VnExpress Kinh doanh Thứ năm, 24/7/2025, 11:30 (GMT+7)

Công nghệ hội tụ ở nhà máy dược lớn nhất miền Trung

Gia Lai6h30 tại văn phòng của Bidiphar, Trần Minh Tuấn cập nhập dữ liệu về hơn 300 sản phẩm vào hệ thống SAP ERP, các bộ phận khác lập tức nhận được thông tin, bắt đầu vận hành.

Ngay sau bước đăng nhập vào SAP ERP, mọi thông tin về lô thuốc từ nguyên liệu đầu vào, kết quả kiểm nghiệm, tiến độ sản xuất đến lịch trình đóng gói đều hiện rõ trên màn hình.

"Tôi chỉ cần cập nhật kết quả kiểm tra vào hệ thống, lập tức các bộ phận khác sẽ nhận được thông tin và triển khai bước tiếp theo", Tuấn nói.

SAP ERP là hệ thống Hoạch định nguồn lực doanh nghiệp, được công ty Cổ phần Dược - Trang thiết bị y tế Bình Định (Bidiphar) triển khai từ năm 2014. Đây cũng là bước chân đầu tiên trong hành trình ứng dụng công nghệ vào quản lý và sản xuất, của đơn vị có xuất phát điểm là công ty nhà nước với lịch sử 40 năm trước khi cổ phần hóa.

Nhờ ứng dụng loạt công nghệ hiện đại, AI và tự động hóa, Bidiphar vươn lên thành doanh nghiệp hàng đầu trong nước, xuất khẩu dược phẩm sang 20 nước. Gần nhất, tháng 7 năm nay, đơn vị vào Top 50 công ty niêm yết tốt nhất Việt Nam do Forbes Việt Nam bình chọn. Doanh nghiệp này còn giành cú "hat-trick" tại I4.0 Awards với ba hạng mục: Doanh nghiệp công nghiệp 4.0 tiêu biểu, Tổ chức đổi mới sáng tạo và Nhà lãnh đạo tiên phong chuyển đổi số.

"Đây là những dấu ấn rất đáng tự hào của công ty", bà Phạm Thị Thanh Hương, Tổng giám đốc Bidiphar nói. Theo bà Hương, thành công của Bidiphar đến từ tư duy chuyển đổi số toàn diện, nơi con người là trọng tâm và công nghệ là phương tiện để phục vụ sức khỏe cộng đồng.

Nhân viên Bidiphar vận hành công đoạn đóng gói trên dây chuyền sản xuất tự động, đảm bảo chất lượng và độ chính xác cao. Ảnh: Hồng Hà

Tiên phong quản trị số

Sau khi đưa SAP ERP vào vận hành, đơn vị ghi dấu thành công, khi khái niệm chuyển đổi số vẫn còn mới mẻ ở Việt Nam. Ba năm sau, năm 2017, công ty tiếp tục mở rộng với hệ thống DMS (quản lý phân phối bán hàng), rồi các phần mềm báo cáo quản trị thông minh (BI), đào tạo trực tuyến (E-learning).

Nhân viên QC cập nhật kết quả kiểm nghiệm qua hệ thống SAP ERP. Ảnh: Hồng Hà

Gần đây, công ty ứng dụng trí tuệ nhân tạo để hỗ trợ phân tích dữ liệu, dự báo nhu cầu và tối ưu hoạt động sản xuất kinh doanh. Bidiphar cũng đang đang phát triển một trợ lý ảo chuyên biệt để hỗ trợ công việc cho các phòng ban, đồng thời tổ chức đào tạo ứng dụng AI cho toàn bộ nhân viên.

Theo ông Đặng Tấn Dũng, Trưởng phòng Công nghệ thông tin của Bidiphar, chiến lược chuyển đổi số của công ty xoay quanh ba trụ cột: Tư duy số - Hạ tầng số - Con người số.

"Chuyển đổi số giúp Bidiphar chuẩn hóa quy trình, nâng cao năng lực quản trị, tăng hiệu suất công việc, tăng gắn kết khách hàng, ra quyết định nhanh và chính xác. Quan trọng là công ty có nguồn dữ liệu số để phân tích dự báo và cải tiến hoạt động sản xuất kinh doanh", ông Dũng nói.

Không dừng lại ở chuyển đổi số trong quản lý, đội ngũ lãnh đạo Bidiphar nhìn nhận rằng, trọng tâm của doanh nghiệp sản xuất là sản phẩm, do vậy doanh nghiệp đã đầu tư hàng loạt công nghệ và dây chuyền sản xuất.

Sản xuất khép kín, tự động hóa 90%

Xuất phát điểm là công ty nhà nước, Bidiphar tập trung vào mảng dược phẩm thiết yếu phục vụ cộng đồng, với hơn 300 sản phẩm gồm thuốc kháng sinh, thuốc nhỏ mắt, thuốc tiêm, thuốc đông khô, dung dịch thẩm phân, thuốc từ dược liệu và thực phẩm chức năng.

Năm 2010, công ty trở thành doanh nghiệp đầu tiên ở Việt Nam nghiên cứu và sản xuất thành công thuốc điều trị ung thư, và là doanh nghiệp duy nhất được Bộ Khoa học và Công Nghệ giao triển khai dự án sản xuất thuốc điều trị căn bệnh này.

Sau khi sản xuất thành công và được Bộ Y tế cho lưu hành nhiều sản phẩm, thuốc của Bidiphar đã nhanh chóng được các bệnh viên ung bướu trên cả nước sử dụng và đánh giá chất lượng tương đương thuốc nhập khẩu với ưu điểm là giá hợp lý và sẵn có để phục vụ bệnh nhân. Lúc này, lãnh đạo Bidiphar quyết tâm xây dựng nhà máy sản xuất thuốc ung thư lớn nhất Việt Nam.

Khởi công năm 2018 ở Khu kinh tế Nhơn Hội với tổng vốn 500 tỷ đồng, sau 5 năm, nhà máy hình thành trên bãi đất trống diện tích 1,5ha.

Nhà máy sản xuất thuốc ung thư quy mô lớn nhất Việt Nam của Bidiphar tại Khu kinh tế Nhơn Hội. Ảnh: Hồng Hà

Nhà máy đạt chuẩn EU - GMP ( các nguyên tắc và hướng dẫn Thực hành tốt sản xuất được ban hành bởi Cơ quan Quản lý Dược phẩm Châu Âu), tự động hóa đến 90%.

"Mức độ tự động hóa tương đương với các nước có nền y tế phát triển", lãnh đạo nhà máy nói.

Nhà máy có hai dây chuyền chính gồm thuốc tiêm (công suất 3 triệu sản phẩm/năm) và thuốc viên (70 triệu sản phẩm/năm), tích hợp ba công nghệ lõi hiện đại:

- Công nghệ sản xuất thuốc vô trùng trong môi trường sạch cấp A;

- Công nghệ đông khô giúp ổn định hoạt chất trong thời gian dài mà không cần bảo quản lạnh;

- Công nghệ cách ly tạo môi trường kín tuyệt đối, cách ly giữa con người, máy móc và thuốc để đảm bảo an toàn cao nhất.

Toàn bộ dây chuyền được giám sát bằng hệ thống SCADA (Hệ thống điều khiển giám sát và thu thập dữ liệu), giúp thu thập dữ liệu theo thời gian thực, cảnh báo sai lệch tức thì, đáp ứng tiêu chuẩn khắt khe của FDA (Mỹ) và EMA (châu Âu).

Bên cạnh sản xuất, Bidiphar còn đầu tư gần 200 tỷ đồng xây dựng phòng kiểm nghiệm (QC) đạt chuẩn quốc tế với hàng loạt thiết bị hiện đại bậc nhất.

Công nghệ nổi bật là máy LCMS (Sắc ký lỏng - Khối phổ) có thể phát hiện hoạt chất ở nồng độ cực thấp tới đơn vị ppt (một phần nghìn tỷ), giúp định lượng chính xác tạp chất trong thuốc.

Máy ICPE (Phổ phát xạ plasma cảm ứng cao tần) sử dụng ngọn lửa plasma với nhiệt độ lên đến 10.000°C để phân tích định lượng chính xác hàm lượng kim loại nặng và các nguyên tố vi lượng, phát hiện các nguyên tố dưới dạng nano, siêu vết với độ chính xác và độ nhạy cực cao.

Từ xuất phát điểm là nhà sản xuất thuốc generic, Bidiphar đã dũng cảm vượt ra khỏi "vùng an toàn" để phát triển lĩnh vực vốn do các tập đoàn đa quốc gia thống lĩnh.

Theo chiến lược phát triển, công ty đang tiếp tục nghiên cứu phát triển công nghệ để sản xuất dòng thuốc viên tác dụng tại đích, thuốc tiêm công nghệ sinh học điều trị ung thư của công ty nhằm giảm đáng kể chi phí điều trị cho hàng nghìn bệnh nhân ung thư, đồng thời nâng cao hiệu quả điều trị và giảm tác dụng phụ theo xu hướng y học hiện đại.

Hiện Bidiphar dẫn đầu thị phần thuốc điều trị ung thư tại Việt Nam, sở hữu 16 hoạt chất API và 40 sản phẩm thuốc ung thư, cung cấp cho hầu hết các bệnh viện chuyên khoa và khoa ung bướu lớn trong nước như: Bệnh viện K, Bệnh viện Bạch Mai, Bệnh viện Chợ Rẫy và các trung tâm ung bướu lớn. Sản phẩm cũng đã được xuất khẩu ra thế giới.

Ngoài thuốc ung thư, Bidiphar còn đẩy mạnh ứng dụng công nghệ trong các mảng khác như: công nghệ tách chiết dược liệu chuẩn hóa cho thuốc từ thảo dược; hệ thống pha chế và đóng gói tự động cho thuốc kháng sinh và dung dịch thẩm phân; cùng công nghệ quản lý kho thông minh, giúp tối ưu hiệu suất, giảm thiểu sai sót và đảm bảo chất lượng theo tiêu chuẩn GMP-WHO và ISO 9001:2015.

Đầu tư nghiên cứu phát triển (R&D)

"Sự phát triển của Bidiphar trong những năm qua là nhờ tiên phong trong chuyển đổi công nghệ", bà Phạm Thị Thanh Hương nói. Nhưng theo bà Hương, công nghệ luôn thay đổi với tốc độ chóng mặt, nếu chỉ chạy theo mà không nghiên cứu phát triển (R&D) thì sẽ dễ bị tụt hậu. Do vậy, công ty luôn đầu tư một phần đáng kể chi phí cho công tác R&D.

Nhân viên Bidiphar trong phòng nghiên cứu, kiểm nghiệm các công thức thuốc mới để đảm bảo chất lượng và hiệu quả điều trị. Ảnh: Hồng Hà

Hiện, công ty đang xây dựng Trung tâm Nghiên cứu & Phát triển (R&D) mới với ba mũi nhọn chủ lực: thuốc kháng sinh thế hệ mới; thuốc ung thư và các thuốc đặc trị thay thế hàng ngoại nhập.

"Công nghệ sinh học hứa hẹn tạo ra các loại thuốc nhắm trúng đích với hiệu quả cao hơn nhiều lần so với thuốc hóa dược, đồng thời giảm thiểu tác dụng phụ", bà Phạm Thị Thanh Hương nói.

Để thực hiện mục tiêu này, Bidiphar đã hợp tác với nhiều đơn vị nghiên cứu từ ngoài nước như Thụy Sĩ, Canada, tới các trường đại học lớn trong nước như: Đại học Y Dược TP. Hồ Chí Minh, Đại học Quy Nhơn. Đồng thời, công ty cũng vchủ động thu hút nhân lực chuyên môn cao từ các thành phố lớn trở về Gia Lai (Bình Định cũ).

"Với tầm nhìn 2025-2030, Bidiphar đặt mục tiêu hoàn thiện chuỗi nhà máy đạt chuẩn EU-GMP, phát triển thêm các sản phẩm thuốc điều trị ung thư nhắm trúng đích, đồng thời tinh gọn bộ máy và nâng cao năng lực đội ngũ để vươn lên top 3 doanh nghiệp dược phẩm uy tín nhất Việt Nam", lãnh đạo Bidiphar nói.

Theo Bộ Khoa học & Công nghệ, thời gian qua, Bidiphar đã thực hiện 34 nhiệm vụ Khoa học Công nghệ về nghiên cứu, phát triển sản xuất mới, trong đó có 14 đề tài, dự án cấp nhà nước về thuốc điều trị, 20 đề tài cấp tỉnh và hơn 100 đề tài nghiên cứu khoa học cấp cơ sở.

Mới đây, công ty đã được Bộ Khoa học Công nghệtặng bằng khen và vinh danh vì những đóng góp xuất sắc trong lĩnh vực nghiên cứu và phát triển dược phẩm tại Ngày hội Khoa học và Công nghệ Việt Nam 18/5.

Hồng Hà - Phạm Linh