"Bạn tôi đang ôm 5 lô đất nền ở Bình Phước (cũ) giá 6 tỷ đồng. Nợ ngân hàng hơn hai tỷ đồng. Đóng lãi được hai năm, giờ bán mỗi lô 800 triệu mà không ai mua".
Độc giả Kevin kể một trường hợp đang mắc kẹt vì ôm nhiều lô khi đất nền tỉnh gãy sóng.
Theo ghi nhận, thị trường đất nền ở nhiều tỉnh phía Bắc đột ngột rơi vào ảm đạm sau bốn tháng đầu năm tăng nhiệt. Nhiều khu vực từng tăng giá nhanh lên 30-40% vài tháng trước đó đã xuất hiện tình trạng nhà đầu tư thoát hàng, muốn "cắt lỗ" hàng trăm triệu đồng.
Độc giả Thành Luân cũng có người bạn mắc kẹt đất nền Bình Phước (cũ): "Bạn tôi đầu tư bốn, năm lô với khoản nợ gần năm tỷ ở Bình Phước. Giờ bán rất khó và chắc chắn lỗ, còn cố ôm thì tháng nào cũng đang đóng 45 triệu tiền lãi.
Thời gian tới, nếu có luật đánh thuế cao với nhà xây bỏ không và sở hữu bất động sản thứ hai trở lên, giá nhà đất chắc chắn sẽ giảm và trả về giá trị vốn có của nó".
Dữ liệu của kênh Batdongsan cũng cho thấy mức độ quan tâm đất nền tại Hà Nội và các tỉnh phía Bắc có xu hướng giảm tốc sau khi đạt đỉnh vào tháng ba, giảm lần lượt 15% và 5% theo tháng. Một số tỉnh sụt giảm mức độ quan tâm mạnh nhất gồm Hòa Bình (giảm 16%), Vĩnh Phúc (14%), Bắc Giang (11%), Hưng Yên (10%)...
Một nhân vật trong bài viết Đất nền tỉnh 'gãy sóng' rơi vào tình cảnh dở khóc dở cười: Bỏ gần một tỷ đồng đặt cọc ba lô đất trong ngõ, kỳ vọng thị trường tăng giá để sang tay kiếm lời. Tuy nhiên, thị trường trầm lắng sau khi dự án khởi công khiến anh phải rao bán lỗ nửa tỷ đồng vẫn chưa có người mua.
Không chỉ đất nền, độc giả nickname truongtlg cho biết đầu tư căn hộ cũng không gặt lợi nhuận như kỳ vọng và đưa ra nhận định:
"Người quen của tôi đầu tư chung cư Hà Nội năm 2023, giá 6 tỷ, lúc booking thì phải tranh suất mua. Giờ bàn giao xong thì bán phải cắt lỗ, để cho thuê thì chỉ được khoảng 11 triệu (2%). .
Đầu tư bất động sản không còn hiệu quả khi giờ giá vốn lên quá cao. Đầu tư bất động sản các tỉnh giá còn rẻ thì may ra mới có lợi nhuận".
Độc giả nickname nongdanmientay46 phân tích và đặt câu hỏi: "Đất ở thì cả nước diện tích đã gần 800 nghìn ha, nhân với 10.000 sẽ ra số mét vuông. Nếu bình quân mỗi người 40 mét vuông thì số lượng đó thừa đủ cung cấp cho 100 triệu người.
Đất nền khan hiếm và giá cao chỉ ở những khu vực trung tâm hay gần trung tâm các đô thị lớn, và chỉ phù hợp với người thu nhập cao. Vùng ngoại ô, vùng ven, tỉnh lẻ thì bao la đất ở, nhà ở để hoang, để trống. Các dự án mới vẫn tiếp tục triển khai và cung cấp thêm nhiều nền, nhiều nhà, nhiều căn hộ, tại sao giá chỉ có tăng?".
Nhu cầu đầu tư đất nền vẫn còn rất nhiều, một số độc giả đã phân vân khi có ý định đầu tư và gửi các câu hỏi nhờ tư vấn trong thời gian gần đây: Công chức chuẩn bị về hưu, nên mua đất vùng ven hay chung cư cũ nội thành?, Có nên tất toán sổ tiết kiệm 700 triệu đồng để đầu tư đất hơn một tỷ?.
Nhiều bạn đọc có chung quan điểm với độc giả hoahoa:
"Mua đất bây giờ không chỉ cần có tiền mà còn phải có tỉnh táo. Thấy người ta đổ xô mua là làm theo, đến khi thị trường chững thì ôm hàng không bán nổi.
Tốt nhất vẫn là chọn dự án rõ pháp lý, có quy hoạch bài bản, chủ đầu tư uy tín. Vừa an tâm về lâu dài, vừa có tiềm năng tăng giá thật chứ không phải sốt ảo. Chứ ôm đất lẻ ở đâu đó rồi chờ... hên xui thì rủi ro lắm".
Hữu Nghị tổng hợp