Ngày 24/7, Viettel cho biết đây là một trong các phương án được nhà mạng chuẩn bị nhằm sẵn sàng cho việc cứu hộ cứu nạn ở trường hợp khẩn cấp.
Drone có thể bay ở độ cao 50-100 m, tạo vùng phủ sóng với bán kính đạt 6 km, giúp tiếp cận các khu vực ngập lụt, sạt lở hoặc địa hình đồi núi che chắn trong điều kiện các tuyến đường bị cô lập, xe phát sóng không thể tiếp cận, đảm bảo thông suốt liên lạc phục vụ công tác tìm kiếm cứu nạn.

Hệ thống drone phát sóng trong quá trình thiết lập thử nghiệm. Ảnh: VT
Việc dùng drone phát sóng từng được Viettel mang đến giới thiệu tại triển lãm MWC 2025 tại Tây Ban Nha hồi đầu năm. Giải pháp sử dụng máy bay không người lái có khả năng mang tải 35-45 kg, gắn thiết bị thu phát sóng trên thân, được kết nối với các thiết bị mặt đất bằng hệ thống cáp hybrid siêu nhẹ, dài 100-200 m, tích hợp cả điện và tín hiệu quang.
Khi sử dụng, nguồn điện xoay chiều 380 V lấy từ điện lưới hoặc máy phát điện dưới mặt đất sẽ được chuyển thành điện áp một chiều 1.000 V để truyền tải lên drone. Module chuyển đổi nguồn lắp trên cao giúp cấp nguồn điện liên tục, ổn định duy trì thiết bị bay liên tục trong thời gian dài. Ngoài ra, drone cũng tích hợp pin dự phòng có chức năng đảm bảo hạ cánh khẩn cấp khi mất nguồn xoay chiều dưới đất.
"Giải pháp cho phép thiết lập dịch vụ trong vòng 1-2 tiếng với drone mang bộ thiết bị phát sóng và ăng-ten lên cao 50-100 m, kết hợp truyền dẫn vệ tinh, cung cấp vùng phủ sóng với bán kính đến 6 km cho dịch vụ 4G", Viettel cho biết. Ngoài ra, hệ thống có thể hoạt động trong thời gian dài đến 24 tiếng.

Phiên bản drone phát sóng di động được Viettel trình diễn tại MWC 2025. Ảnh: VT
Ngoài drone, nhà mạng này cho biết đã sẵn sàng các phương án dự phòng ắc-quy, máy phát điện để vận hành trạm trong điều kiện bị ảnh hưởng bởi thiên tai. Ngoài ra, 100 đội ứng cứu thông tin nhà trạm, tuyến cáp được điều động, 150 đội xử lý sự cố thuê bao băng rộng cố định và 30 đội sửa chữa máy phát điện đến hỗ trợ các tỉnh bị ảnh hưởng bởi bão và hoàn lưu.
Trước đó, dưới sự chỉ đạo của Bộ Khoa học và Công nghệ, các nhà mạng đã mở roaming, liên thông sóng viễn thông để người dùng nhà mạng này có thể sử dụng sóng từ nhà mạng khác trong trường hợp một nhà mạng gặp sự cố.
Đến ngày 24/7, Viettel cho biết đã mở roaming tại 27 xã ở Nghệ An, đảm bảo cho thuê bao di động trong các khu vực này cơ bản duy trì hoạt động, đáp ứng nhu cầu liên lạc cho công tác cứu hộ, cứu nạn; đồng thời cộng 20.000 đồng vào tài khoản cho 31.000 khách hàng để duy trì liên lạc trong lúc khẩn cấp.
Tại phiên họp lần thứ nhất của Ban Chỉ đạo về công tác phòng chống thiên tai và tìm kiếm cứu nạn năm 2025, chiều 24/7, Thứ trưởng Phạm Đức Long cho biết Bộ Khoa học và Công nghệ đã yêu cầu các nhà mạng chuyển vùng dữ liệu cho nhau khi xảy ra sự cố thiên tai, đảm bảo thông tin liên lạc thông suốt. "Chúng tôi cũng đề nghị các địa phương lập tổ ba người để đảm bảo trong ba nhà mạng ít nhất có một trạm kiên cố tại địa phương. Khi đã có trạm kiên cố phải đảm bảo máy phát điện, nhiên liệu ít nhất là 5-7 ngày để khi xảy ra sự cố sẽ đảm bảo việc phát sóng", Thứ trưởng nói.
Lưu Quý