CloudMatrix 384, còn gọi là Atlas 900 A3 SuperPoD, được Huawei trình diễn tại Hội nghị Trí tuệ nhân tạo thế giới (WAIC) ở Thượng Hải cuối tuần qua.
Sản phẩm đã thu hút sự chú ý lớn từ cộng đồng AI toàn cầu kể từ khi hãng lần đầu đề cập hồi tháng 4 và được xem là đối thủ trực tiếp của GB200 NVL72 - hệ thống mạnh nhất của Nvidia. Dylan Patel, nhà sáng lập công ty nghiên cứu bán dẫn SemiAnalysis, khi đó nhận định: "Huawei hiện có khả năng triển khai các hệ thống AI ngang ngửa, thậm chí vượt trội so với Nvidia ở một số tiêu chí".
Tuy nhiên, tại gian hàng ở WAIC, nhân viên Huawei từ chối cung cấp thông tin chi tiết về CloudMatrix 384. Hãng cũng không phản hồi yêu cầu bình luận từ báo chí.

Hệ thống CloudMatrix 384. Ảnh: MyDrivers
CloudMatrix 384 tích hợp 384 chip Ascend 910C do Huawei tự phát triển, trong khi hệ thống GB200 NVL72 của Nvidia sử dụng 72 chip B200. SemiAnalysis đánh giá Huawei đã xây dựng kiến trúc mang tính đổi mới ở cấp độ hệ thống để bù đắp cho hiệu suất từng chip riêng lẻ không mạnh bằng. Một yếu tố khác là kiến trúc "siêu nút" (supernode), cho phép chip kết nối với nhau ở tốc độ siêu cao, giúp tối ưu hóa hiệu suất xử lý của toàn hệ thống.
Huawei cho biết ba lợi thế của CloudMatrix 384 là "băng thông siêu lớn, độ trễ siêu thấp và hiệu năng siêu mạnh", giúp doanh nghiệp đẩy nhanh quá trình huấn luyện mô hình AI, cũng như đảm bảo hiệu suất suy luận ổn định và độ tin cậy trong các ứng dụng thực tế.
Bất chấp lệnh cấm từ Mỹ trong nhiều năm, Huawei được đánh giá đã chuyển mình từ một công ty viễn thông sang trở thành cái tên đáng gờm về AI tại Trung Quốc. Jensen Huang, CEO Nvidia, cũng đánh giá đây là "một trong những công ty công nghệ đáng gờm nhất thế giới", đồng thời cảnh báo Huawei có thể thế chỗ Nvidia tại Trung Quốc nếu Washington tiếp tục ngăn các công ty Mỹ xuất khẩu chip sang quốc gia châu Á này.
Huy Đức (theo Reuters, Telegrafi)