Ấn phẩm kể những trải nghiệm của tác giả về văn hóa, con người, cảnh quan Hy Lạp - vùng đất mang lại cho cô ký ức và ''ánh sáng'' để soi rõ bản thân. Tina Yuan mở đầu bằng chuyện tình với người đàn ông đến từ quốc gia này. Hai người gặp nhau trong một quán bar ở Singapore. ''Anh - lạ lẫm, cuốn hút và mang hơi thở Địa Trung Hải'', tác giả viết. Từ cuộc làm quen chớp nhoáng, họ dần gắn kết, để ''Mỗi cuộc trò chuyện đều như thêm một nhịp cầu nối giữa hai tâm hồn đến từ hai nền văn hóa khác nhau''. Theo Tina Yuan, mối tình này không kéo dài mãi nhưng trở thành ''hồi ức dịu dàng'' của cô, là khởi đầu cho việc quay lại Hy Lạp bằng cả trái tim.
Từ nhỏ, tác giả ôm trong lòng giấc mơ mang tên Hy Lạp. Qua cuốn sách được ông nội mua từ chợ sách cũ, cô xúc động khi nhìn thấy hình ảnh đền Parthenon - công trình đá cổ kính. 14 tuổi, cô nuôi mong ước được chạm vào những phiến đá này, đi dưới ánh nắng Athens, đứng tại nơi các triết gia cổ từng bước qua để chiêm nghiệm về cuộc đời.
Theo Tina Yuan, thủ đô Athens là nơi bắt đầu của trí tuệ nhân loại. Thành cổ Acropolis như ''một minh chứng sống động cho sức mạnh trường tồn của văn hóa''. Mỗi phiến đá ở Acropolis là một câu chuyện về Hy Lạp, về khả năng vượt qua chiến tranh của con người. Agora - quảng trường cổ đại từng là trung tâm của đời sống cộng đồng người Athens - mang vẻ bình yên, nơi mọi người từng tụ họp để thảo luận về triết học, nghệ thuật, luật pháp. Các hòn đảo Santorini, Mykonos, Crete có vẻ đẹp riêng nhưng điểm chung là sự tự do. Ở đó, người dân yêu nhảy múa, ca hát, không vội vã, sống ''như thể mỗi ngày là một món quà''.

Athens - thủ đô của Hy Lạp. Ảnh: Wordpress
Tác giả kể kỷ niệm lần đầu tham gia một buổi tiệc ngoài trời của người Hy Lạp, trong lúc du ngoạn đến núi Pelion. ''Một gia đình bản xứ mời tôi đến dự lễ cưới con gái họ. Dù chỉ là khách du lịch, tôi vẫn được chào đón như một người thân trong gia đình. Họ ấn vào tay tôi ly rượu vang đỏ đậm, trao tôi nụ cười ấm áp và nói bằng thứ tiếng Anh pha lẫn giọng Hy Lạp: 'Tối nay, cô không còn là người lạ. Tối nay, cô là một phần của gia đình chúng tôi''. Thời điểm đó, tác giả không còn nhớ mình đến từ đâu, theo tôn giáo nào mà chỉ tận hưởng trọn vẹn văn hóa nơi đây.
Tina Yuan cho rằng nghệ thuật Hy Lạp ''không chỉ để ngắm mà là để sống''. Tác giả từng đọc rằng các cột của đền Pathenon được làm cong nhẹ để khi nhìn từ xa, mắt người thấy chúng ''thẳng hoàn hảo''. Từ đó, cô hiểu triết lý nghệ thuật của Hy Lạp rằng ''không phải phô diễn cái đúng tuyệt đối, mà tạo ra cảm giác đúng cho con người''. Triết học của quốc gia cũng không nằm trong sách vở mà hiện diện ở đời sống thường nhật, qua cách người dân đối thoại, tranh luận, phản biện với nhau.

Ấn phẩm được in theo khổ 10x15 cm, tựa một cuốn sổ tay nhỏ, do Nhà xuất bản Phụ nữ Việt Nam phát hành. Ảnh: Nhà xuất bản cung cấp
Tác giả cho biết từ khi đến Hy Lạp, cô thấy bản thân thay đổi theo chiều hướng tích cực, nhẹ nhàng và thấu cảm hơn. Điều khiến Tina Yuan yêu quốc gia này là nó khiến cô nâng niu lại chính mình. Ở đây, cô không cần cố gắng trở thành ai để được chấp nhận.
Mỗi khi chênh vênh trong cuộc sống, tác giả đều nghĩ đến "ngôi nhà thứ hai" này. Hai năm sau Covid-19, cô chọn đây là điểm khởi đầu cho ''hành trình hồi sinh'' của bản thân. Tác giả đang thực hiện những bước đầu trong việc kết nối lực lượng lao động từ Việt Nam sang Hy Lạp, nhằm tạo cơ hội việc làm, góp phần nối gần hai nền văn hóa, hai đất nước.
Sách có ngôn ngữ gần gũi, lời văn giàu cảm xúc. Khi hoàn thành tác phẩm, Tina Yuan nhận ra không cần đi đâu xa để tìm cảm hứng. ''Chính việc nhớ lại, sống lại và chia sẻ lại đã trở thành một hành trình mới - hành trình của sự kết nối'', cô viết.

Tác giả Tina Yuan tại buổi ra mắt sách hôm 28/6. Ảnh: Trần Ngọc Sơn
Cũng trong buổi ra mắt ấn phẩm Dưới trời xanh Hy Lạp, Tina Yuan giới thiệu cuốn sách thứ hai - Những dặm đường Tổ quốc. Tác phẩm là góc nhìn của một người con xa xứ về hình ảnh Việt Nam, từ miền quê sông nước, vẻ hùng vĩ của những ngọn núi đến nét hiện đại của đô thị. Theo tác giả, việc ra mắt cùng lúc hai cuốn sách là một cách để kết nối Việt Nam và Hy Lạp.
Tina Yuan tên thật Nguyễn Thị Thương, 35 tuổi, mang hai dòng máu Việt - Trung, hiện sống và làm việc ở Singapore. Cô tốt nghiệp thạc sĩ ngành Luật Truyền thông và ngành Kinh doanh toàn cầu của trường Đại học Coventry University (Anh). Trước đó, tác giả đã xuất bản hai cuốn Lỡ hẹn Paris và Có hẹn với Bulgaria. Toàn bộ doanh thu từ tác phẩm đầu tay - Lỡ hẹn Paris - được cô dành cho hoạt động thiện nguyện. Hiện cô duy trì việc dạy ngoại ngữ miễn phí cho cộng đồng người Việt tại Singapore, những cô dâu Việt, các em nhỏ có hoàn cảnh khó khăn.
Phương Linh