Giữa tháng 7, người dùng TikTok lan truyền một đoạn video chia sẻ về hội chứng "mù thời gian". Trong clip, chủ tài khoản có tên Chaotic Philosopher cho biết việc cô luôn đi làm muộn là do vấn đề tâm lý. Rào cản này khiến những người như cô không thể có mặt đúng giờ dù đã cố gắng và thường bị cấp trên khiển trách, giáng chức, thậm chí sa thải.
Đoạn video nhận được ý kiến trái chiều, nhiều người cho rằng Chaotic Philosopher đang bào chữa cho sự vô ý thức của mình. Có người chia sẻ họ gặp vấn đề tương tự, nhưng chỉ cần sử dụng báo thức để tự nhắc nhở bản thân có mặt đúng giờ trong những dịp quan trọng. Số khác đặt câu hỏi liệu "mù thời gian" có trở thành xu hướng mới của Gen Z hay không.
Tuy nhiên, các nhà khoa học khẳng định hiện tượng mù thời gian là có thật. Nó đặc biệt phổ biến ở những người mắc bệnh rối loạn tăng động giảm chú ý (ADHD).
Theo Smriti Joshi, nhà tâm lý học làm việc cho ứng dụng sức khỏe tâm thần AI Wysa, ADHD dẫn đến nhiều vấn đề tâm lý, như mất tầm trung, hay quên. Điều này có thể gây ra cảm giác sai lệch về thời gian.
Các chuyên gia khác cho biết ngay cả những người không bị ADHD cũng có thể trải nghiệm mù thời gian. Dịch vụ Y tế Quốc gia Anh (NHS) không công nhận thuật ngữ này, nhưng cho biết các bệnh nhân tăng động giảm chú ý có thể "gặp vấn đề với việc tổ chức và quản lý thời gian".
Sue Smith, nhà trị liệu tâm lý, người phát ngôn Hội đồng Tâm lý Trị liệu Vương quốc Anh (UKCP), khẳng định chấn thương thời thơ ấu cũng dẫn đến chứng mù thời gian và cảm giác cô lập trong cuộc sống.
Trong khi đó, Robert Common, nhà tâm lý học và chuyên gia sức khỏe tâm thần ở Campuchia, nói mù thời gian được dùng để chỉ tình trạng không nhận thức được thời gian đã trôi qua, không thể ước tính thời gian thực hiện một nhiệm vụ nào đó. Những người mắc bệnh thường xuyên muộn giờ xe bus, không hoàn thành công việc kịp tiến độ.

Mù thời gian có thể khiến nhiều người thường xuyên muộn giờ. Ảnh: Pexel
Theo tiến sĩ Common, các triệu chứng phổ biến của mù thời gian gồm không có khả năng thực hiện công việc theo đúng lịch trình, liên tục trễ deadline (thời hạn), lơ đãng trong giờ làm việc. Nhiều người quá tập trung vào một công việc, đến nỗi bỏ qua những vấn đề khác. Họ không thể làm nhiều việc cùng một lúc và thường đưa ra những lời hứa hẹn phi thực tế.
"Các trạng thái chia thành hai cực đối lập, hoặc quá tập trung vào một hoạt động, hoặc hoàn toàn mất tập trung, chẳng hạn làm tới 5 công việc cùng lúc rồi tự trở nên quá tải, hoảng loạn", tiến sĩ Smith nói thêm.
Tiến sĩ Common cảnh báo nhiều người có thể nhầm tưởng chứng mù thời gian với tình trạng lười biếng hoặc thiếu năng lực. Vì chứng mù thời gian, nhiều nhà tuyển dụng cho rằng các nhân viên không đầu tư hoặc không coi trọng công việc đang làm.
Ông cho biết mù thời gian cũng có thể ảnh hưởng đến các mối quan hệ. Một số người chật vật tìm điểm cân bằng giữa công việc, gia đình, bạn bè và chuyện tình cảm. Họ có thể bị hiểu làm là người ích kỷ, chỉ quan tâm đến bản thân.
Tiến sĩ Common nói thêm, trẻ mắc chứng mù thời gian bị nhầm lẫn với tình trạng thiểu năng trí tuệ, thiểu năng học tập.
Cách để khắc phục hội chứng này là vạch ra lịch trình trong cuộc sống hàng ngày, hẹn giờ báo thức cho tất cả đầu việc, dù nhỏ nhất. Các chuyên gia khuyến nghị bạn chia sẻ về tình trạng của mình cho những người thân, nhờ họ nhắc nhở trước các sự kiện quan trọng.
Nếu có người thân gặp phải vấn đề này, tiến sĩ Elena Touroni, chuyên gia tại Phòng khám Tâm lý Chelsea ở London, khuyên bạn nên kiên nhẫn và thông cảm.
"Dù họ có thể khiến bạn bực bội, nhưng hãy nhắc nhở bản thân rằng mù thời gian thực sự là thử thách, đừng chỉ trích họ thái quá", bà nói.
Thục Linh (Theo Daily Mail)