Gần đây, có nhiều bài viết chia sẻ về những băn khoăn của phụ huynh, học sinh khi điểm thi tốt nghiệp THPT khác xa điểm học bạ. Tuy nhiên, cá nhân tôi đồng tình với Bộ Giáo dục và Đào tạo khi khẳng định đề thi tốt nghiệp không vượt quá chương trình. Việc có các câu hỏi khó để phân hóa là điều cần thiết trong bối cảnh xét tuyển đại học cạnh tranh.
Thực tế, điểm thi và học bạ của con tôi chỉ lệch khoảng 0,3 điểm. Nghĩa là năng lực tư duy của con tôi ổn định, có thực chất, không dao động thất thường. Để có được kết quả như vậy, suốt quá trình học, tôi luôn phải đồng hành, an ủi và động viên con. Con tôi học đúng theo tinh thần sách giáo khoa mới, tư duy mở, hiểu bản chất chứ không học vẹt.
Thế nhưng, nhiều bài kiểm tra ở trường của con lại ra để theo lối cũ – thiên về mẹo, học thuộc lòng, ghi nhớ máy móc. Con tôi không làm tốt dạng đề đó, nên điểm kiểm tra trên lớp thường thấp. Rất may, nhờ các bài kiểm tra giữa kỳ và cuối kỳ do Sở Giáo dục ra đề chung, bám sát định hướng đổi mới, nên điểm số của con được "cứu lại". Đến năm lớp 12, khi việc ra đề giao về cho trường, nên điểm số của con lại tụt xuống vì quay về kiểu cũ.
>> Con tôi 29 điểm thi thử tốt nghiệp THPT nhưng thi thật 24 điểm
Kỳ thi thử tốt nghiệp THPT, con tôi chỉ đạt khoảng 19 điểm tổng ba môn, trong đó có hai môn chỉ được 5 điểm. Điều đó phần nào khiến con tôi lo lắng, nản chí. Thấy vậy, tôi cùng con ngồi lại, phân tích đề thi để nhìn lại cả điểm yếu cá nhân lẫn những bất cập trong cách ra đề. Tôi khuyến khích con học kỹ toàn bộ chương trình từ lớp 10 đến 12, từ sách giáo khoa, sách chuyên đề đến sách bài tập, không bỏ qua nội dung nào.
Khi luyện đề, tôi dặn con không cần làm nhiều, mà làm có chọn lọc: bài nào yêu cầu vận dụng kiến thức mới thì làm kỹ; bài nào quá khó, thuộc dạng mẹo cũ hoặc nâng cao ngoài chương trình thì bỏ qua. Quan điểm của tôi rất rõ ràng: không luyện thi kiểu "nạp dữ liệu" mà phải hiểu bản chất, ra được đáp án cuối cùng.
Ngày thi chính thức, tôi động viên: "Con cứ xem như đang kiểm tra hành trình học ba năm. Đây là kỳ thi cạnh tranh, chỉ cần làm được thêm một câu là thêm một cơ hội. Đề khó thì bạn bè cũng sẽ khó, con đừng áp lực". Và kết quả sau đó của con hoàn toàn xứng đáng, phản ánh đúng năng lực thực tế.
Trong quá trình xét tuyển, con tôi cũng từng buồn khi thấy học bạ của mình đạt 87%, không "ăn thua" so với nhiều bạn toàn trên 90%. May mắn là điểm thi Đánh giá năng lực và điểm thi tốt nghiệp đã giúp con có thêm cơ hội cạnh tranh công bằng hơn.
Tôi cho rằng, hành trình học và thi năm nay thực sự gay cấn đến phút cuối, nhưng rất xứng đáng. Tôi tự hào vì con đã đi đúng hướng, không học vẹt, không "mua điểm", không gian lận. Tôi cũng ủng hộ cách ra đề mới, đây là hướng đi đúng: không thiên về học thuộc, không quá lệ thuộc kỹ thuật giải nhanh, mà đánh giá được tư duy, khả năng hiểu và vận dụng kiến thức. Tôi chỉ mong Bộ Giáo dục và Đào tạo sẽ nghiên cứu, điều chỉnh lại mức độ khó – dễ cho hài hòa hơn, chứ về bản chất, hướng ra đề như hiện tại là hợp lý và tiến bộ.
Với cách tiếp cận mới này, tôi tin rằng: học sinh càng học thêm theo kiểu luyện đề, học mẹo, học tủ, sẽ càng lạc hướng. Ngược lại, học sinh nào biết chủ động học, hiểu bản chất kiến thức, và biết tìm tòi thực tế thì sẽ tiến xa hơn. Tri thức tương lai không còn là thứ được "đúc khuôn" sẵn cho mọi học sinh. Giáo dục mới phải cá nhân hóa, giúp người học biết chọn lọc, biết sử dụng kiến thức như một công cụ để khám phá thế giới.
Điều tôi thấy rõ năm nay là hiện tượng lạm phát điểm học bạ, và đang bắt đầu lan sang điểm Đánh giá năng lực, điểm IELTS. Khi quá nhiều con số không phản ánh đúng năng lực, thì xã hội buộc phải dựa lại vào kỳ thi có khả năng phân loại rõ ràng nhất – đó chính là kỳ thi tốt nghiệp THPT. Và tôi tin, điểm thi tốt nghiệp năm nay là công cụ đánh giá công bằng và minh bạch nhất.
Tôi không buồn vì con mình không đạt điểm cao ngất ngưởng. Tôi chỉ quan tâm rằng con đã học đúng, thi thật và trưởng thành thật. Bởi xét cho cùng, một kỳ thi nếu khiến học sinh buộc phải hiểu sâu, học thật, và phụ huynh không thể "chạy điểm", thì đó mới là một kỳ thi đáng giá. Chứ nếu ai cũng điểm cao chót vót thì đâu còn giá trị gì.
- Con tôi đạt 8 điểm Văn tốt nghiệp THPT nhờ AI
- Tôi kỳ vọng 8 điểm Văn tốt nghiệp THPT nhưng nhận lại 'cú tát' 6,75
- 'Trời sập' khi tôi biết mình trượt đại học
- Con tôi hứng thú lấy điểm 8 môn Tiếng Anh tốt nghiệp THPT
- 'Kỳ vọng 9,5 điểm Tiếng Anh tốt nghiệp THPT nhưng giờ chỉ mong được 6'
- Con tôi tự tin 9,5 điểm Tiếng Anh tốt nghiệp THPT dù không học thêm ngày nào