New York trở thành bang lớn nhất của Mỹ cấm học sinh sử dụng điện thoại thông minh trong các trường công lập. Từ mùa thu năm 2025, gần 2,5 triệu học sinh từ mẫu giáo đến lớp 12 tại đây sẽ không được phép dùng điện thoại trong giờ học, bao gồm cả giờ ăn trưa và giờ giải lao, trừ khi được giáo viên cho phép.
Theo Báo cáo Giám sát Giáo dục Toàn cầu (GEM) năm 2023, 24% trong số 211 hệ thống giáo dục được khảo sát đã ban hành lệnh cấm điện thoại trong trường học. Đến tháng 7/2024, tỷ lệ này đã tăng lên 31% và nhiều quốc gia khác đang cân nhắc áp dụng lệnh cấm trên toàn quốc.

Một em học sinh đang sử dụng điện thoại thông minh trong lớp. Ảnh: Alamy
Chính sách cấm điện thoại ở các nước
Mỗi quốc gia có cách tiếp cận khác nhau đối với quy định này. Pháp cấm học sinh sử dụng điện thoại di động trong trường học để giảm sự xao nhãng (trừ học sinh khuyết tật). Bangladesh cấm giáo viên và học sinh mang điện thoại vào lớp, trong khi Uzbekistan yêu cầu học sinh tắt điện thoại trước giờ học và chỉ được sử dụng trong trường hợp khẩn cấp.
Tại Scotland và Hà Lan, điện thoại chỉ được dùng cho mục đích giáo dục. Tháng 11/2023, chính phủ Hà Lan công bố kế hoạch mở rộng lệnh cấm điện thoại tới cả trường tiểu học và trường đặc biệt.
Tây Ban Nha đã có động thái đáng kể khi khuyến nghị cấm điện thoại ở trường tiểu học và giới hạn sử dụng tại trường trung học cho mục đích sư phạm hoặc y tế. Cơ quan Bảo vệ Dữ liệu Tây Ban Nha cũng cảnh báo về việc sử dụng điện thoại và máy tính bảng cá nhân cho mục vụ giáo dục. Thụy Điển cấm học sinh từ lớp 1 đến lớp 9 dùng điện thoại trong giờ học và giờ giải lao. Bộ Giáo dục nước này cũng sẽ thay thế thiết bị kỹ thuật số bằng sách in.
Tại Anh, sau cuộc điều tra của quốc hội, Bộ Giáo dục ban hành hướng dẫn khuyến khích hiệu trưởng cấm điện thoại cả ngày học để tăng cường sự tập trung và giảm bắt nạt mạng. Hướng dẫn này cũng khuyến nghị thu giữ hoặc lưu trữ an toàn thiết bị.
Các nước như Bulgaria, Hy Lạp, Latvia, Bồ Đào Nha, Thụy Sĩ và Thổ Nhĩ Kỳ cũng áp dụng lệnh hạn chế một phần hoặc toàn bộ điện thoại trong trường học, thường đi kèm hướng dẫn về thời gian sử dụng màn hình và chính sách hạn chế mạng xã hội.
Hôm 10/7, đại diện Sở Giáo dục và Đào tạo TP HCM cũng dự kiến cấm học sinh sử dụng điện thoại ở trường, kể cả trong giờ ra chơi, trừ khi giáo viên cho phép, bắt đầu từ năm học 2025-2026.
Cấm hay không cấm: Bằng chứng nói gì?
Báo cáo GEM 2023 khẳng định công nghệ chỉ nên được sử dụng trong môi trường sư phạm nếu thực sự nâng cao chất lượng học tập. Việc lạm dụng hoặc sử dụng sai cách sẽ khiến học sinh mất tập trung. Một nghiên cứu ở 14 quốc gia chỉ ra rằng việc loại bỏ điện thoại tại Bỉ, Tây Ban Nha và Anh đã giúp cải thiện kết quả học tập, đặc biệt với những học sinh có thành tích dưới trung bình.
Ngoài ra, nhiều phụ huynh và giáo viên lo ngại về quyền riêng tư và sức khỏe tâm thần của học sinh. Báo cáo GEM nhấn mạnh mạng xã hội ảnh hưởng tiêu cực đến sức khỏe tâm thần và củng cố định kiến giới tính.
Báo cáo còn trích dẫn nghiên cứu nội bộ của Facebook cho thấy 32% bé gái tuổi teen cảm thấy không hài lòng về cơ thể mình sau khi dùng Instagram. TikTok cũng bị chỉ trích vì thuật toán liên tục đề xuất các nội dung liên quan đến hình thể và rối loạn ăn uống.
Các nghiên cứu cho thấy trẻ em gái bắt đầu sử dụng mạng xã hội từ khoảng 10 tuổi có nguy cơ gặp vấn đề về cảm xúc và giao tiếp xã hội khi lớn lên, một xu hướng không rõ rệt ở bé trai.
Một nghiên cứu tại Anh chỉ ra rằng trẻ có sức khỏe cảm xúc tốt sẽ học tập tiến bộ và năng động hơn ở bậc trung học.
Cuối cùng, điện thoại và mạng xã hội còn là môi trường phát sinh các vấn đề về hành vi và kỷ luật. Nạn bắt nạt trực tuyến (cyberbullying) trở nên phổ biến hơn, gây tổn thương sâu sắc đến tâm lý nạn nhân và làm xấu đi môi trường học tập. Việc lén lút sử dụng thiết bị trong giờ học, quay phim chụp ảnh hoặc chia sẻ thông tin không phù hợp cũng làm suy yếu sự tôn trọng kỷ luật và ảnh hưởng đến mối quan hệ giữa học sinh với giáo viên, bạn bè.
Thục Linh (Theo Europe News, Unesco World Education Blog)