng và khu vực VVIP dành cho nguyên thủ, nâng công suất lên 20 triệu hành khách mỗi năm vào 2027. Hệ thống vận hành hiện đại giúp rút ngắn thủ tục chỉ còn 15-20 giây mỗi hành khách.

Phối cảnh cảng hàng không quốc tế Phú Quốc cảm hứng từ chim phượng hoàng. Ảnh: Sun Group
Cùng với đó, khu tổ hợp đa chức năng phục vụ APEC được xây dựng với Trung tâm Hội nghị và Triển lãm quy mô 10.000 m2, sức chứa tới 15.000 người. Tổ hợp còn bao gồm trung tâm báo chí quốc tế có thể tiếp nhận 4.000 phóng viên, đáp ứng sự kiện cấp nhà nước, tạo nền tảng để Phú Quốc phát triển du lịch MICE dài hạn.
Để đồng bộ hạ tầng, trung ương đầu tư 70% vốn cho hàng loạt công trình dân sinh. Hai hồ chứa nước ngọt Cửa Cạn và Dương Đông 2 (mỗi hồ 7,5 triệu m3) đảm bảo cấp nước ổn định 86.000 m3 mỗi ngày. Tuyến đường tỉnh ĐT 975 dài 20 km, hệ thống tàu điện đô thị và mạng lưới xử lý rác, nước thải được quy hoạch tại Bãi Bổn, An Thới, Dương Đông... theo định hướng "đô thị đảo xanh - sạch - hiện đại".

Phối cảnh khu tổ hợp hội nghị, nghỉ dưỡng với tòa tháp 220 m. Ảnh: Sun Group
Song song các dự án phục vụ APEC, giới đầu tư tư nhân cũng tích cực đổ vốn, với hàng loạt công trình điểm nhấn được triển khai. Tiêu biểu là Aspira Tower - tòa tháp 220 m tọa lạc tại đảo Hòn Thơm do Sun Group phát triển, lấy cảm hứng từ cánh buồm vươn khơi. Dự án 13.000 tỷ đồng tích hợp khách sạn 5 sao The Luxury Collection, sky-bar, bể bơi vô cực và tổ hợp giải trí, dự kiến hoàn thành năm 2027.
Cũng tại Hòn Thơm, khu nghỉ dưỡng all-inclusive (du lịch nghỉ dưỡng trọn gói) đầu tiên Đông Nam Á mang thương hiệu Rixos đang được triển khai. Khu nghỉ có gần 2.000 phòng, gồm biệt thự biển và suite cao cấp, cùng tòa tháp Nam Phương Palace lấy cảm hứng từ chiếc nón của Nam Phương Hoàng hậu, mang đến trải nghiệm nghỉ dưỡng hoàng gia.

Phối cảnh công trình phục vụ nghỉ dưỡng ven biển. Ảnh: Sun Group
Tại khu Thị trấn Hoàng Hôn, Bệnh viện Mặt Trời Phú Quốc đang được phát triển theo tiêu chuẩn quốc tế. Bệnh viện gồm 6 tầng tích hợp nhiều chuyên khoa từ tim mạch, đột quỵ đến thẩm mỹ và hồi sức cấp cứu. Dự án được kỳ vọng là điểm đến y tế cao cấp phục vụ cư dân và du khách quốc tế.
Theo quy hoạch, đặc khu Phú Quốc bao gồm các phường Dương Đông, An Thới và các xã Dương Tơ, Hàm Ninh, Cửa Dương, Bãi Thơm, Gành Dầu, Cửa Cạn - quy mô hơn 570 km2. Với địa hình rừng nguyên sinh, biển xanh ngọc và khí hậu nắng ấm quanh năm, Phú Quốc được truyền thông quốc tế ví như "hòn đảo tuyệt vời thứ hai thế giới" sau Maldives.

Phối cảnh khu nghỉ dưỡng lấy cảm hứng từ Nam Phương Hoàng hậu. Ảnh: Sun Group
6 tháng đầu năm 2025, Phú Quốc đón gần 4,5 triệu lượt khách, trong đó gần 900.000 lượt quốc tế, doanh thu ước đạt hơn 21.500 tỷ đồng - tăng gần gấp đôi cùng kỳ. Đô thị đảo đang dần hình thành một hệ sinh thái nghỉ dưỡng, tài chính, y tế, giáo dục mang tính toàn cầu, đồng thời mở ra cơ hội lớn cho những nhà đầu tư nhìn xa, đón đầu làn sóng phát triển hậu APEC.
Hoài Phương