Kết quả phân tích ảnh viễn thám và học máy được công bố vào tháng 6 của Trung tâm Nhiệt đới Việt - Nga trên khu vực rộng 160 km2 cho thấy từ năm 2002-2024, vịnh Nha Trang mất khoảng 191 ha rạn san hô, tập trung ở khu vực xung quanh đảo hòn Mun, hòn Một, hòn Tằm, hòn Miễu, hòn Tre.

Thành viên Ban quản lý vịnh Nha Trang kiểm tra, giám sát rạn san hô. Ảnh: Bùi Toàn
Trong đó, phát triển hạ tầng ven biển bao gồm xây dựng đường sá, khu nghỉ dưỡng và cảng biển đã kích hoạt những thay đổi lớn về sử dụng đất ở vịnh Nha Trang, gây thất thoát 125 ha rạn san hô trong giai đoạn 2002-2016.
Năm 2001, Ban quản lý (BQL) vịnh Nha Trang được thành lập vào năm 2001, tuy nhiên tình trạng suy giảm vẫn tiếp diễn do nhiều nguyên nhân như ô nhiễm từ đất liền, khai thác hải sản trái phép, hiện tượng sao biển gai bùng phát và nhiệt độ nước biển tăng dần - đạt ngưỡng 30 độ C, mức gây ra tẩy trắng san hô. Ngoài ra, 32 cơn bão trong hơn hai thập kỷ cũng làm hệ sinh thái biển bị tổn hại nặng nề.
Thạc sĩ Mai Thuận Lợi, Trung tâm Nghiên cứu và Phát triển Du lịch bền vững, Trường Đại học Khoa học Xã hội và Nhân văn TP HCM, cho biết tình trạng tẩy trắng và chết hàng loạt của san hô đang đe dọa nghiêm trọng đến đa dạng sinh học cũng như sức hút du lịch biển đảo tại Nha Trang.
"San hô không chỉ là nơi cư trú của hàng trăm loài sinh vật biển mà còn là điểm nhấn trong các tour lặn biển tại vịnh Nha Trang", ông Lợi nói.

Bản đồ khoanh vùng san hô tại vịnh Nha Trang. Ảnh: Nguyễn Trinh Đức Hiếu/Trung tâm Nhiệt đới Việt - Nga.
Theo BQL vịnh Nha Trang, hiện phân khu Hòn Mun đã tạm dừng hoàn toàn hoạt động du lịch để bảo tồn hệ sinh thái. Các khảo sát do đơn vị phối hợp với Viện Hải dương học và Trung tâm Nhiệt đới Việt - Nga thực hiện cho thấy san hô khu vực này có dấu hiệu phục hồi, nhưng rất chậm - trung bình chỉ tăng khoảng 1 cm mỗi năm đối với loài san hô cứng tạo rạn.
Trong khi đó, san hô ở khu vực Hòn Chồng đang phát triển tốt hơn, với độ phủ trung bình đạt 32,4%. Ban quản lý cũng đề xuất xã hội hóa công tác bảo tồn tại các vùng như Sông Lô - Cù Hin, Hòn Lao - Lương Sơn, huy động doanh nghiệp tham gia bảo vệ hệ sinh thái.
Hiện các hoạt động bảo tồn tại vịnh Nha Trang bao gồm phối hợp với các câu lạc bộ lặn và tình nguyện viên để giám sát hệ sinh thái, thu gom rác dưới đáy biển, bắt sao biển gai và theo dõi hiện tượng tẩy trắng. Khi có sự cố môi trường, BQL vịnh chủ động phối hợp với các nhà khoa học để xử lý.
Công tác xã hội hóa bảo tồn cũng được thúc đẩy thông qua việc trồng lại rừng ngập mặn tại sông Tắc, Đầm Báy và thả giống thủy sản nhân dịp Ngày môi trường thế giới, Ngày đa dạng sinh học. Ngoài ra, BQL vịnh Nha Trang đang xây dựng đề án thành lập vườn ươm cung cấp giống san hô, thử nghiệm mô hình rạn nhân tạo kết hợp với du lịch sinh thái và nghề cá giải trí.

Ngành chức năng dọn rác dưới đáy biển để bảo vệ san hô. Ảnh: Nhân Bùi
Tuy nhiên, BQL Vịnh Nha Trang cho biết công tác bảo tồn gặp khó do thiếu cơ chế phối hợp liên ngành, nhận thức cộng đồng còn hạn chế và khó khăn về tài chính, nguồn thu chưa đủ đáp ứng hoạt động bảo tồn.
Theo Thạc sĩ Lợi, nếu không có những biện pháp quản lý tài nguyên biển hiệu quả và quyết liệt, du lịch Nha Trang sẽ đánh mất bản sắc. Cảnh quan dưới biển đang dần biến mất. Nếu trải nghiệm không giống với những gì được quảng bá, đặc biệt với khách quốc tế, họ sẽ cảm thấy hụt hẫng và ít có khả năng quay lại.
Bên cạnh biến đổi khí hậu, các chuyên gia cũng chỉ ra rằng những hoạt động thiếu kiểm soát trong quá khứ như neo đậu sai vị trí, lặn không đúng quy định hay xả thải ra biển là nguyên nhân khiến hệ sinh thái rạn san hô suy yếu nhanh chóng.
"Phục hồi san hô là quá trình dài hơi. Cần kiên trì, đồng bộ và đặt yếu tố bảo tồn lên hàng đầu", ông Lợi nhấn mạnh.
- Cẩm nang du lịch Nha Trang
- 4 tiếng trải nghiệm ngắm vịnh Nha Trang trên du thuyền
- Lặn ngắm san hô, khám phá đáy vịnh Nha Trang
Tuấn Anh