Cần Giờ - huyện biển duy nhất tại TP HCM nhưng cũng có mật độ dân số thấp nhất thành phố với khoảng 73.000 người, tương đương 106 người/km2. Tỷ trọng kinh tế nơi đây chủ yếu dựa vào các hộ kinh doanh nhỏ lẻ, chưa có khu công nghiệp lớn, hạn chế về hạ tầng kết nối.
Điều này sẽ thay đổi khi TP HCM triển khai loạt dự án hạ tầng trọng điểm vào năm 2024. Các công trình được kỳ vọng tạo ra bước đệm quan trọng để mở cánh cửa phát triển khu vực Cần Giờ. Theo GS.TS. Đặng Hùng Võ, nếu phát triển thành công khu vực biển Cần Giờ thành điểm trung chuyển quốc tế trên tuyến giao thương Thái Bình Dương - Ấn Độ Dương, TP HCM sẽ thêm tiềm năng hội nhập kinh tế quốc tế.
Cần Giờ cách trung tâm TP HCM khoảng 50 km, giáp biển với chiều dài 23 km. Địa phương có tổng diện tích hơn 71.300 ha, trong đó trên 70% là rừng ngập mặn và sông rạch.
Hạ tầng là yếu tố quan trọng trong phát triển kinh tế. Tuy vậy tại Cần Giờ hiện nay, đường Rừng Sác vẫn là cung độc đạo nối huyện biển với trung tâm TP HCM. Con đường dài khoảng 36 km, có 4-6 làn xe, chạy xuyên qua khu dự trữ sinh quyển rừng ngập mặn Cần Giờ.
Khi loạt dự án hạ tầng nghìn tỷ được thành phố đầu tư triển khai, huyện biển sẽ thoát thế "hẻm cụt", cộng hưởng cùng khu đô thị ESG sắp thành hình để chuyển mình thành vùng đệm kết nối với các trung tâm kinh tế lân cận.
Cầu Cần Giờ, công trình giao thông chiến lược với tổng mức đầu tư 10.000 tỷ đồng, sẽ rút ngắn thời gian di chuyển từ trung tâm TP HCM xuống Cần Giờ từ gần hai giờ còn chưa đến 30 phút.
Cầu Cần Giờ vượt sông Soài Rạp, nối huyện Cần Giờ qua Nhà Bè. Công trình được nghiên cứu có tổng chiều dài khoảng 7,3 km, nối từ đường 15B (song song Huỳnh Tấn Phát, huyện Nhà Bè), sau đó vượt sông nối vào đường Rừng Sác ở Cần Giờ, tổng vốn đầu tư dự kiến hơn 10.500 tỷ đồng.
Đường sắt đô thị tốc độ cao Cần Giờ dài gần 49 km nối quận 7 sang Khu đô thị lấn biển Cần Giờ, khi hoàn thiện sẽ tạo hành lang giao thương mạnh giữa miền Tây, TP HCM và miền Đông Nam Bộ. Tuyến dài gần 49 km nối quận 7 sang Khu đô thị lấn biển Cần Giờ. Điểm bắt đầu là đại lộ Nguyễn Văn Linh (quận 7), theo đường Nguyễn Lương Bằng, vượt sông tới đường Rừng Sác xuống Khu đô thị lấn biển Cần Giờ. Tuyến dự kiến liên kết với Metro số 4 (depot Nhị Bình, Hóc Môn - Khu đô thị Hiệp Phước, Nhà Bè). Dự án được nghiên cứu thực hiện trong giai đoạn 2025-2028. Dự án do Vingroup đầu tư xây dựng.
Tuyến cao tốc Bến Lức – Long Thành, dài khoảng 58 km, đi qua Long An - TP HCM - Đồng Nai. Thành phố có kế hoạch xây dựng nút giao thông kết nối trực tiếp từ cao tốc Bến Lức - Long Thành xuống đường Rừng Sác. Khi hoàn thành, nơi đây đóng vai trò điểm giao chiến lược, giúp huyện Cần Giờ kết nối nhanh chóng với Long An, Đồng Nai, đặc biệt là sân bay Long Thành mà không cần đi qua trung tâm TP HCM.
Ngoài ra, thành phố cũng đẩy mạnh phát triển các cảng biển, trung tâm logistics và du lịch sinh thái ven biển.
Những công trình hạ tầng tăng tính kết nối liên vùng, thay đổi hoàn toàn diện mạo Cần Giờ, hình thành mũi nhọn mới cho TP HCM: kinh tế biển.
PGS.TS Trần Đình Thiên, Nguyên Viện trưởng Viện Kinh tế Việt Nam đánh giá các công trình hạ tầng mới, cùng đô thị lấn biển Vinhomes Green Paradise giúp kết nối Cần Giờ với Bà Rịa Vũng Tàu với Long An theo hướng biển. "Cần Giờ đang khẳng định sự kết nối hoàn toàn mới, đánh thức cả vùng bờ biển", ông nói.
Hơn thế, theo PGS.TS Trần Đình Thiên, khả năng kết nối của công trình sẽ tạo ra sự chuyển động liên ngành và có thể kết nối với những vùng khác. Nơi đây sẽ là sức kéo để cả vùng đi lên theo chiều hướng hiện đại hội nhập toàn cầu dựa trên nền tảng công nghệ cao và hiện đại. Đô thị còn có sức hút to lớn, thu hút nhân tài và giới nhà giàu. Tổng hợp lại, chuyên gia tin rằng khu đô thị sẽ tạo thành tổ hợp có sức mạnh to lớn hơn rất nhiều, đây sẽ là vai trò mang tính dẫn dắt mang tính then chốt của khu đô thị lấn biển Cần Giờ.
Đồng tình, GS.TS. Đặng Hùng Võ, Nguyên Thứ trưởng Tài nguyên và môi trường phân tích Cần Giờ vốn là cửa ngõ ra biển duy nhất của TP HCM. Vị trí này đóng vai trò chiến lược khi TP HCM nằm giữa hai vùng kinh tế trọng điểm: Đông Nam Bộ – trung tâm công nghiệp của cả nước và Tây Nam Bộ – vùng nông nghiệp lớn nhất Việt Nam. Trong mối liên kết này, TP HCM nên phát triển dịch vụ biển – lĩnh vực có tiềm năng rất lớn.
Trong bối cảnh này, GS.TS. Đặng Hùng Võ tin rằng dự án đô thị biển của Vingroup sẽ tạo ra cảnh quan đặc biệt chưa từng có. Khi phát triển được kinh tế biển và trở thành siêu đô thị cấp quốc tế, TP HCM có thể giành giật lại vị trí địa kinh tế trước đây của Bangkok, Singapore: tạo ra một điểm trung chuyển trên tuyến giao thông Thái Bình Dương - Ấn Độ Dương.
Những thay đổi này sẽ giúp TP HCM và Cần Giờ không còn là "ngọc trong đá" mà thoát khỏi rào cản, phát huy những tiềm năng vốn có.
PGS.TS Nguyễn Chu Hồi, Phó chủ tịch thường trực Hội Thủy sản Việt Nam, đánh giá sự ra đời của đô thị biển Cần Giờ sẽ tạo ra một cực phát triển lớn cho khu vực. Sắp tới, khi TP HCM sáp nhập tỉnh Bà Rịa - Vũng Tàu, đây sẽ là một tỉnh có thế mạnh về kinh tế biển. Vì vậy, việc phát triển Cần Giờ không chỉ tạo ra một cực phát triển cho kinh tế biển của thành phố mà còn thúc đẩy việc tổ chức lại không gian phát triển khu vực biển và ven biển của thành phố.
Vinhomes Green Paradise, quy mô 2.870 ha, định vị theo mô hình ESG - kiến tạo một đô thị tương lai xanh, bền vững và toàn diện. Khu đô thị được thiết kế hài hòa giữa không gian sống hiện đại và yếu tố thiên nhiên. Các hạng mục như tổ hợp giải trí, khu nghỉ dưỡng ven biển, nhà hát, sân golf, biển hồ nhân tạo... đều được quy hoạch đồng bộ, theo định hướng sinh thái. Trong đó, nổi bật là toà tháp biểu tượng cao 108 tầng tại mũi Hải Đăng, được kỳ vọng trở thành cột mốc mới về kiến trúc và công nghệ xây dựng xanh của Việt Nam trên bản đồ quốc tế.
Một trong những đặc điểm nổi bật của Vinhomes Green Paradise là giao thông xanh. Các tuyến đường trong nội khu được ưu tiên cho xe điện, xe đạp và người đi bộ, hạn chế tối đa khí thải từ phương tiện động cơ. Hạ tầng kỹ thuật hiện đại như hệ thống cấp thoát nước tuần hoàn, năng lượng mặt trời, chiếu sáng tự động theo ánh sáng tự nhiên và lưới điện ngầm thông minh giúp hình thành một đô thị "carbon thấp", bền vững về môi trường, hiện đại về công nghệ và tối ưu hóa chi phí vận hành. Đặc biệt, với mục tiêu phát triển đô thị sử dụng năng lượng tái tạo phân loại, Vingroup sẽ đầu tư phát triển hệ thống điện gió cách bờ 10 km để cung cấp nguồn điện sạch cho siêu đô thị và mở ra tương lai xanh cho cả khu vực.
Không đơn thuần phát triển đô thị, Vinhomes Green Paradise cho thấy sự gắn kết chặt chẽ giữa phát triển và bảo tồn. Toàn bộ dự án được quy hoạch đảm bảo không xâm phạm vùng lõi khu dự trữ sinh quyển rừng ngập mặn Cần Giờ. Hành lang xanh tự nhiên và hệ sinh thái biển được giữ nguyên vẹn.
Vingroup cũng thể hiện cam kết đầu tư dài hạn cho ESG khi hợp tác với Boston Consulting Group (BCG), tập đoàn tư vấn quản lý hàng đầu thế giới để tư vấn chiến lược cho Vinhomes Greem Paradise. Bên cạnh đó, quá trình triển khai dự án cũng được các chuyên gia đánh giá cao về các khâu khảo sát, công khai thông tin và tham vấn cộng đồng. Những nỗ lực này cho thấy định hướng ESG không chỉ dừng lại ở thiết kế, mà được lồng ghép trong toàn bộ chuỗi phát triển và vận hành đô thị.
Sự đồng bộ giữa chiến lược phát triển hạ tầng công và đầu tư tư nhân theo chuẩn ESG đang hình thành nên một hình mẫu đô thị mới cho TP HCM - nơi thiên nhiên, con người và công nghệ cùng phát triển hài hòa. Từ một vùng đất trũng bị lãng quên, Cần Giờ đang từng bước trở thành đô thị vệ tinh kiểu mẫu, góp phần đưa TP HCM lên một tầm cao mới trong kỷ nguyên kinh tế xanh.
Nội dung: Thái Anh
Thiết kế: Hằng Trịnh
Map: Quang Tuệ
Ảnh: Vinhomes Green Paradise