Biểu thuế lũy tiến từng phần với người làm công ăn lương hiện gồm 7 bậc, thuế suất từ 5% đến 35%. Song biểu thuế dày và dồn ngay ở các bước thu nhập đầu là bất cập được giới chuyên gia nhiều lần góp ý cơ quan quản lý sửa đổi.
Tại dự thảo Luật Thuế Thu nhập cá nhân (thay thế) mới nhất, Bộ Tài chính đưa ra 2 phương án sửa đổi biểu thuế này, theo hướng giảm số bậc và nới rộng khoảng cách thu nhập.
Ở cả hai phương án, mức thuế tối thiểu 5% tương ứng với thu nhập tính thuế trong tháng là 10 triệu đồng (sau khi giảm trừ gia cảnh, các chi phí tính thuế khác). Mức thuế tối đa là 35%, với thu nhập tính thuế trên 80 triệu đồng (phương án 1) và 100 triệu đồng trở lên (phương án 2).
Theo Bộ Tài chính, việc thu hẹp số bậc thuế sẽ đơn giản trong quản lý, thu thuế, tạo thuận lợi cho kê khai và xu hướng cải cách thuế trên thế giới. Thực hiện theo hai phương án đều đáp ứng được mục tiêu giảm bậc, điều chỉnh thu nhập tính thuế ở từng bậc.
Đề xuất điều chỉnh bậc thuế của Bộ Tài chính:
Bậc thuế | Hiện hành | Phương án 1 | Phương án 2 | |||
Thu nhập tính thuế (triệu đồng/tháng) | Thuế suất (%) | Thu nhập tính thuế (triệu đồng/tháng) | Thuế suất (%) | Thu nhập tính thuế (triệu đồng/tháng) | Thuế suất (%) | |
1 | đến 5 | 5 | đến 10 | 5 | đến 10 | 5 |
2 | >5-10 | 10 | >10-30 | 15 | >10-30 | 15 |
3 | >10-18 | 15 | >30-50 | 25 | >30-60 | 25 |
4 | >18-32 | 20 | >50-80 | 30 | >60-100 | 30 |
5 | >32-52 | 25 | trên 80 | 35 | trên 100 | 35 |
6 | >52-80 | 30 | ||||
7 | trên 80 | 35 |
Tuy nhiên theo Bộ Tài chính, mức độ ảnh hưởng của hai phương án là khác nhau. Phương án 1 giảm thuế cho thu nhập trên 10 triệu đồng, phương án 2 giảm nhiều hơn cho thu nhập trên 50 triệu đồng.
Chẳng hạn, với phương án 1, cá nhân có thu nhập tính thuế 10 triệu đồng một tháng sẽ được giảm 250.000 đồng. Tương tự, thu nhập 30 triệu được giảm 850.000 đồng, thu nhập 40 triệu đồng là 750.000 đồng và trên 80 triệu khoảng 650.000 đồng...
Bộ Tài chính cho biết việc áp dụng thuế thu nhập cá nhân theo các mức lũy tiến từng phần là chính sách phổ biến trên thế giới. Hiện các nước đều áp dụng biểu thuế lũy tiến nhiều bậc, nhưng cách thức và phương thức thiết kế của mỗi quốc gia khác nhau. Xu hướng chung được một số quốc gia gần đây áp dụng là đơn giản biểu thuế thông qua giảm số bậc lũy tiến.
Về thuế suất, mức áp dụng cao nhất ở một số quốc gia điều chỉnh theo hướng tăng lên. Chẳng hạn, năm ngoái, Phần Lan tăng thuế suất cao nhất từ 57% lên 57,3%, Lithuania từ 20% lên 32%... Một số nước châu Á có mức thuế suất cao nhất 45% gồm Nhật Bản, Hàn Quốc, Trung Quốc, hoặc 30% (Malaysia) và 35% (Philippines, Indonesia).
Về số bậc thuế, các nước cũng thiết kế không giống nhau, như Singapore là 13 bậc thuế. Các nước tại châu Âu, Bắc Mỹ và châu Úc phần lớn áp dụng 5-6 bậc thuế. Riêng Mỹ có 7 bậc thuế, còn Albania là nước có số bậc ít nhất (2 bậc).
Phương Dung