"Lúc tôi học Đại học Tài chính kế toán TP HCM (1994), học phí chỉ là 900.000 đồng một năm, được đóng làm hai học kỳ. Thời đó, sinh viên nào không có tiền sẽ được nhà trường cho nợ, khi nào có tiền đóng bù thì mới được lấy bằng tốt nghiệp. Bạn tôi ra trường mà vẫn nợ tiền học, nên phải mất một năm đi làm mới có tiền đóng bù học phí để lấy bằng. Giờ bạn làm Giám đốc một công ty về IT.
Đó là còn chưa kể thời tôi học đại học còn có học bổng miễn học phí. Ngoài ra, nếu sinh viên đó ở TP HCM sẽ được trợ cấp 49.500 đồng một tháng, nếu ở vùng sâu vùng xa thì được 99.500 đồng. Ai thi không qua môn, sẽ được thi lại một lần miễn phí, từ những lần sau phí thi lại là 20.000 đồng.
Năm đó, tôi đi làm, lương 200 USD, tương đương khoảng 2,4 triệu đồng một tháng. Tức là, một tháng lương của tôi đủ để đóng học phí cho con học đại học một năm. Giờ tôi nhìn học phí của sinh viên thời nay mà thấy 'toát mồ hôi'. Cứ cho là lương cha mẹ đi làm là 20 triệu đồng, thì phải mất hai tháng lương mới đủ đóng học phí cho con".
Đó là chia sẻ của độc giả Lee Hung về câu chuyện tăng học phí đại học. Cụ thể, mới đây, 9 đại học công lập ở TP HCM tăng học phí. Thậm chí, có trường tăng học phí khoảng 50% so với năm ngoái. Theo thống kê của VnExpress, học phí đại học năm 2024-2025 từ 10,6 đến 250 triệu đồng, mức phổ biến là 20-40 triệu. Bộ Giáo dục và Đào tạo đang đề xuất sửa Luật Giáo dục đại học, trong đó học phí đại học công được tính theo % thu nhập bình quân đầu người, do Chính phủ quy định.
>> 'Ly trà đá tăng giá bốn lần nhưng học phí đại học cao gấp mười'
Cùng chung nỗi lo khi học phí đại học tăng cao, bạn đọc Xuanquang Tran bình luận: "Năm 2004, tôi học đại học ở Quy Nhơn, học phí khoảng 1,8 triệu một năm. Sinh viên thi lại không qua môn phải nộp phí 10.000 đồng, tương đương ba đĩa cơm bình dân. Lúc đó, nhà bán một tấn lúa được 1,2-1,3 triệu đồng, đủ để đóng học phí cho một học kỳ. Còn nay, dù bán 10 tấn lúa cũng chỉ đủ đóng học phí một năm. Học phí tăng chóng mặt, nên con nhà nông mà mọi thứ trông chờ vào nguồn kinh tế lúa gạo của gia đình thì không có khả năng theo đuổi ước mơ đại học".
Học phí tăng nhưng chất lượng đào tạo vẫn còn là dấu hỏi, độc giả Xonatph nhận định: "Tôi đang dạy kèm cho một bé sinh viên đại học năm ba. Học phí của em giờ cao gấp 10 lần học phí của tôi 15 năm trước. Tuy nhiên, tôi thấy chương trình học thực tế, cách dạy, cách chấm điểm bây giờ thật sự rất nhiều vấn đề, thua quá xa số tiền học phí bỏ ra. Theo tôi, Bộ Giáo dục và Đào tạo nên quản lý chặt chương trình đào tạo, chất lượng giảng dạy của các trường đại học để tránh lạm phát học phí, trong khi chất lượng đào tạo không tăng".
Trong khi đó, ủng hộ các trường đại học tăng học phí nếu đảm bảo chất lượng đào tạo tăng tương xứng, bạn đọc Bierecke kết lại:"Theo tôi, nên ủng hộ việc tăng học phí nếu các trường đảm bảo được sinh viên có điều kiện tiếp cận kiến thức mới, môi trường học tập tốt hơn. Và việc đánh giá chất lượng giảng dạy, môi trường học tập... cần được chính sinh viên thực hiện. Nếu nhà trường không đạt được như cam kết thì cần có biện pháp, chế tài. Mục đích chính là đầu ra của tân kỹ sư, cử nhân... phải đáp ứng được tiêu chuẩn tuyển dụng, để sinh viên ra trường có thể đi làm và phát triển bản thân, không tạo gánh nặng cho gia đình, xã hội".
- Tôi không có tiền vẫn quyết vào đại học
- Tăng học phí đại học vì giáo dục không thể cào bằng
- 'Học phí đại học 30 triệu đồng một năm không quá đắt'
- Tăng học phí đại học - 'sinh viên phải được đánh giá chất lượng giảng viên'
- Lương bố mẹ tăng một, học phí đại học của con tăng mười
- 'Lương mới ra trường không đổi nhưng học phí đã tăng nhiều lần'
- Đại học đua tăng học phí nhưng dạy hời hợt