Chúng tôi đang ngồi với bà giữa "Thủ phủ YouTube" Phúc Yên - một xã vùng cao hẻo lánh của huyện Lâm Bình, tỉnh Tuyên Quang - nay bỗng trở thành làng YouTuber. Giữa bạt ngàn núi non trùng điệp, nơi thời gian dường như trôi đi chậm chạp, tách biệt với thế giới số, một cuộc cách mạng thầm lặng đang diễn ra. Tại đây, những chiếc điện thoại thông minh và kết nối internet đã mở ra một cánh cửa làm giàu đầy bất ngờ cho đồng bào dân tộc thiểu số, biến những con người gắn bó với nương rẫy, suối nguồn thành người kể chuyện về núi rừng.
Phúc Yên có vẻ đẹp hùng vĩ, kỳ bí, với những dãy núi điệp trùng, những dòng suối trong veo len lỏi qua khe đá, và những cánh rừng nguyên sinh ôm ấp lấy bản làng. Nơi đây là mái nhà của đồng bào Tày, Dao đa sắc với những điệu Then, Sli, những bộ trang phục thổ cẩm, hay những nghi lễ cổ truyền linh thiêng như cúng thần rừng, lễ cấp sắc, gọi vía...
Khi thời đại 4.0 "gõ cửa" từng nếp nhà sàn, YouTube, TikTok, những nền tảng tưởng chừng chỉ dành cho phố thị, len lỏi vào từng ngõ ngách, mang theo cơ hội tiếp cận thế giới rộng lớn. Cũng từ đó, những thước phim chân thực về cuộc sống thường nhật, về vẻ đẹp hoang sơ của núi rừng, nét độc đáo trong văn hóa vùng cao trở nên hấp dẫn người xem. Dân bản cũng biết cách hợp tác với các kênh YouTube đã có tiếng tăm, sử dụng tên miền nước ngoài để tăng cơ hội tiếp cận khán giả quốc tế vì lượt xem từ nước ngoài thường mang lại doanh thu cao hơn.
Những câu chuyện thành công như cổ tích dần được viết nên. Triệu Mạnh Dương với kênh "Lý Thị Ca" thu hút gần triệu rưỡi người theo dõi, đưa người xem khám phá những bản làng bình dị, những phiên chợ rực rỡ. Triệu Huy Đường, với kênh "Kỹ năng nguyên thủy" có hai triệu followers, lại dẫn dắt khán giả vào thế giới của những kỹ năng sinh tồn giữa thiên nhiên hoang dã. Những chiếc nút bạc, nút vàng bắt đầu dày lên trên vách các nhà sàn.
Chúng tôi vẫn nhớ gương mặt của ông Triệu Tòn Nải, sáu mươi tuổi, người Dao Đỏ thôn Khau Cau, từng chỉ biết đến nương rẫy và con trâu, khi say sưa kể về những video hàng triệu lượt xem của con trai: "Thằng Dương giỏi lắm, nhờ YouTube mà cả nhà mình thoát nghèo, có tiền xây cái nhà kiên cố hơn, mua sắm đồ đạc tiện nghi hơn".
Theo thống kê của địa phương đến cuối năm 2024, xã Phúc Yên có gần 300 kênh YouTube, hơn mười kênh đạt trên trăm nghìn lượt theo dõi. Tổng doanh thu từ hoạt động YouTube trên địa bàn xã trong năm 2024 đạt 5-7 tỷ đồng, trong khi thu nhập bình quân đầu người trước đây chỉ ở mức hai lăm đến ba mươi triệu đồng mỗi năm.
Nhưng khi quá nhiều kênh cùng quay cảnh dựng nhà nứa, bắt cá suối, hay nấu món măng rừng xào ớt, khán giả dễ dàng thấy nhàm. Và cái "làng YouTube triệu view" có nguy cơ rơi vào vòng lặp, khi ai cũng chọn an toàn với những nội dung từng thành công, mà quên mất rằng sự tò mò của người xem luôn cần được nuôi dưỡng bằng điều độc đáo, bất ngờ. Nhiều người bắt đầu theo lối mòn, sản xuất những video rập khuôn theo mô-típ quen thuộc như: dựng nhà gỗ, trồng lúa, thu hoạch ngô, chăm sóc đàn gà, đàn lợn, hay đơn giản là việc mang nông sản ra chợ bán, chế biến các món ăn địa phương hoặc tái hiện những sinh hoạt văn hóa mang tính trình diễn.
Trong nụ cười của bà La Thị Sinh về chuyện diễn đi diễn lại lễ cúng thần rừng đã lẩn khuất nỗi băn khoăn: Nếu văn hóa chỉ còn là đạo cụ, liệu mai này bản sắc có còn nguyên vẹn?
Câu hỏi của cụ Sinh không chỉ dành riêng cho người làng Phúc Yên, mà đặt ra cho các YouTuber đang khai thác mảng nội dung này ở nhiều vùng quê.
Việc lạm dụng một số khía cạnh trong đời sống cũng gây ra những hệ lụy. Chẳng hạn, việc liên tục quay và đăng tải video săn bắt có thể vấp phải sự phản đối của những người yêu động vật và các tổ chức bảo tồn, hoặc vi phạm pháp luật. Tương tự, tập trung quá nhiều vào những khó khăn, thiếu thốn trong cuộc sống có thể tạo ra hình ảnh tiêu cực về vùng đất và con người nơi đây, thay vì tôn vinh vẻ đẹp bình dị, những nỗ lực vươn lên.
Câu chuyện làm giàu bằng YouTube đặt ra bài toán mới cho chính quyền và người dân. Khi con số thu nhập lên đến hàng trăm triệu, thậm chí cả tỷ đồng mỗi tháng, vấn đề nộp thuế thu nhập không còn là chuyện nhỏ. Một cán bộ xã chia sẻ với tôi: "Một số hộ thu nhập cả trăm triệu mỗi tháng nhờ YouTube, nhưng chưa biết cách kê khai, quản lý". Ở một vùng mà từ "thu nhập cá nhân chịu thuế" vẫn còn xa lạ, thì đây vẫn là hành trình dài và không dễ dàng, đòi hỏi sự kiên nhẫn và đồng hành từ cả hai phía.
Gần đây, chính quyền địa phương và các cơ quan chức năng bắt đầu hỗ trợ người dân phát triển kênh YouTube một cách bền vững, như tổ chức các buổi tập huấn về kỹ năng sản xuất video, phát triển trên các nền tảng mạng xã hội, xây dựng thương hiệu cá nhân, và tuân thủ pháp luật trên môi trường mạng. Việc thành lập các tổ nhóm làm YouTube chuyên nghiệp, có sự đầu tư bài bản về nội dung và kỹ thuật, cũng đang được khuyến khích để nâng cao chất lượng sản phẩm và mở rộng đối tượng khán giả. Những buổi tập huấn về cách kể chuyện qua ống kính, cách dựng phim hấp dẫn, hay thậm chí là cách bảo vệ bản quyền, đã và đang được tổ chức, giúp người dân từng bước trở thành những nhà làm phim chuyên nghiệp hơn, có trách nhiệm hơn.
YouTube không chỉ là cuộc chơi của views và likes, mà là cách những con người bé nhỏ nơi thượng nguồn sông Gâm kể lại chuyện quê hương mình cho cả thế giới. Nếu họ giữ được niềm tin vào điều mộc mạc, không đánh mất bản sắc văn hóa giữa muôn vàn thuật toán và trào lưu chóng vánh, đây không chỉ là một hướng làm giàu, mà còn là của sự hồi sinh bản sắc trong thời đại toàn cầu hóa.
Ma Văn Tuyên