Chị nói: "Bản đồ số không thể xóa ký ức". Câu nói khiến tôi nhớ lại lời một người thầy: "Một đô thị không bản sắc giống như một đô thị mất trí nhớ". Đối với người dân, những ngõ nhỏ, con phố, hàng cây, đều mang theo ký ức và tình cảm. Và không một cảm biến nào có thể đo lường được điều đó.
Khái niệm "đô thị thông minh" (smart city) ngày càng trở thành một diễn ngôn toàn cầu về hiện đại hóa đô thị trong kỷ nguyên dữ liệu. Tuy nhiên, "thông minh" không phải là một khái niệm đơn nghĩa, mà gắn với cả tiến bộ kỹ thuật lẫn dự phóng về một trật tự xã hội mới, nơi công nghệ chi phối cách con người sống, học tập và tương tác. Phía sau "nhãn hiệu" đó là những giả định phức tạp về công nghệ và quyền lực, nơi dữ liệu không chỉ hỗ trợ mà còn kiểm soát, biến đô thị thành một cỗ máy định hình hành vi. Chính vì vậy, khi đứng trước lựa chọn, dường như người dân sẽ nghiêng về một đô thị đáng sống, nơi có cảm xúc, ký ức và sự gắn bó, hơn là một đô thị quá thông minh, nhưng thiếu vắng nhân văn.
Các mô hình smart city thường được giới thiệu bằng hình ảnh của dịch vụ một chạm, giao thông không tắc nghẽn, ngập úng được cảnh báo sớm, hay rác thải được quản lý tự động. Câu hỏi đặt ra: Dữ liệu chỉ là công cụ, hay là thiết kế quyền lực? Liệu một thành phố có thể thực sự thông minh nếu không lắng nghe ký ức, cảm xúc và sự tham gia của chính cộng đồng cư dân?
Dữ liệu là viên gạch nền của đô thị thông minh. Nó tưởng như trung lập, nhưng lại chứa đựng lựa chọn về giá trị và cấu trúc quyền lực. Khi không có minh bạch, thiếu phản biện xã hội, dữ liệu dễ trở thành công cụ kỹ trị. Kinh nghiệm từ Thượng Hải hay Thâm Quyến cho thấy nguy cơ của chủ nghĩa kỹ trị thụ động (passive technocracy), nơi công nghệ kiểm soát thay vì phục vụ, và quyền riêng tư dễ bị tổn thương. Trong bối cảnh đó, các nguyên tắc như dữ liệu công, đồng thuận thông tin, hay quyền riêng tư số cần được coi là nền tảng đạo đức trong quy hoạch đô thị.
Đô thị thông minh nếu không được hiểu đúng sẽ làm trầm trọng thêm khoảng cách số và bất công xã hội. Tại Việt Nam, số liệu thống kê năm 2023 cho thấy, dù có tới 76,95 triệu người dùng mạng xã hội (97,8% dân số từ 13 tuổi trở lên), nhưng chỉ 12% người cao tuổi sở hữu điện thoại thông minh. Những khác biệt này không đơn thuần mang tính kỹ thuật, mà có nguy cơ tạo ra một tầng lớp đô thị thông minh bên cạnh một ngoại biên kỹ thuật số bị bỏ lại phía sau, không phải vì họ thiếu nhu cầu, mà vì họ không có công cụ hoặc kỹ năng để tham gia.
Điều này đặt ra yêu cầu rõ ràng, là xây dựng đô thị thông minh không thể chỉ dừng ở đầu tư hạ tầng số, mà đòi hỏi một chiến lược giáo dục công nghệ toàn diện. Nâng cao năng lực số từ nhận thức về quyền riêng tư đến kỹ năng sử dụng dịch vụ công, cần trở thành phần cốt lõi trong chính sách công, đặc biệt với các nhóm dễ bị tổn thương như người nhập cư, người cao tuổi, thanh thiếu niên ngoại thành và lao động phi chính thức.
Bên trong các phòng hội thảo, những từ khóa như Data-driven Urbanism (Đô thị dựa trên dữ liệu) hay Citizen-centric Planning (Quy hoạch lấy người dân làm trung tâm) được trình bày như lẽ tất yếu của tiến bộ. Nhưng bước ra ngoài, sóng yếu khiến app phản ánh không gửi được ý kiến đánh giá, cụ bà vẫn phải đến UBND xin tờ thông tin y tế bằng giấy viết tay. Nếu đô thị thật sự thông minh, thì trước hết nó cần thông minh đúng chỗ, ở những nơi mỗi cá nhân thực sự cần đến tiếng nói và sự kết nối.
Trên thế giới, bài học từ Barcelona hay Toronto đều đáng suy ngẫm. Barcelona không nổi bật bởi cảm biến, mà bởi Decidim, được biết đến như một nền tảng tham vấn cộng đồng mở, nơi mọi quyết sách đều có không gian đối thoại. Ngược lại, Sidewalk Labs tại Toronto, dù được hậu thuẫn bởi Google, vẫn bị đình chỉ do lo ngại về quyền riêng tư và sự thiếu minh bạch. Công nghệ không phải là yếu tố quyết định, mà chính là cách nó được vận hành và kiểm soát.
Ở Việt Nam, không thiếu các khu đô thị lắp camera khắp nơi, nhưng rác vẫn chất đống ngay cạnh thùng, bởi thiếu sự đồng thuận, thiếu ý thức hơn là thiếu công nghệ. Dữ liệu được thu thập dường như chỉ để báo cáo mà không quay lại đời sống người dân. Một ví dụ là bản đồ cộng đồng từng được triển khai tại Thủ Đức. Người dân từng rất hứng khởi khi có thể gắn ghim các vị trí quan trọng như hiệu thuốc, nhà gửi trẻ, điểm đỗ xe máy... Nhưng khi dự án kết thúc, dữ liệu dần trở nên lỗi thời do không được duy trì cập nhật.
Dữ liệu phải sống, và để sống, nó cần được tạo cảm xúc. Một bác xe ôm già thuộc lòng giờ tan trường, biết rõ chỗ tắc đường, là một cảm biến sinh học đáng tin hơn bất kỳ thiết bị nào. Hay trong các đô thị di sản như Hội An, Huế, người ta nhận thấy biển QR code hiện đại chưa thể thay thế hoàn toàn cho các tấm biển gỗ cũ, các vết mòn đá vỉa hè, hay câu chuyện kể lại của một cụ ông trông đình. Đó là những dữ liệu mềm, nhưng lại mang trọng lượng văn hóa không thể số hóa.
Không có cảm biến nào đo được nỗi buồn của cư dân khi đường phố họ ở còn chưa có bến xe buýt, hay khi một cây xanh bị bật gốc sau cơn bão. Nhưng những cư dân ấy thì cảm được và phản hồi bằng cách rút lui khỏi cuộc đối thoại đô thị, nếu tiếng nói của họ nằm ngoài vùng của những tổ chức và thiết bị nhập liệu.
Do đó, dữ liệu, thay vì chỉ là chỉ số, cần được định nghĩa lại như một không gian sống, nơi mỗi câu nói như "Chỗ này cần cây xanh" hay "Đoạn phố này hay ngập" trở thành thông tin thiết yếu, không kém phần quan trọng so với dashboard AI hay bản đồ GIS.
Một thành phố thông minh, nếu muốn bền vững, không chỉ cần công nghệ mà còn cần một trái tim không làm bằng vi xử lý, mà bằng mạch sống của mỗi cư dân đô thị. Và không chỉ bằng dữ liệu, mà bằng trí nhớ tập thể.
Trước khi trở nên thông minh, một thành phố cần học cách lắng nghe, để nó trở thành thành phố đáng sống.
Phạm Trọng Thuật