Căn cứ Danh mục án phí ban hành kèm theo Nghị quyết số 326/2016/UBTVQH14 ngày 30/12/2016 của Ủy ban Thường vụ Quốc hội, đối với trường hợp khởi kiện đòi nợ thì tiền án phí được quy định như sau:
- 300.000 đồng: Nếu số tiền đòi nợ từ 6 triệu đồng trợ xuống.
- 5% số tiền đòi nợ: Nếu số tiền đòi nợ từ trên 6 triệu đồng đến 400 triệu đồng.
- 20 triệu đồng + 4% của phần số tiền đòi nợ trên 400 triệu đồng: Nếu số tiền đòi nợ từ trên 400 triệu đồng đến 800 triệu đồng.
- 36 triệu đồng + 3% của phần số tiền đòi nợ trên 800 triệu đồng: Nếu số tiền đòi nợ từ trên 800 triệu đồng đến 2 tỷ đồng.
- 72 triệu đồng + 2% của phần số tiền đòi nợ trên 2 tỷ đồng: Nếu số tiền đòi nợ từ trên 2 tỷ đồng đến 4 tỷ đồng.
- 112 triệu đồng + 0,1% của phần số tiền đòi nợ trên 4 tỷ đồng: Nếu số tiền đòi nợ từ trên 4 tỷ đồng.
Căn cứ khoản 2 Điều 7 Nghị quyết số 326/2016/UBTVQH14, mức tạm ứng án phí sẽ bằng 50% mức án phí nêu trên (nhưng thấp nhất là 300.000 đồng).
Căn cứ khoản 4 Điều 7 Nghị quyết số 326/2016/UBTVQH14, đối với những vụ án được giải quyết theo thủ tục rút gọn thì mức tạm ứng án phí bằng 50% mức tạm ứng án phí theo quy định nêu trên.
Đối với trường hợp bạn khởi kiện ra tòa án đòi nợ 500 triệu đồng thì:
- Số tiền án phí = 20 triệu + 4% x 100 triệu = 24 triệu đồng.
- Số tiền tạm ứng án phí = 50% x 24 triệu = 12 triệu đồng.
- Số tiền tạm ứng án phí đối với những vụ án được giải quyết theo thủ tục rút gọn = 50% x 12 triệu = 6 triệu đồng.
Như vậy, trường hợp bạn khởi kiện ra tòa án yêu cầu bên mượn phải trả nợ thì bạn phải đóng tạm ứng án phí theo mức nêu trên. Tuy nhiên, căn cứ Điều 26 Nghị quyết số 326/2016/UBTVQH14, sau khi tòa án xét xử, bên thua kiện sẽ phải trả tiền án phí đối với phần mình bị thua kiện (trừ trường hợp được miễn hoặc không phải chịu án phí).
Lưu ý: Ngoài ra, một số đối tượng sẽ được miễn nộp tiền tạm ứng án phí, án phí theo Điều 12 Nghị quyết số 326/2016/UBTVQH14, một số trường hợp sẽ được giảm tạm ứng án phí, án phí theo Điều 13 Nghị quyết số 326/2016/UBTVQH14.
Luật sư Phạm Thanh Hữu
Đoàn luật sư TP HCM