Thông tin này được Cục Quản lý đất đai (Bộ Nông nghiệp và Môi trường) nêu trong báo cáo phục vụ phiên họp Ban chỉ đạo điều hành giá liên quan đến giá đất quý II/2025.
Theo Cục, việc bỏ khung giá đất cùng với những quy định về bảng giá đất đã giúp quản lý đất đai, phát triển thị trường địa ốc được mở ra trên cơ sở minh bạch, tiệm cận hơn với thị trường. "Giá đất tăng sẽ có lợi cho ngân sách, tạo sự đồng thuận với người dân thuộc diện thu hồi đất", đơn vị này nêu.
Tuy nhiên, nhà quản lý cho rằng trong thời gian thực hiện bảng giá đất vừa qua, một số địa phương chưa kịp thời theo dõi biến động giá đất phổ biến trên thị trường để điều chỉnh bảng giá đất cho phù hợp với tình hình thực tế. Việc này dẫn đến tình trạng giá đất trong bảng tại một số địa phương còn thấp hơn nhiều giá đất thực tế trên địa bàn.
Cục Quản lý đất đai cho biết thời gian tới, nhiều địa phương sẽ ban hành bảng giá đất mới, sẽ có sự biến động lớn về mức giá được điều chỉnh. "Mỗi địa phương sẽ có biên độ điều chỉnh khác nhau nên thị trường bất động sản sẽ chịu nhiều tác động", cơ quan của Bộ Nông nghiệp và Môi trường cảnh báo.
Bảng giá đất được dùng để xác định giá bồi thường, giá tái định cư, tính thuế chuyển nhượng, phí và lệ phí liên quan đến đất đai.
Thực tế từ quý cuối năm ngoái đến nay, một số địa phương ban hành bảng giá đất điều chỉnh và cũng có sự gia tăng lớn so với mức áp dụng từ năm 2019. Ví dụ ở Hà Nội, theo bảng giá có hiệu lực từ 20/12/2024 đến 31/12/2025, giá đất ở cao nhất lên tới 695,3 triệu đồng một m2 với các thửa mặt đường tại loạt phố của quận Hoàn Kiếm. Mức này gấp gần 3,7 lần bảng giá cũ.
Còn đất ở mặt đường thuộc các tuyến phố của ba quận Cầu Giấy, Thanh Xuân, Tây Hồ tăng bình quân 225%. Tương tự, vị trí này ở 5 quận Long Biên, Hoàng Mai, Hà Đông, Bắc Từ Liêm, Nam Từ Liêm cũng được điều chỉnh cao hơn bình quân 210%. Theo Sở Tài nguyên và Môi trường Hà Nội, nhìn chung, giá đất ở theo bảng mới tăng bình quân 150 - 270%.
Với bảng giá vừa được UBND TP Đà Nẵng ban hành sẽ có hiệu lực từ 7/7, giá đất ở đô thị tăng mạnh nhất tại quận Ngũ Hành Sơn (172%), Cẩm Lệ (154%), các quận khác tăng 125-140%. Đất ở nông thôn Hòa Vang tăng 170%, còn các tuyến đường chưa đặt tên tăng 126-160%.
Tại TP HCM, giá đất tại bảng điều chỉnh áp dụng đến hết năm 2025 cũng tăng từ 4 đến 38 lần (chưa tính hệ số K), nhưng vẫn thấp hơn thị trường khoảng 25-50%. Tuy nhiên, nó cũng tồn tại một số bất cập. Mới đây, Viện Kinh tế Tài nguyên và Môi trường thành phố đã đề xuất tăng giá đất nông nghiệp lên bằng 65-70% giá đất ở, nhằm giảm gánh nặng tiền sử dụng đất cho người dân.
Bảng giá hiện hành đang ấn định giá đất nông nghiệp ở mức quá thấp, khiến tiền sử dụng khi chuyển mục đích tăng vọt. Cụ thể, giá đất nông nghiệp tại TP HCM dao động 400.000 đồng đến 810.000 đồng mỗi m2 (tùy khu vực và vị trí), trong khi đất ở thấp nhất là 2,3 triệu và cao nhất lên đến 687 triệu đồng mỗi m2. Với mức chênh lệch lớn (khoảng 5-25 lần), tiền sử dụng đất khi chuyển mục đích có thể cao gấp 5-10 lần so với trước đây, tạo áp lực tài chính đáng kể, đặc biệt với người thu nhập thấp.
Cục Quản lý đất đai đề nghị các địa phương khẩn trương rà soát bảng giá đất đã ban hành theo Luật Đất đai năm 2013 để xem xét điều chỉnh cho phù hợp với tình hình thực tế và chuẩn bị điều kiện cần thiết cho xây dựng bảng giá mới có hiệu lực 1/1/2026.
Đơn vị này lưu ý trong quá trình điều chỉnh phải tập trung vào phân tích, đánh giá tác động, có lộ trình phù hợp, xác định khu vực, vị trí hợp lý đối với từng loại đất. Đồng thời, các tỉnh, thành phố cũng cần tổ chức lấy ý kiến các đơn vị, tổ chức, cá nhân liên quan để đảm bảo sự đồng thuận của cơ quan thẩm định và các đối tượng chịu tác động, hạn chế phản ứng bất bình trong xã hội.
Anh Tú