"Ban đầu tôi còn thấy video AI dễ thương, vừa giải trí vừa có thêm kiến thức", Hoàng Trung, một nhân viên kế toán tại TP HCM, cho biết. "Tuy nhiên, sau một thời gian ngắn, các nền tảng thường xuyên đề xuất khiến tôi phát ngấy, toàn những thứ vô bổ, 'cợt nhả', thậm chí xúc phạm giới tính trong vỏ bọc hài hước".
Trần Long, một lập trình viên tại Đà Nẵng, cũng cho biết đã nhận cuộc gọi của bố ở quê. "Bố tôi gửi cho tôi video giật gân trên YouTube và hỏi xem có thật không, sao không thấy báo đài nói gì", anh Long kể. "Hình ảnh AI khá chân thật, những người ít tiếp xúc với công nghệ dễ tin là thật".
"Tôi dặn ông nếu nghi ngờ bất cứ thứ gì, nên hỏi con cái và người đáng tin cậy, nhất là thông tin liên quan đến lừa đảo, trái pháp luật", anh Long nói.
Tuần trước, mạng xã hội cũng ồn ào câu chuyện đôi vợ chồng ở Kuala Lumpur, Malaysia đi 300 km tới một điểm du lịch, nhưng đến nơi mới phát hiện địa điểm không có thật, hình ảnh trong video họ xem được là sản phẩm AI.

Một video tạo bằng Google Veo 3 đăng trên Facebook Reels nhận hàng nghìn lượt thích và bình luận. Ảnh: Bảo Lâm
Với sự ra đời của các công cụ tạo video từ văn bản và hình ảnh như OpenAI Sora, Google Veo, Midjourney hay Runway, nội dung này tăng mạnh thời gian qua, làm bùng nổ xu hướng video giấu mặt. Dù chưa có thống kê, nhiều người trên mạng xã hội Facebook, TikTok, Instagram hay YouTube cho biết "ít nhất một lần tiếp xúc với video AI mỗi ngày".
Tiến sĩ Lê Duy Tân, giảng viên khoa CNTT trường Đại học Quốc tế - Đại học Quốc gia TP HCM, cho biết trước đây, làm một video cần quay, dựng, biên tập, di chuyển nhiều lần, thậm chí thuê người. Còn hiện nay, chỉ cần gõ vài dòng và nhấn nút. "Như thể bạn đang có một đội sản xuất phim siêu tốc, làm việc 24/7 không cần trả lương vậy", ông Tân ví von.
Theo chuyên gia, thuật toán của mạng xã hội như TikTok, Reels trên Facebook và Instagram hay YouTube Shorts càng giúp lan truyền nội dung AI. Tuy nhiên, đa số được sản xuất vội vàng, kém chất lượng. Tình trạng này được gọi là "AI Slop" - những nội dung được tạo rất nhanh, rất rẻ với số lượng lớn, nhưng thiếu chiều sâu, dễ gây phản cảm và đôi khi sai lệch thông tin.
"Người dùng phải sáng tạo, biết cách ra lệnh (prompts) chi tiết. Nếu chỉ 'quăng' vài từ khóa chung chung, kết quả sẽ rất hời hợt, khiến không gian mạng trở nên nhiễu loạn với những nội dung chưa chọn lọc kỹ càng, hay rác AI", ông Tân cho hay.
Cùng quan điểm, chuyên gia công nghệ Nguyễn Ngọc Duy Luân đánh giá: "Tạo một video chất lượng tốn không ít thời gian. Kể cả model mạnh như Sora hay Veo cũng tồn tại nhược điểm. Có những lỗi do AI chưa hoàn hảo, chẳng hạn tay chân thao tác không đúng, một vật bị treo lơ lửng không rõ lý do".
Theo ông Tân, nếu xem nhiều video không kiểm chứng, người dùng có thể đối mặt một số nguy cơ, chẳng hạn bị thao túng, bị đánh vào cảm xúc, dẫn đến hành động sai lầm. Chẳng hạn, AI có thể bịa đặt một loại "thuốc thần chữa bách bệnh". Nếu tin theo, người dùng có thể bỏ qua việc điều trị y tế chính thống, gây nguy hiểm trực tiếp đến sức khỏe.
Việc liên tục tiếp xúc tin giả cũng làm mất niềm tin vào thông tin thật. "Khi thường xuyên thấy nội dung không đáng tin cậy, bạn sẽ dần mất đi khả năng phân biệt thật giả, dẫn đến nghi ngờ mọi thông tin, kể cả kênh báo chí chính thống, chuyên gia", ông Tân nói.
Các mạng xã hội hiện có chính sách riêng về nội dung AI. Meta yêu cầu gắn nhãn nội dung tạo, chỉnh sửa bằng AI trên Facebook, Instagram và Threads. YouTube yêu cầu người dùng ghi rõ nếu video sử dụng AI. Còn TikTok cấm video AI chứa nội dung gây hại, như deepfake, cổ xúy bạo lực, phân biệt đối xử, hoặc thông tin sai lệch.
Theo chuyên gia Duy Luân, nguy cơ lớn nhất của video AI là bị lợi dụng cho mục đích xấu, lừa đảo, như video về sản phẩm A nhưng lại giao hàng sản phẩm B hoặc hàng lậu, hàng giả, hàng nhái. AI cũng có thể tác động xấu tới nhận thức của trẻ do hình ảnh méo mó, không thể hiện chân thực thế giới quan và sản phẩm ngoài đời, trong khi loại video hướng đến nhóm người dùng này đang xuất hiện ngày một nhiều.
"Chúng ta cần luôn tự hỏi: Video này đến từ đâu? Kênh có đáng tin không? Thông tin có được báo chí chính thống hay tổ chức uy tín xác nhận không? Nếu video xuất phát từ một kênh lạ, mới lập hoặc không có thông tin rõ ràng, khả năng cao không đáng tin cậy", ông Tân khuyến cáo.
Bảo Lâm
- 'Sếp' Microsoft bị phản ứng vì khuyên dùng AI 'chữa lành' khi mất việc
- CEO Luna Base AI: Lập trình viên cấp thấp dễ bị AI thay thế
- 5 mẹo nhỏ giúp tối ưu hóa câu trả lời từ ChatGPT
- Tỷ phú Mỹ: 'AI có thể tạo ra người sở hữu nghìn tỷ USD đầu tiên'