Theo lãnh đạo địa phương, thời gian qua, việc đẩy mạnh liên kết vùng tạo ra những kết quả tích cực trong phát triển du lịch của Huế. Nhiều sản phẩm du lịch được khai thác hiệu quả từ các chương trình liên kết với các địa phương như "Con đường Di sản miền Trung" với Huế là trung tâm, kết nối chặt chẽ với Đà Nẵng, Quảng Trị.

Kinh thành Huế được đánh giá là điểm nhấn trong chuỗi liên kết du lịch di sản "Con đường di sản miền Trung". Ảnh: Visithue
Ngành du lịch Huế xác định liên kết vùng là cơ hội để chia sẻ bản sắc và lan tỏa giá trị cùng các địa phương khác. Thông qua việc đăng cai Năm Du lịch quốc gia 2025, Huế mời các địa phương đăng ký tham gia tổ chức chương trình, sự kiện và lễ hội. Đây là cơ hội để Huế và các tỉnh thành trao đổi hợp tác, liên kết nhằm xây dựng sản phẩm cụ thể, phát huy thế mạnh tiềm năng để phát triển du lịch vùng.
Bà Trần Thị Hoài Trâm, Giám đốc Sở Du lịch TP Huế cho biết trong thời gian tới, Huế tiếp tục triển khai hiệu quả các thỏa thuận hợp tác đã ký kết với TP HCM, Hà Nội, Đà Nẵng và Quảng Trị. Thành phố cũng chủ động tìm kiếm và thiết lập quan hệ hợp tác với các tỉnh thành khác trong cả nước có sự tương đồng về văn hóa hoặc tiềm năng bổ trợ lẫn nhau về sản phẩm du lịch.
Ngoài ra, Huế đẩy mạnh hợp tác xây dựng tour tuyến liên vùng độc đáo, phát triển sản phẩm đặc thù như golf, chăm sóc sức khỏe và MICE (Meetings, Incentives, Conferences and Exhibitions), chia sẻ kinh nghiệm quản lý và đào tạo nguồn nhân lực chất lượng cao.

Di tích Hải Vân Quan được chính quyền Huế và Đà Nẵng phối hợp trùng tu và cùng khai thác du lịch. Ảnh: Visithue
Trong bối cảnh cạnh tranh du lịch ngày càng gay gắt trong khu vực, liên kết du lịch là vấn đề tất yếu đối với mỗi địa phương nhằm khai thác hết lợi thế tiềm năng. "Ngoài việc đẩy mạnh xúc tiến quảng bá và nâng cao chất lượng nguồn nhân lực liên kết vùng, Huế sẽ tăng cường công tác quản lý nhà nước về du lịch liên vùng. Trong đó bao gồm thiết lập cơ chế trao đổi thông tin thường xuyên và giải quyết kịp thời vấn đề phát sinh trong quá trình hợp tác; rà soát và đơn giản hóa thủ tục hành chính liên quan đến hoạt động du lịch giữa các địa phương hướng tới tiêu chuẩn dịch vụ chung cho cả vùng", bà Trâm thông tin.
Các giá trị văn hóa, lịch sử và cảnh quan thiên nhiên đặc sắc của mỗi địa phương cũng tạo nên hành trình trải nghiệm phong phú, hấp dẫn du khách. Trước đó, Huế kết hợp với Đà Nẵng và các tỉnh lân cận để tạo ra sản phẩm du lịch biển đa dạng, từ nghỉ dưỡng cao cấp đến khám phá mạo hiểm. Các tuyến du lịch biển được phát triển nhằm phát huy lợi thế bờ biển dài và bãi biển đẹp, đặc biệt là hệ đầm phá Tam Giang - Cầu Hai.

Bãi biển Thuận An nằm trong tuyến liên kết các bãi biển đẹp của Huế và Đà Nẵng. Ảnh: Visithue
Huế còn phối hợp với Đà Nẵng và Quảng Trị trong các hội chợ du lịch quốc tế tại Hà Nội và TP HCM. Các chương trình giới thiệu tại Malaysia, tham gia hội chợ ITB tại Singapore, tổ chức xúc tiến du lịch tại Australia cũng được thực hiện để giới thiệu thương hiệu du lịch "Miền di sản diệu kỳ - Amazing Central Vietnam Heritage".
Bên cạnh đó, vùng đất Cố đô tập trung phát triển du lịch văn hóa, lồng ghép các giá trị văn hóa như ẩm thực, nghệ thuật và di sản vào các sản phẩm du lịch sinh thái, du lịch cộng đồng và golf của các địa phương trong vùng. Điều này tạo sự khác biệt và tăng tính trải nghiệm cho du khách.