Sau khi nhậm chức Bộ trưởng Tư pháp đầu tháng 2, bà Pam Bondi thường xuyên đề cập cuộc điều tra của Bộ Tư pháp Mỹ với vụ án Epstein. Bà cáo buộc chính quyền tiền nhiệm che giấu nhiều thông tin liên quan và sẽ công khai tất cả, đúng như cam kết của Tổng thống Donald Trump khi ông tranh cử.
Nền tảng MAGA (Khiến nước Mỹ vĩ đại trở lại), gồm những người ủng hộ ông Trump nhiệt thành nhất, đã ca ngợi nỗ lực của bà Bondi. Nhưng họ sớm thất vọng khi Bộ Tư pháp và Cục Điều tra Liên bang Mỹ (FBI) cùng tháng công bố khoảng 100 trang tài liệu "Giai đoạn 1", với hầu hết nội dung trùng với những gì đã giải mật hồi năm 2024.
Trong cuộc phỏng vấn của Fox News hồi tháng 2, người dẫn chương trình đặt câu hỏi: "Có phải Bộ Tư pháp sẽ công bố 'danh sách khách hàng' của Epstein?". Bà Bondi trả lời rằng "tài liệu đang ở trên bàn làm việc của tôi để chờ xem xét". Nhưng Bộ Tư pháp và FBI ngày 7/7 lại bác bỏ sự tồn tại của tài liệu này và tuyên bố khép lại vụ án và không tiết lộ thêm thông tin.
Diễn biến lập tức khiến những người MAGA phẫn nộ. Hàng loạt người cánh hữu có sức ảnh hưởng và đồng minh của ông Trump cáo buộc bà Bondi "lừa dối người dân Mỹ". Họ kêu gọi ông chủ Nhà Trắng cách chức hoặc thậm chí là luận tội Bộ trưởng Tư pháp.
"Người phụ nữ này sẽ còn được tha thứ vì làm hỏng mọi thứ bao nhiêu lần nữa trước khi bị sa thải?", nhà hoạt động cực hữu Laura Loomer viết trên X. "Bà ấy là nỗi xấu hổ, không làm gì để giúp đỡ Tổng thống Trump".
Với người ủng hộ Tổng thống Trump, cách Bộ trưởng Bondi giải quyết vụ "hồ sơ Epstein" là ví dụ gần nhất cho thấy bà hay thay đổi lập trường.

Bộ trưởng Tư pháp Mỹ Pam Bondi điều trần tại Thượng viện ngày 25/6. Ảnh: AFP
Jeffrey Epstein, sinh năm 1953, là tỷ phú tài chính người Mỹ. Ông bị bắt tháng 7/2019 với cáo buộc mua dâm hàng loạt trẻ vị thành niên từ năm 2002 đến 2005 tại các biệt thự ở bang New York và Florida. Doanh nhân này đối mặt với 45 năm tù nếu bị kết tội.
Epstein bác bỏ mọi cáo buộc và bị giam ở nhà tù Manhattan. Tháng 8/2019, Epstein treo cổ tự tử trong phòng giam. Tỷ phú này từng đối mặt với các cáo buộc tương tự năm 2007, nhưng đã ký thỏa thuận nhận tội với các công tố viên và bị giam 13 tháng với tội danh nhẹ hơn là mại dâm.
Vụ án Epstein nhanh chóng trở thành tâm điểm của "các thám tử Internet", thuyết âm mưu và đảng phái. Họ cố gắng liên kết hành vi phạm tội của Epstein với các chính trị gia đảng Dân chủ hoặc đảng Cộng hòa. Điều này càng gây chú ý khi Epstein chỉ lĩnh hình phạt nhẹ năm 2007.
Việc bà Bondi ám chỉ "danh sách khách hàng" đang trên bàn làm việc hồi tháng 2 càng làm dấy lên các thuyết âm mưu, dù chưa có bằng chứng nào cho thấy tài liệu này có tồn tại.
"Mọi thứ sẽ được công bố. Người dân Mỹ có quyền được biết", bà tiếp tục khẳng định trong tháng 3.
Sự tò mò bùng lên khi Elon Musk, cựu cố vấn Nhà Trắng, đầu tháng 6 đăng trên X rằng Tổng thống Trump "có tên trong hồ sơ Epstein" và đó là lý do nó không được công khai. Ông Musk sau đó xóa bài đăng này, bày tỏ hối tiếc rằng một số bài đăng "đã đi quá xa". Tuy nhiên, đảng Dân chủ đã kịp nắm lấy cơ hội để công kích chính quyền đảng Cộng hòa.
Bộ trưởng Bondi ngày 8/7 đính chính rằng trong cuộc phỏng vấn của Fox News, bà "nhắc đến các tài liệu về Epstein nói chung, không phải 'danh sách khách hàng'". "Hãy dừng bảo vệ sếp và khách hàng cũ của bà", các hạ nghị sĩ Dân chủ viết trong thư dài 6 trang gửi bà Bondi cùng ngày.
"Lẽ ra bà ấy chỉ cần nói 'tôi chưa xem xét các tài liệu và sẽ thông báo sau'", nhà bình luận bảo thủ Liz Wheeler cho biết. "Bà ấy đang gieo rắc sự ngờ vực trong chính nền tảng ủng hộ Tổng thống Trump. Không chỉ danh tiếng của bà ấy bị đe dọa, mà di sản của Tổng thống Trump cũng đối mặt nguy hiểm".
Phát thanh viên bảo thủ Erick Erickson cho rằng bà Bondi nên bị sa thải vì "nhiều lần nói dối công chúng Mỹ".
Người dẫn podcast cực hữu Jack Posobiec chỉ trích gay gắt Bondi vì tuyên bố vụ Epstein đã khép lại. "Tôi rất tức giận, thất vọng, như bị lợi dụng sau khi đến Nhà Trắng và nhận một hồ sơ toàn là thông tin đã được công bố từ trước, nhưng lại được giới thiệu là 'tài liệu mới về Epstein'", Posobiec nói. "Họ bảo rằng sẽ còn nhiều thông tin được công bố thêm. Nhưng không có gì cả".
Bà Bondi còn từng ra những tuyên bố cường điệu về vấn đề nhập cư, chính sách ma túy, điều mà các chuyên gia pháp lý cho rằng có thể làm tổn hại đến uy tín của Bộ Tư pháp Mỹ trước tòa án và trong mắt công chúng.
"Nếu bạn hình thành thói quen nói bất cứ điều gì, miễn là thuận lợi về mặt chính trị lúc đó, thì sớm muộn gì nó cũng sẽ phản tác dụng", Peter Keisler, quyền bộ trưởng tư pháp dưới thời tổng thống George W. Bush, cảnh báo. "Việc có được sự tin cậy từ tòa án và các thể chế khác mang lại giá trị lớn hơn, và bà ấy đang lãng phí yếu tố đó bằng cách này".

Bộ trưởng Tư pháp Mỹ Pam Bondi phát biểu tại cuộc họp báo với Tổng thống Donald Trump ở Nhà Trắng ngày 27/6. Ảnh: AFP
Những người ủng hộ Bondi nói bà đã giúp Bộ Tư pháp Mỹ, vốn là cơ quan khép kín, trở nên gần gũi với nền tảng cử tri ủng hộ ông Trump hơn bằng cách thường xuyên xuất hiện trên truyền hình. Phong cách cường điệu của bà cũng phản ánh phần nào cách tiếp cận của ông Trump trong các vấn đề.
Nhà Trắng bênh vực cách bà Bondi xử lý vụ Epstein. "Bộ Tư pháp cam kết tiến hành một cuộc điều tra toàn diện", thư ký báo chí Nhà Trắng Karoline Leavitt nói. "Họ đã làm điều đó và công bố kết quả. Đó chính là sự minh bạch".
Trong bài viết trên mạng xã hội ngày 12/7, ông Trump kêu gọi người ủng hộ ngừng công kích bà Bondi.
"Tôi không thích những gì đang xảy ra. Chúng ta có một chính quyền hoàn hảo, được cả thế giới nhắc tới, nhưng những kẻ ích kỷ đang cố gắng làm tổn hại nó, tất cả chỉ vì người đàn ông tên Jeffrey Epstein. Trong nhiều năm, vấn đề Epstein cứ lặp đi lặp lại. Đừng lãng phí thời gian và công sức cho Jeffrey Epstein, kẻ chẳng ai quan tâm", ông viết. "Hãy để Pam Bondi làm công việc của bà ấy. Đó là người tuyệt vời".
Như Tâm (Theo WSJ, Daily Beast, AFP)