Dưới đây là chia sẻ và phân tích của TS Ngôn ngữ học giáo dục Nguyễn Thanh Thúy, khoa Tiếng Anh, trường Đại học Hà Nội, về độ khó của đề thi tốt nghiệp THPT 2025 môn Tiếng Anh:
Với trình độ C1 trở lên, năng lực đọc hiểu được kỳ vọng ở mức vượt lên việc hiểu nghĩa của từ đơn thuần. Người đạt mức này sẽ nắm bắt được các sắc thái trong các phong cách sử dụng ngôn ngữ khác nhau của văn bản, đồng thời có thể suy luận được ý nghĩa ẩn dụ dựa trên việc hình dung tương đối tốt logic tư duy của người bản ngữ.
Các dạng câu hỏi phổ biến để kiểm tra năng lực người học ở trình độ C1 là kiểm tra từ vựng học thuật đòi hỏi thông hiểu ngữ cảnh, từ đó nắm bắt được đồng nghĩa/trái nghĩa hoặc suy luận nghĩa của một từ không thường xuất hiện; tóm tắt thông tin của văn bản có độ phức tạp cao, xác định đúng/sai; hoặc sắp xếp mạch logic của đoạn văn, cũng như diễn đạt lại câu theo cách khác...
Độ khó của câu hỏi phụ thuộc vào mức độ phức tạp của văn bản. Một văn bản dày đặc các cụm từ mang tính ẩn dụ cao như "Greenwashing", thì ngay cả câu hỏi đơn giản như tìm nghĩa của thuật ngữ cũng đã đạt tầm C1.
Đó là lý do mà gần như toàn bộ các câu hỏi cho bài này (từ câu 20-29) đều có thể được xác định ở mức này.
Về từ vựng, thường thì trong ngôn ngữ học, việc xác định từ vựng thuộc trình độ nào phụ thuộc vào một loạt các yếu tố liên quan tới mức độ được sử dụng của chúng.
Những từ phổ biến, được sử dụng với tần suất dày đặc trong các ngữ cảnh đời sống hàng ngày bình thường được liệt vào các từ cơ bản mà một người mới học sử dụng một ngôn ngữ cần biết (để giao tiếp hàng ngày) và cũng dễ dàng học được chúng vì mức độ đơn giản của ngữ nghĩa. Vì vậy, những từ miêu tả cuộc sống đời thường như "appointment" (cuộc hẹn), "boarding pass" (vé máy bay), hay "exchange" (trao đổi) sẽ được coi là từ vựng cần biết cho trình độ B1.
Khi mức độ sử dụng của một từ ít hơn, chỉ khu biệt trong những hoàn cảnh, bối cảnh cụ thể như từ ngữ chuyên ngành, từ đó sẽ được liệt vào khối từ vựng ở cấp độ cao hơn. Đặc điểm chung của đa số những từ ở trình độ cao này là độ trừu tượng cao, muốn hiểu rõ được phải nắm bắt được định nghĩa hoặc diễn giải theo ví dụ.
Không chỉ thế, chúng thường kết hợp với một số từ khác thành các cụm cố định, ví dụ "idioms" (thành ngữ) trong ngôn ngữ nói, hoặc các "collocations" (nhóm từ) trong văn viết, làm tăng sắc thái cho diễn ngôn, khiến chúng trở nên trang trọng hơn, hoặc hài hước hơn.
Ở tầm cao hơn nữa chính là việc sử dụng những từ, cụm từ này nhưng mang nghĩa chuyển, nghĩa bóng nhằm bóng gió gửi gắm thông điệp.
Chẳng hạn, trong đề thi có thể kể tới một loạt các cụm từ rải khắp các bài đọc, như trong bài về Nông nghiệp và công nghệ, cụm "curb chemical runoff" sử dụng nghĩa bóng của từ "curb" (nghĩa gốc là lề phân định giữa đường đi bộ và đường cho xe chạy), trong cách kết hợp này, ý của người viết là cần phải phân định rõ ràng nhằm giảm thiểu sự rò rỉ hóa học.
Hay trong bài "Greenwashing", cách dùng cụm "sleight of hands" (sự khéo léo của bàn tay trong ảo thuật) khi đề cập tới chiêu thức truyền thông là ẩn dụ so sánh với ngầm ý tố cáo dụng ý lừa phỉnh... Những từ/cụm từ như vậy nếu người đọc mới chỉ ở trình độ hiểu giao tiếp thông thường, đơn giản với vốn từ còn hạn hẹp ở trình độ B1 sẽ cảm thấy khó nắm bắt kể cả khi có từ điển trong tay.
Trong đề thi phổ thông trung học năm nay, bên cạnh độ dài phức tạp của câu, có thể kể ra rất nhiều cụm từ như vậy nằm rải rác trong các bài đọc: "accelerate the decision-making process", "curb chemical runoff", "data analytics are used to optimise agricultural practices" (bài Nông nghiệp); "green paint-sprayer", "soothing lullaby", "comforting half-truths", "sleight of hand", "glossy PR", "to trumpet token investments" (bài "Greenwashing"); và "risk adds an edge of excitement", "seek shelter in reliability" (bài về du lịch).
Chưa kể, đề còn có một số từ mang tính học thuật cao, thường chỉ xuất hiện trong các văn bản học thuật, và cấu tạo từ không dễ đoán nghĩa, ví dụ: "insidious" (ngấm ngầm, tinh vi mà nguy hiểm), "exponential" (theo cấp số nhân), "scrutiny" (giám sát, soi xét)...