Con trai tôi vừa tốt nghiệp lớp 9 (tương đương tốt nghiệp trung học cơ sở của Việt Nam), được đào tạo hoàn toàn theo hệ thống giáo dục Đan Mạch - nơi tiếng Anh không chỉ là môn học để thi, mà là một ngôn ngữ sống, được đưa vào trường học như một công cụ để hiểu thế giới, để giao tiếp, và để giải quyết vấn đề.
Cách đây hai tuần, con tôi dự kỳ thi tốt nghiệp cấp II môn tiếng Anh. Theo bốc thăm, môn thi tiếng Anh năm nay của con tôi là môn nói, và tiếng Pháp là viết (đọc hiểu). Trong môn thi nói, con phải lựa chọn trình bày về đề tài lịch sử giai đoạn Trung cổ, và thuyết trình trong 5 phút một bức tranh kể về truyền thuyết lá cờ Dannebrog (quốc kỳ của Đan Mạch) trong trận chiến Lyndanisse vào năm 1219. Sau đó, con sẽ trả lời câu hỏi từ hội đồng chấm thi, tổng thời gian là 10-15 phút cho phần thi của mỗi học sinh.
Triết lý giáo dục tại trường con trai tôi bắt nguồn từ mô hình Học tập dựa trên vấn đề (Problem-Based Learning), nhấn mạnh vào giáo dục lấy người học (sinh viên, học sinh) làm trung tâm.
Những ngày gần đây, bạn bè Facebook của tôi có rất nhiều tranh luận, bàn về độ khó của đề thi tiếng Anh tốt nghiệp THPT 2025, đang khiến nhiều thí sinh và phụ huynh lo lắng. Tôi tò mò vào đọc các đề thi tiếng Anh và chợt muốn thử in một mã đề cho con làm. Tôi giải thích cho cháu về những tranh luận trong kỳ thi và những cải cách giáo dục hiện tại của Việt Nam thông qua đề thi tốt nghiệp THPT.
Cháu đồng ý, và muốn mẹ làm giám thị (đặt giờ để theo dõi). Cháu hoàn thành bài thi trong 48 phút và đúng 37/40 câu. Cháu nhận xét: "Đề không khó".
Một đề thi khó với người này nhưng dễ với người kia là chuyện bình thường, không có gì đáng nói. Nhưng kết quả làm bài và nhận xét của cháu vẫn khiến tôi băn khoăn, bởi con trai tôi mới tốt nghiệp lớp 9 và chưa bao giờ luyện thi theo cách của Việt Nam.
Câu trả lời, theo tôi, nằm ở sự khác biệt sâu sắc về tư duy giáo dục, phương pháp giảng dạy và cách tiếp cận ngôn ngữ.
Trước hết, sự khác biệt không nằm ở năng lực, mà ở cách học. Ở Đan Mạch, từ tiểu học, các em đã được: tiếp xúc tiếng Anh qua truyện, bài hát, phim, podcast từ rất sớm (những chương trình thời sự ngắn cho trẻ em bằng tiếng Anh chẳng hạn); dùng tiếng Anh để thảo luận, viết cảm xúc, sáng tạo dự án - chứ không phải làm bài mẫu; không học mẹo làm trắc nghiệm, không học "đáp án đúng" - mà học "cách hiểu và cách nói"; tư duy bằng tiếng Anh, suy nghĩ bằng tiếng Anh khi học tiếng Anh.
Ngược lại, ở Việt Nam, tiếng Anh thường được dạy như một môn học "để thi" - nặng về ngữ pháp rời rạc, từ vựng đơn lẻ, kỹ năng mẹo mực, luyện đề, trong khi kỹ năng sử dụng thực tế (nghe - nói - viết) rất ít.
Vì vậy, mặc dù chưa từng luyện thi nhưng tư duy bằng tiếng Anh hàng ngày giúp con tôi "đọc hiểu dễ dàng" và vượt qua bài thi một cách đơn giản. Trong khi học sinh Việt Nam - đã ôn hàng tháng, hàng năm trời - vẫn lúng túng trước bài đọc dài hoặc câu hỏi suy luận.
Tôi cho rằng đề thi tiếng Anh 2025 phản ánh nỗ lực đáng ghi nhận của Bộ Giáo dục và Đào tạo trong việc: hướng đến đánh giá năng lực thật sự thay vì mẹo mực; gắn ngôn ngữ với tư duy, với ngữ cảnh thực tế và tiệm cận với các hệ thống đánh giá quốc tế (như IELTS, TOEFL...).
Nhưng đổi mới này thiếu một bước đệm cần thiết.
Khi học sinh đã được đào tạo 11 năm theo lối cũ mà bị yêu cầu làm đề theo tư duy mới thì đó không phải là đánh giá công bằng, mà là "thay luật giữa cuộc chơi".
Giáo dục ngôn ngữ không thể sửa từ lớp 12 mà cần bắt đầu một lộ trình dài hơi. Tôi thực sự tin rằng: nếu Việt Nam muốn cải cách tiếng Anh một cách bền vững, thì không thể chỉ bắt đầu từ kỳ thi THPT.
Cần một lộ trình cải cách từ sớm, ít nhất theo ba tầng:
Ở cấp mẫu giáo - tiểu học: Tập trung vào phát âm chuẩn, phản xạ giao tiếp. Dạy tiếng Anh qua hoạt động, truyện, nghe - nói, chứ không phải chép từ mới hay học bảng động từ.
Ở cấp THCS - THPT: Dạy tiếng Anh như công cụ học tập: viết nhật ký, xem phim, tranh luận, thuyết trình. Bắt đầu đưa kỹ năng viết và phản biện vào chương trình học.
Và điều quan trọng trước các cải cách đó, người dạy và người học cần hiểu một cách thấu đáo mục đích của việc học tiếng Anh, hay một ngôn ngữ mới. Theo tôi có bốn mục tiêu cần thống nhất khi học tiếng Anh (hay bất kỳ ngôn ngữ nào), bao gồm: Tăng cường khả năng giao tiếp hiệu quả; Mở rộng cơ hội học tập và nghề nghiệp; Phát triển tư duy và kỹ năng mềm và Tham gia cộng đồng toàn cầu (Global Integration).
Khi con tôi hỏi: "Vì sao học sinh Việt Nam lại thấy đề này khó?", tôi trả lời: "Vì ở Việt Nam, người ta dạy tiếng Anh để thi. Còn con học tiếng Anh để sống". Nhưng tôi tin rằng trong tương lai không xa, câu nói ấy sẽ không còn đúng nữa.
Cuối cùng, một đề thi có thể phản ánh triết lý giáo dục. Một bài làm của một đứa trẻ lại có thể chỉ ra khoảng cách giữa triết lý và thực tế.
Tôi viết bài này không để so sánh giữa Việt Nam và Đan Mạch, mà để chia sẻ góc nhìn của một phụ huynh, cũng là người đã làm việc 18 năm trong ngành giáo dục, với mong đợi mọi học sinh Việt Nam - dù ở vùng miền nào - đều có cơ hội học tiếng Anh như một công cụ sống, chứ không phải như một nỗi sợ trong kỳ thi cuối cấp.
Nguyễn Thị Thu Hiền