Mùa thu 2010, Quốc thiều cất lên cũng là lúc 21 loạt đại bác 122 mm rền vang từ hoàng thành, mở màn cho lễ kỷ niệm nghìn năm Thăng Long - Hà Nội. Trực thăng mang cờ Tổ quốc bay qua lễ đài trên quảng trường Ba Đình trong sự đón chào của 40.000 đồng bào, chiến sĩ. Đó là năm đầu tiên Lữ đoàn 45 thuộc Binh chủng Pháo binh đảm nhận nhiệm vụ bắn pháo lễ.
Bắn 21 loạt đại bác - nghi thức chào mừng cấp quốc gia dịp trọng đại, đón thượng khách từ đó đến nay đều do Đội pháo lễ Lữ đoàn 45 đảm nhận. Lữ đoàn 45 tiền thân là Trung đoàn Tất Thắng - đơn vị từng bắn phát đạn mở màn cho chiến dịch Điện Biên Phủ năm 1954 và loạt đạn kết thúc chiến dịch Hồ Chí Minh năm 1975.
Dàn pháo lễ luyện tập chuẩn bị cho đại lễ 80 năm Quốc khánh 2/9. Video: Anh Phú
Trung tá Nguyễn Mạnh Hùng, Phó Lữ đoàn trưởng Lữ đoàn Pháo binh 45 kiêm Đội trưởng Đội pháo lễ, năm ấy là thiếu úy mới ra trường, giữ vị trí Trung đội trưởng Trung đội 1. Anh kể lính pháo binh dày dặn kinh nghiệm huấn luyện, tự tin vận hành những khẩu đại bác nặng hàng tấn, song lần đầu tiên làm quen với pháo lễ "có nhiều áp lực". "Lo vì ngày ấy chưa ai biết gì về pháo lễ, nghi thức, không giáo trình, không người hướng dẫn, không động tác mẫu", anh nhớ lại.
15 khẩu đại bác Binh chủng Pháo binh bàn giao cho đơn vị là lựu pháo 122 mm sau khi tiếp nhận từ Bộ Tư lệnh Thủ đô, tháng 3/2010. Một tháng sau, Lữ đoàn 45 bắt đầu tuyển chọn chiến sĩ, hội quân để luyện tập. Pháo thủ được chọn đều là chiến sĩ nghĩa vụ, cao từ 1,7 m trở lên, ngoại hình ưa nhìn, tác phong chuẩn.
Lựu pháo giao về biên chế cho 5 trung đội. Mỗi trung đội đảm nhận 3 khẩu, mỗi khẩu 3 pháo thủ vận hành, một trung đội trưởng chỉ huy. Trung đội 1 do anh Hùng phụ trách lãnh nhiệm vụ bắn 5 loạt gồm mở màn và kết thúc, bốn trung đội còn lại bắn 16 loạt giãn cách đều.
Bộ đội những ngày đầu luyện tập với đại bác 122 mm - loại pháo xe kéo nặng hơn 3 tấn mỗi khẩu. Khóa nòng là loại then dọc, cò điểm hỏa không có độ rơ lớn khiến các pháo thủ mất thêm thời gian chuẩn bị lẫn thao tác. Đạn pháo lễ loại 122-M30 nhiều khói, thuốc phóng không cháy hết nên sau mỗi lần bắn phải dọn rất vất vả.
Quốc thiều kéo dài 54 giây, nốt nhạc đầu tiên vang lên cũng là thời điểm khai hỏa loạt đại bác thứ nhất và nốt cuối cùng kết thúc là lúc loạt 21 bắn xong. Lính pháo binh phải tính toán sao cho mỗi loạt cách nhau 2,7 giây. Bộ đội luyện tập cả ngày lẫn đêm. Số lần thao tác đóng mở khóa nòng, nạp đạn vào buồng, giật cò điểm hỏa sau khẩu lệnh của chỉ huy được "tính bằng hàng chục nghìn".

Pháo thủ Lữ đoàn 45 luyện tập bắn 21 phát đại bác chuẩn bị cho dịp A80, tháng 7/2025. Ảnh: Giang Huy
Từng động tác hoàn thiện dần sau nửa năm luyện tập. Đêm trước 10/10/2010, trung đội trưởng Hùng có chút hồi hộp trước nhiệm vụ lớn đầu tiên trong đời. Nhưng chỉ huy động viên bộ đội "ăn no ngủ kỹ" để làm nhiệm vụ. Sáng mùa thu năm ấy, nhiệm vụ đầu tiên hoàn thành, khai màn cho đại lễ. Đêm 10/10 trên đường cơ động về đơn vị ngang qua sân vận động Mỹ Đình, xe di chuyển chậm qua dòng người đúng lúc pháo hoa rực sáng trời. Đại lễ trở thành ngày vui trọn vẹn với những người lính pháo binh.
Động tác được các thế hệ pháo lễ bổ sung, đến nay đã "viết thành giáo trình". Trận địa thường đặt ở hoàng thành, bộ đội phải tính toán cự ly, tốc độ, hướng gió, tốc độ truyền âm trong không khí kết hợp thao tác chỉ huy truyền đến pháo thủ để bắn đón cho loạt mở màn và loạt kết thúc.
"Tính toán sao cho khi tiếng pháo mở màn truyền tới Phủ Chủ tịch cũng là lúc Quân nhạc cất nốt đầu tiên trong bản Quốc thiều, cùng thời điểm thượng khách nghe được đại bác chào mừng", anh Hùng lý giải.
Những lần đón khách quốc tế, Đội pháo lễ luyện nghe Quốc thiều hai nước trước khi tập bắn. 21 loạt đại bác lúc này được chia đều căn cứ trên tổng độ dài hai bản nhạc cộng khoảng lặng chuyển tiếp. Nhiệm vụ thường được giao 5-7 ngày trước khi lễ đón chính thức diễn ra. Chiến sĩ vì thế gấp rút tập luyện cả ngày lẫn đêm. Bởi kiêm nhiệm nên ngày thường bộ đội về đơn vị sinh hoạt, huấn luyện sẵn sàng chiến đấu, khi có lệnh mới tập trung.
"Bắn pháo lễ tính bằng khoảnh khắc nên không được phép sai sót vì là thể diện quốc gia, cũng là nghi thức mở màn cho sự kiện trọng đại của đất nước", Đội trưởng Pháo lễ nhấn mạnh.

Dàn đại bác khai hỏa 21 loạt tại Hoàng thành Thăng Long trong lễ đón Tổng thống Nga Putin, tháng 6/2024. Ảnh: Việt Trung
Năm 2015, dàn pháo lễ đổi từ đại bác 122 mm sang lựu pháo 105 mm. Đạn cũng được Nhà máy Z113 cải tiến, giảm khói, độ an toàn cao hơn giúp các chiến sĩ vận hành thuận lợi.
Anh Hùng điểm lại ngoài 21 phát đại bác chào mừng 50 năm Giải phóng miền Nam thống nhất đất nước do Lữ đoàn 96 đóng quân phía Nam đảm nhiệm, còn lại đều do Lữ đoàn 45 phụ trách. Chuyến đi cảm xúc nhất là dịp kỷ niệm 70 năm chiến thắng Điện Biên Phủ. Pháo lễ cơ động từ Hà Nội lên Điện Biên làm nhiệm vụ - nơi mà 70 năm trước, Trung đoàn Tất Thắng từng bắn phát đại bác đầu tiên vào cứ điểm Him Lam mở màn cho chiến dịch lịch sử. Cán bộ chiến sĩ đi thăm trận địa pháo của Đại đội 806, nơi cha ông từng kéo pháo vào kéo pháo ra làm nên kỳ tích chiến trường.
Dịp 80 năm Quốc khánh, Binh chủng Pháo binh góp mặt ba lực lượng gồm Đội pháo lễ, Khối chiến sĩ Pháo binh và Khối xe pháo quân sự có các loại pháo, tên lửa. Đội pháo lễ tập trung luyện tập từ giữa tháng 5. "Pháo thủ số 3 khẩu 3, khi mang đạn bị lệch hàng ngang 3 cm, khi quay về vị trí ban đầu động tác phải dứt khoát, cần rút kinh nghiệm ngay", tiếng Đội phó Nguyễn Quốc Hải hô vang trên thao trường tập bắn pháo lễ.
Anh Hải cho hay mỗi khẩu đại bác được vận hành bởi ba chiến sĩ. Pháo thủ số 1 giật cò điểm hỏa, số 2 đóng mở khóa nòng và số 3 nạp đạn vào buồng. Sau khẩu lệnh nạp đạn của chỉ huy, pháo thủ số 3 phải hoàn thành thao tác trong 3 giây để đồng đội mở khóa nòng và giật cò khai hỏa. Muốn đạt tốc độ này, mỗi chiến sĩ phải trải qua 10-15 ngày và toàn đội hình mất khoảng một tháng luyện tập.

Các pháo thủ số 1 mỗi ngày luyện tập hàng trăm lần thao tác giật cò điểm hỏa. Ảnh: Giang Huy
Mỗi trung đội ba khẩu lựu pháo sẽ đồng loạt khai hỏa để 3 phát đại bác tạo thành tiếng nổ duy nhất. Các pháo thủ số 1 bắt buộc phải giật cò điểm hỏa cùng lúc, sai lệch dù là tích tắc sẽ tạo thành hai tiếng nổ. Pháo thủ số 1 - người quan trọng nhất mỗi ngày thực hành điểm hỏa hàng trăm lần, ròng rã nhiều tháng, đến mức lòng bàn tay dày đặc vết chai.
"Với những thao tác yêu cầu chính xác gần như tuyệt đối, tốc độ tính bằng một phần trăm giây thì cách duy nhất là chia nhỏ tập nhiều cho thành kỹ năng kỹ xảo", Đội phó Hải lý giải về yêu cầu khắt khe.
Mỗi ngày kết thúc luyện tập, chiến sĩ đem khóa nòng, kim hỏa đi rửa sạch tránh bị muội ám - khâu bảo quản bắt buộc phải làm thường xuyên. Một tốp pháo thủ đứng cạnh đại bác 105 mm - khí tài sẽ cùng họ làm nhiệm vụ trong lễ kỷ niệm 80 năm Cách mạng Tháng Tám và Quốc khánh 2/9, chụp tấm hình lưu niệm. Những chàng trai cầu vai cùng đeo hàm hạ sĩ, mặc quân phục thường dùng, tới ngày Quốc khánh sẽ có trang phục riêng dành cho Đội pháo lễ.
15 năm qua đi với bao mùa huấn luyện, những lớp chiến sĩ nghĩa vụ vào Đội pháo lễ rồi rời đi khi hoàn thành nghĩa vụ quân sự. Thành viên mới được bổ sung liên tục cho nhiệm vụ cấp quốc gia. Trung tá Hùng nhớ ngày 30/1/2024, Đội pháo lễ vẫn làm nhiệm vụ trong lễ đón Tổng thống Philippines và phu nhân thăm Việt Nam trong điều kiện toàn bộ pháo thủ là chiến sĩ sẽ hoàn thành nghĩa vụ quân sự vào ngày 31/1.
"Cường độ tập dày đặc nhưng ai cũng gắng sức. Bởi bắn 21 loạt đại bác vừa là vinh dự vừa là trọng trách, với một số chiến sĩ có thể là lần duy nhất trong đời", anh nói.
Hoàng Phương