Tôi là một người rất quan tâm đến giáo dục. Sau khi theo dõi hàng loạt bài viết gần đây về kỳ thi tốt nghiệp THPT 2025, tôi nhận ra rằng, phần nhiều trong xã hội đều tỏ ra lo lắng, nhưng góc nhìn thì khác nhau. Có người chỉ trích đề thi quá khó, có người phản biện ngược lại, có người chỉ thấy buồn... Riêng tôi chọn một cách nhìn khác, đặt lại câu hỏi về chính mục tiêu của một kỳ thi, đặc biệt là khi nó ảnh hưởng đến hàng triệu gia đình trên đất nước hôm nay.
Góc nhìn kỹ thuật: không thể đo lường mọi thứ trong một kỳ thi
Kỳ thi tốt nghiệp THPT 2025 đang gánh trên vai hai mục tiêu: vừa xét tốt nghiệp cho học sinh hoàn thành cấp ba, vừa tuyển sinh đại học. Điều này tạo ra mâu thuẫn về độ khó, về cách thi, về mục đích của kỳ thi.
Trong khi đề thi Tiếng Anh được đánh giá là vượt quá chuẩn B1, chạm đến mức B2 và thậm chí C1, thì đề thi các môn như Vật lý và Hóa học lại có phần nhẹ nhàng. Sự chênh lệch này, dù có thể là "vô tình" trong cách thiết kế đề thi dựa trên ma trận câu hỏi, nhưng lại gây ra những tác động "hữu ý" đến điểm số và cơ hội tương lai của các em học sinh.
>> Đề thi Tiếng Anh tốt nghiệp THPT 2025 quá sức với học sinh của tôi
Góc nhìn chính sách: công bằng không đồng nghĩa ai cũng thi giống nhau
Tôi tin rằng, đề thi giống nhau không đồng nghĩa là công bằng. Đề thi của một học sinh trường chuyên ở thành phố sẽ khác xa một bạn ở huyện nghèo, thiếu cả thầy cô lẫn tài liệu ôn tập. Nếu muốn công bằng, có lẽ cần thiết kế hệ thống đánh giá đa tầng, phù hợp với mục tiêu của từng nhóm học sinh: người muốn học nghề, người muốn thi đại học, người chỉ cần tốt nghiệp. Đó mới là một nền giáo dục linh hoạt và thật sự bao hàm.
Góc nhìn nhân văn: học sinh cần được thấu hiểu, chứ không cần thêm áp lực
Kết quả một kỳ thi không định nghĩa được phẩm giá hay tiềm năng của một người trẻ. Nhưng cách gia đình, nhà trường và xã hội phản ứng với thất bại ấy lại có thể thay đổi cả cuộc đời các em. Câu nói "Kệ đi con, cứ làm đại đi" của một phụ huynh đón con sau khi thi xong, với tôi, không phải là buông xuôi – mà là một thông điệp yêu thương, cho phép người trẻ được vấp ngã, nhưng không đánh mất chính mình.
Giáo dục đích thực không bắt đầu từ một kỳ thi, mà từ việc đặt câu hỏi: "Chúng ta đang hướng con em mình tới điều gì?". Nếu mục tiêu là nhân cách toàn diện, thì chúng ta cần một nền giáo dục không làm tổn thương, không đặt nặng áp lực thành tích, mà khơi dậy sự tử tế, sáng suốt và bản lĩnh bên trong.
- 'Ngoại ngữ thành môn thi THPT tự chọn là tất yếu'
- 'Hai tiêu chí để Tiếng Anh là môn thi THPT bắt buộc'
- 'Không cần bắt buộc thi tốt nghiệp THPT môn Tiếng Anh'
- Nỗi lo thụt lùi nếu loại Tiếng Anh khỏi môn thi bắt buộc
- 'Không thể loại Tiếng Anh khỏi môn bắt buộc thi tốt nghiệp THPT'
- 'Thi tốt nghiệp THPT không áp lực bằng tuyển sinh lớp 10'