Phẫu thuật nội soi khớp
Thạc sĩ, bác sĩ Đặng Khoa Học, Bệnh viện Đa khoa Tâm Anh cho biết, nội soi khớp là phương pháp phẫu thuật chỉnh hình xâm lấn tối thiểu được sử dụng để chẩn đoán và điều trị các bệnh lý khớp cấp tính và mạn tính. Phẫu thuật viên sẽ sử dụng ống soi khớp và công cụ phẫu thuật chuyên dụng để tiếp cận khớp thông qua các vết rạch nhỏ trên da. Nhờ ưu điểm vết mổ nhỏ, ít mất máu, giảm đau đớn, thời gian phục hồi ngắn... nên nội soi khớp dần chiếm ưu thế và có xu hướng thay thế phương pháp mổ mở truyền thống.
Theo Viện Hàn lâm Chấn thương chỉnh hình Mỹ (AAOS), 6 trường hợp phẫu thuật nội soi khớp được thực hiện phổ biến nhất là:
- Nội soi khớp vai
- Nội soi khớp háng
- Nội soi khớp cổ chân
- Nội soi khớp khuỷu tay
- Nội soi khớp cổ tay
Trong đó, phẫu thuật nội soi khớp được thực hiện để chẩn đoán hoặc điều trị các trường hợp phổ biến như đứt dây chằng chéo trước (ACL) ở đầu gối; rách sụn chêm đầu gối; rách chóp xoay, trật khớp vai tái hồi, viêm bao hoạt dịch khớp vai, viêm xương sụn bóc tách cổ chân, nội soi giải phóng cứng khớp khuỷu, nội soi khâu sụn viền khớp háng...
Theo bác sĩ Đặng Khoa Học, cho đến nay, nội soi khớp gối và khớp vai là những phẫu thuật nội soi khớp phổ biến nhất. Bởi khoảng trống bên trong các khớp này đủ lớn để chứa các dụng cụ phẫu thuật. Những tiến bộ gần đây cho phép thực hiện các ca phẫu thuật nội soi khớp tinh vi hơn ở các khớp cổ tay, cổ chân, khớp khuỷu, khớp háng.
Trước khi đi đến quyết định phẫu thuật nội soi khớp, bác sĩ chấn thương chỉnh hình sẽ thực hiện một số xét nghiệm và chẩn đoán gồm:
- Chụp X-quang sử dụng bức xạ ion hóa để xem xét tình trạng xương và khớp
- Chụp cắt lớp vi tính (CT) để tạo ra các "lát cắt" ba chiều của khớp
- Siêu âm giúp khảo sát tình trạng các mô mềm có thể bị bỏ sót qua hình ảnh X-quang
- Chụp cộng hưởng từ (MRI) để tạo ra hình ảnh có độ nét cao, nhất là các mô mềm
- Một số xét nghiệm máu để kiểm tra tình trạng viêm nhiễm hoặc dấu hiệu của bệnh tự miễn như protein phản ứng C (CRP), tốc độ lắng hồng cầu (ESR), số lượng tế bào bạch cầu (WBC), yếu tố dạng thấp (RF)...
Ngoài ra, bác sĩ cũng có thể thực hiện chọc dò khớp để lấy ra dịch khớp và kiểm tra dưới kính hiển vi để phát hiện các bất thường về tình trạng kết tinh hoặc nuôi cấy để xác định xem có nhiễm khuẩn hay không.
Sự phục hồi sau phẫu thuật nội soi khớp nhanh hay chậm có thể khác nhau tùy theo loại tổn thương và tình trạng tổn thương ở khớp. Ngoài việc dùng thuốc để kiểm soát các cơn đau, các bác sĩ của Trung tâm Chấn thương chỉnh hình, Hệ thống Bệnh viện Đa khoa Tâm Anh lưu ý bệnh nhân chăm sóc vết thương, thay băng hàng ngày để tránh nguy cơ nhiễm trùng.
Nếu sau nội soi khớp, bạn có những dấu hiệu sau đây nên nhanh chóng liên lạc lại với bác sĩ đã thực hiện phẫu thuật:
- Chảy máu không kiểm soát
- Tình trạng đau, đỏ, sưng và nóng tại chỗ phẫu thuật không thuyên giảm
- Ớn lạnh và sốt cao trên 38 độ C
- Chảy dịch màu vàng xanh từ vết thương
- Vết thương bị đứt rách tạo thành vết hở to

TS.BS Tăng Hà Nam Anh và cộng sự đang thực hiện nội soi khớp gối tại Trung tâm Chấn thương chỉnh hình, Bệnh viện Đa khoa Tâm Anh.
Phẫu thuật thay khớp
Phẫu thuật thay khớp là phương pháp can thiệp phức tạp nhằm loại bỏ một phần hoặc toàn bộ khớp bị hư hỏng và thay thế bằng các vật liệu khác được làm bằng nhựa, kim loại, gốm... có thể giải phóng người bệnh khỏi các cơn đau nhức, khôi phục khả năng vận động. Hầu hết các ca thay khớp được thực hiện để điều trị tổn thương do thoái hóa khớp gối và khớp háng. Khi thực hiện phẫu thuật chỉnh hình này, người bệnh sẽ được gây tê hoặc gây mê toàn thân.
Quyết định thay khớp phụ thuộc vào một số yếu tố như:
- Mức độ tổn thương khớp: cảm giác đau từ trung bình đến nặng, cứng khớp và hạn chế chức năng đến mức không thể sử dụng được nữa.
- Kết quả chẩn đoán hình ảnh: khi có thoái hóa xương và sụn, khớp có dấu hiệu bị biến dạng, tổn thương từ mức trung bình đến nặng sẽ có chỉ định thay khớp.
- Chức năng khớp bị ảnh hưởng: người bệnh bị hạn chế trong các hoạt động hàng ngày, ảnh hưởng đến chất lượng cuộc sống và việc thay khớp cho thấy rằng sẽ mang đến nhiều chuyển biến tích cực.

Thạc sĩ, bác sĩ chuyên khoa I Đặng Khoa Học (bên trái) sở hữu thế mạnh với các phẫu thuật tạo hình khớp vai ngược.
Phẫu thuật thay khớp háng: được thực hiện nhằm để loại bỏ phần chỏm xương đùi và ổ cối bị hư hỏng, biến dạng do các tổn thương của thoái hóa khớp, viêm khớp dạng thấp, u xương... và thay thế bằng khớp háng nhân tạo được làm bằng kim loại hoặc các loại vật liệu tổng hợp khác.
Phẫu thuật thay khớp gối: tương đối phổ biến trên thế giới. Quy trình thay khớp gối bao gồm loại bỏ mô bị hư hỏng và cấy ghép các bộ phận nhân tạo vào phần khớp gối bị hư hỏng. Hiện nay, có 2 loại khớp gối nhân tạo phổ biến là khớp gối bán phần và khớp gối toàn phần.
Phẫu thuật thay khớp vai: theo bác sĩ Đặng Khoa Học, trước đây, việc thay khớp vai bán phần có kết quả thành công tương đối thấp nhưng hiện nay phương pháp tạo hình khớp vai ngược đã khắc phục được khuyết điểm vốn có, đặc biệt trên những bệnh nhân lớn tuổi có tổn thương nhóm gân chóp xoay vai. Phần khớp nhân tạo được thay thế có thời gian sử dụng 15-20 năm hoặc lâu hơn, tùy thuộc vào mức độ hoạt động thể chất của người bệnh.

Hệ thống máy móc hiện đại phục vụ cho việc thay khớp gối tại Bệnh viện Đa khoa Tâm Anh.
Giống như bất kỳ cuộc phẫu thuật nào khác, phẫu thuật thay khớp cũng có không ít nguy cơ biến chứng, bao gồm dị ứng với thuốc gây mê, hình thành cục máu đông hoặc nhiễm trùng... Bên cạnh yếu tố trang thiết bị, máy móc, vai trò của bác sĩ rất quan trọng trong lựa chọn phương án phẫu thuật tối ưu.
Bác sĩ Đặng Khoa Học chia sẻ thêm, một trong những thành công trong cải tiến kỹ thuật mổ thay khớp háng là đường mổ Superpath. Với vết rạch nhỏ khoảng 5 cm trên da, phẫu thuật viên sẽ lách qua bao khớp phía trên để bộc lộ phẫu trường mà không cần cắt nhóm cơ xoay ngoài và bao khớp sau, bảo tồn hệ thống gân phía sau khớp háng, ít làm tổn thương phần mềm.
Toàn bộ cuộc phẫu thuật chỉ mất khoảng 30-45 phút. Bệnh nhân ít đau đớn, bớt chảy máu, vết thương nhỏ, có thể đứng vững ngay sau vài giờ phẫu thuật, thay vì phải nằm vài tuần, vài tháng. Đường mổ cải tiến này còn giúp bệnh nhân thoải mái hơn trong các động tác như ngồi xổm, vắt chân chữ ngũ... mà không phải e ngại tình trạng trật khớp như trước đây.
Với những ưu điểm của đường mổ Superpath, bệnh nhân thay khớp háng tại Hệ thống Bệnh viện Đa khoa Tâm Anh có thể xuống giường nhanh sau mổ một ngày và nhanh chóng trở lại với các hoạt động sinh hoạt thường nhật, hạn chế tối đa nguy cơ nhiễm trùng, ít bị đau, giảm chảy máu, tiết kiệm chi phí và thời gian một cách hiệu quả.
Trung tâm Chấn thương chỉnh hình, Hệ thống Bệnh viện Đa khoa Tâm Anh là nơi quy tụ đội ngũ chuyên gia đầu ngành. Bệnh viện còn được trang bị hệ thống máy móc, trang thiết bị chẩn đoán hình ảnh hiện đại như máy chụp CT 768 lát cắt Somatom Drive, máy cộng hưởng từ thế hệ mới Magnetom Amira BioMatrix, máy đo mật độ xương, máy siêu âm...; hệ thống kính vi phẫu thuật Opmi Vario 700 Zeiss, bàn mổ Meera-Maquet... Các thiết bị để có thể phát hiện sớm các tổn thương và phẫu thuật điều trị các bệnh lý về cơ xương khớp...
Để đặt lịch khám vui lòng liên hệ:
- 108 Hoàng Như Tiếp, phường Bồ Đề, quận Long Biên, TP Hà Nội. Hotline: 1800 6858
- 2B Phổ Quang, phường 2, quận Tân Bình, TP HCM. Hotline: 0287 102 6789
(Nguồn: Bệnh viện Đa khoa Tâm Anh)