Hoàng Anh Lê
Sáng 12/6, tại Trung tâm văn hóa Pháp, Hà Nội, diễn ra buổi giao lưu, ra mắt sách “Gia đình, bạn bè và đất nước” của bà Nguyễn Thị Bình - nguyên Phó chủ tịch nước, nữ Bộ trưởng Ngoại giao đầu tiên của Việt Nam, trưởng đoàn đàm phán của Chính phủ Cách mạng Lâm thời Cộng hòa miền Nam Việt Nam tại Hòa đàm Paris.
![]() |
Quang cảnh buổi ra mắt hồi ký "Gia đình, bạn bè và đất nước" của bà Nguyễn Thị Bình. Ảnh: Xuân Thủy. |
Trước khi vào phần chính, khán giả được xem lại những thước phim đen trắng của bà Bình khi còn trẻ. Trong một cuộc phỏng vấn với phóng viên Pháp sau cuộc Hòa đàm Paris, hình ảnh người phụ nữ Việt Nam mặc áo dài, ôn tồn, kiên định, nhã nhặn trả lời người Pháp khiến nhiều người xúc động. Một lát sau, bước lên sân khấu, vẫn người phụ nữ đó nhưng đã ở tuổi 85 cất giọng Quảng Nam ấm áp chia sẻ về cuốn sách. Sức trẻ vẫn ánh lên trong ánh mắt, giọng nói của bà.
Nhà văn Nguyên Ngọc, người làm việc cùng bà Bình trong suốt thời gian cuốn hồi ký thành hình cho biết, những ai tò mò về sự ly kỳ của những sự kiện lịch sử trong cuốn sách này sẽ có phần không thỏa mãn. Nhưng cuốn sách là một hành trình ly kỳ khác, nó lý giải nguồn gốc tạo nên một con người nhỏ bé, khiêm nhường mà lại có sức mạnh trí tuệ và tâm hồn lớn lao như bà Nguyễn Thị Bình.
![]() |
Bà Nguyễn Thị Bình (trái) và nhà văn Nguyên Ngọc chia sẻ về cuốn sách. Ảnh: Xuân Thủy. |
Nhà văn Nguyên Ngọc cũng chia sẻ ấn tượng về con người Nguyễn Thị Bình khi đọc cuốn hồi ký của bà: bà là sự kết hợp giữa con người lao động và con người trí thức. Từ bé đã hấp thu ở cha tinh thần trân quý những con người lao động, đứng về phía quần chúng nhân dân. Mẹ mất từ năm 16 tuổi, Nguyễn Thị Bình từng phải đi buôn trứng, buôn cà chua, vừa để bí mật hoạt động, vừa để nuôi năm người em. Theo Nguyên Ngọc, bà vừa bình dân, vừa uyên bác; vừa giản dị, vừa sang trọng; vừa mềm mại, vừa mạnh mẽ; vừa kiên định, vừa uyển chuyển. Bà đã đem bạn bè thế giới về cho dân tộc nhờ sức trẻ của trí tuệ và tâm hồn. Bà luôn mới, hiện đại, bắt kịp những chuyển biến tích cực của đời sống. Đó là những gì độc giả có thể cảm nhận được qua hồi ký của Nguyễn Thị Bình.
Bà Bình cho biết, bà dành nhiều thời gian để hoàn thành cuốn hồi ký. Một phần vì tất cả sự kiện bà trải qua đều không được ghi chép lại vào thời điểm nó diễn ra. Chính vì thế, khoảng thời gian vài ba năm “thai nghén” cuốn sách, là khoảng thời gian để bà hồi tưởng lại cuộc đời mình. Bên cạnh đó, bà còn trăn trở: 85 năm của cuộc đời, biết viết gì đây? Điều gì cần thiết, điều gì đáng viết cho độc giả, giữa vô vàn sự kiện mà bà đã sống và chứng kiến? Và mặc dù bản thảo xong từ năm 2009, bà chưa cho ra mắt sách mà chỉnh sửa, cân nhắc, trăn trở và đợi đúng sinh nhật 85 năm mới thực hiện điều này.
![]() |
Bà Nguyễn Thị Bình. Ảnh: Xuân Thủy. |
Trước khi viết, bà đắn đo có nên viết hay không. Trong lúc viết, bà đắn đo viết những gì. Viết xong, bà lại đắn đo liệu có nên xuất bản? Cuối cùng, cuốn hồi ký ra đời, với mục đích để lại những trải nghiệm và những kỷ niệm đẹp đẽ của một thời sống cùng gia đình, bạn bè và hoạt động cách mạng. Cuộc đời Nguyễn Thị Bình gắn chặt với những sự kiện lịch sử quốc gia của thế kỷ 20, từ kháng chiến chống Pháp, chống Mỹ đến hơn 30 năm sau hòa bình. Mặt khác, thay mặt những người thuộc cùng thế hệ, có người còn sống, có người đã khuất, Nguyễn Thị Bình chia sẻ những cảm xúc mạnh mẽ, sâu sắc của lớp thanh niên trong thời kỳ đấu tranh cách mạng. Từ những tình cảm mãnh liệt và đầy suy tư của lớp người trong thời đại đó, mà bà gọi là “những con người thần kỳ”, sẽ truyền cảm hứng cho thế hệ trẻ, chuyển tinh thần sôi sục vào thời kỳ xây dựng đất nước hiện nay. Qua cuốn hồi ký, bà Bình cũng muốn nhắn nhủ: tinh thần đoàn kết là sức mạnh của mọi chiến thắng, dù ở bất cứ thời đại nào.
Gia đình, bạn bè, đất nước, với bà Bình, cả ba có sức nặng ngang nhau. Gia đình theo bà trên mọi bước đường. Bạn bè sát cánh cùng bà trong hoạt động cách mạng. Và cả cuộc đời bà dành cho đất nước. Hồi ký có nhắc tới câu chuyện tình cảm riêng của bà với người bạn đời. Cả hai gặp nhau, hứa hẹn từ năm 16 tuổi, nhưng vì hoạt động cách mạng phải cách biệt nhau 9 năm trời. Sau 9 năm gặp lại, họ trở thành vợ chồng. Sau này, chính người bạn đời là sức mạnh bền bỉ và âm thầm ủng hộ mọi bước đường cách mạng của bà.
![]() |
Bà Bình ký tặng độc giả. Ảnh: Xuân Thủy. |
Cuốn hồi ký cũng nhắc tới quãng thời gian bà Nguyễn Thị Bình làm trong ngành giáo dục, mà theo bà đáng lý phải làm tốt hơn. Khán giả hỏi, liệu bà có tiếc nuối gì không? Bà nói, trong cuộc đời, nói không tiếc nuối thì không đúng. Bà ví dụ, nếu bà giỏi cả tiếng Pháp và tiếng Anh thì trong đàm phán Paris (1968 - 1973) đã có thể làm được nhiều điều tốt hơn cho đất nước. Độc giả hỏi, bà sẽ làm gì nếu bây giờ bà 20 tuổi. Nguyễn Thị Bình cười vui trước “giả thiết không tưởng”, nhưng bà trả lời, bà sẽ hết mình xây dựng đất nước. Trước, sau cũng vẫn là vì hai chữ "đất nước". Trong cuốn hồi ký, người đọc có thể bắt gặp ở thời điểm nào đó có sự giằng xé giữa vai trò của một người chị thương em, một người mẹ thương con, nhưng rồi bà chấp nhận hy sinh vì công việc chung của quốc gia.
Theo nhà văn Nguyên Ngọc, cuốn hồi ký chứa một bí mật. Và nếu độc giả đọc cuốn sách, là đã tự mở ra một bí mật - bí mật về sức mạnh của một người phụ nữ suốt đời gắn bó với cách mạng, nhân dân.
Bà Nguyễn Thị Bình sinh năm 1927, là cháu ngoại của nhà cách mạng Phan Châu Trinh. Hồi ký “Gia đình, bạn bè và đất nước” của bà Nguyễn Thị Bình gồm 14 chương, dày 420 trang, do Nhà xuất bản Tri thức ấn hành. |